Đồng Tháp: Không để hình thành 'điểm nóng' về ma túy

02/03/2022 09:56

(Chinhphu.vn) - Mục tiêu là không để hình thành băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức trên địa bàn; tỷ lệ điều tra khám phá án về trật tự xã hội đạt trên 75%; chuyển hóa đạt 60% địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội, 85% địa bàn đã chuyển hóa thành công không tái phức tạp trở lại.

Đồng thời kiềm chế tỷ lệ gia tăng số người nghiện ma túy và số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy dưới 1% so với năm 2021; phát hiện, bắt giữ số vụ phạm tội về ma túy tăng ít nhất 5% so với năm 2021; không để hình thành "điểm nóng" về ma túy, các điểm hoạt động phạm tội về ma túy đã phát hiện phải tổ chức triệt xóa ngay…

Đồng Tháp: Không để hình thành 'điểm nóng' về ma túy - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp triệt phá băng nhóm đưa gần 90kg ma túy từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ

Ban Chỉ đạo 138/ĐP tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Kế hoạch Thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy và mua bán người năm 2022.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định phục vụ phát triển kinh tế xã hội và phòng, chống dịch bệnh trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh tập trung giải quyết vấn đề an sinh xã hội, an dân, có giải pháp cụ thể, nhằm ổn định tình hình an ninh, trật tự và nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là đối với nhóm người dân bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; các vấn đề xã hội trong và sau dịch bệnh là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.

Cùng với đó, thực hiện tốt công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường xã hội an toàn, lành mạnh; củng cố, nhân rộng và phát huy các mô hình hiệu quả; chú trọng xây dựng mới các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đổi mới và nâng chất lượng nội dung, hình thức tuyên truyền phòng, chống tội phạm, phù hợp trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo chú trọng công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng; duy trì đường dây điện thoại nóng (02773.875111) để tiếp nhận thông tin của các nạn nhận cần giúp đỡ và tư vấn phụ nữ kết hôn có yếu tố nước ngoài; lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác của địa phương.

}
Top