Đông và Đông Nam Á với nỗ lực đối phó với các chất hướng thần mới

06/03/2017 14:24

Trong khi phải tiếp tục phòng ngừa và đấu tranh với hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển và lạm dụng các loại ma túy tổng hợp nhóm Amphetamine ATS, thời gian qua, các nước trong khu vực Đông và Đông Nam Á lại phải chống chọi với một vấn đề mới rất nghiêm trọng. Đó là, hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển và lạm dụng các chất hướng thần mới “New psychoactive substances” được viết tắt là NPS.

Ảnh minh họa

Đến hết năm 2016, đã có gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới thông báo có sự lạm dụng các chất hướng thần mới (NPS) với số lượng NPS bị lạm dụng lên tới gần 400 chất. Tính đến nay, riêng khu vực Đông, Đông Nam Á và Châu Đại Dương đã có 15 quốc gia, vùng lãnh thổ thông báo tình trạng lạm dụng các chất NPS ở mức nghiêm trọng với số lượng NPS đã đạt ngưỡng 137 chất.

Vậy các chất hướng thần mới này thực chất là gì? Vì sao gọi chúng là mới?

Các chất hướng thần mới thực chất không phải mới được các nhà khoa học phát minh, điều chế. Chúng đã hoặc đang được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, kể cả điều trị cho bệnh nhân trong y tế. Khái niệm “mới” ở đây được hiểu là gần đây bị lạm dụng không vì mục đích giải trí chứ không phải mục đích chữa bệnh. Điều đáng nói là bên cạnh tác hại nhiều mặt và rất nghiêm trọng của hành vi lạm dụng các chất hướng thần này, điểm chung của chúng là chưa hề được đưa vào danh mục cần kiểm soát của các Công ước quốc tế 1961, 1971 và sự hiểu biết về chúng còn rất mù mờ ngay cả đối với các cơ quan chuyên trách phòng, chống và kiểm soát ma túy ở nhiều nước.

Các chất hướng thần mới được phân chia trong 9 nhóm. Nhiều chất trong các nhóm đó có đặc điểm giống với các chất đã được Liên Hợp Quốc đưa vào danh sách kiểm soát. Ví dụ, nhóm Cannabinoid tổng hợp (JWH-018) có đặc tính rất giống với THC là chất hướng thần chủ yếu trong cần sa. Một số NPS thuộc nhóm cathinone tổng hợp lại có đặc tính giống với các loại ma túy tổng hợp nhóm ATS. Các chất trong nhóm phenethylamine gồm nhiều chất có đặc tính kích thích và gây ảo giác rất nguy hiểm...

Tại khu vực Đông và Đông Nam Á, các chất NPS chủ yếu được phát hiện thuộc nhóm cannabinoid và cathinone. Riêng nhóm cannabinoid có tới 42 chất. Trong khi đó lượng cathinone bị phát hiện tại khu vực này lại chiếm tới 25% tổng số NPS bị phát hiện trong khu vực. Điều này có thể lý giải bởi đặc tính giống nhau của các chất NPS này với các loại ATS đang bị lạm dụng rộng rãi trong khu vực.

Các nước phát hiện nhiều NPS bị lạm dụng trong khu vực, đó là: Australia (73 chất), NewZealand (49 chất), Singapore (37 chất), Nhật Bản (31 chất) và Indonesia (29 chất). Trong số các chất NPS, có 4 chất được các nước thông báo có mức độ lạm dụng nghiêm trọng nhất, đó là: Ketamine, 1-Benzylpiperazine (BZP), 1-(3-Trifluoromethylphenyl) piperazine (TFMPP), Mephedrone (4-MMC), Catha edulis (Khat).

Ketamine chủ yếu được đưa đến từ các cơ sở sản xuất ma túy trên địa bàn Trung Quốc, Ấn Độ và bị mua bán với số lượng lớn. Năm 2014, tại Đông và Đông Nam Á đã thu 11,8 tấn và 15 nước thông báo có tình trạng lạm dụng loại chất này bị phát hiện. Ngoài ra, tình hình mua bán, sử dụng bất hợp pháp Cannabinoid tổng hợp và Cathinone ở nhiều nước trong khu vực tăng một cách đột biến.

Ketamine hiện đang được nhiều nước sử dụng với mục đích gây mê cho người và gia súc. Tuy nhiên việc lạm dụng loại chất này ngày càng trở nên nghiêm trọng trong khu vực vì mục đích giải trí. Số lượng tội phạm có sử dụng Ketamine ở các nước như Trung Quốc, Ma Cao (Trung Quốc), Singapore, Brunei, Thái Lan đều tăng. Tác hại trực tiếp của hành vi lạm dụng ketamine đó là: tăng huyết áp, giảm thị lực, giảm trí nhớ, lú lẫn, đau vùng bụng... cho nên số người có nhu cầu điều trị vì lạm dụng Ketamine ở các nước này cũng tăng trong thời gian qua.

Trước những diễn biến phức tạp của các loại ma túy tổng hợp nhóm Amphetamine (ATS), năm 2008, theo sáng kiến của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), Chương trình giám sát toàn cầu các loại ma túy tổng hợp và chất hướng thần mới (SMART) được thành lập nhằm thu thập, phân tích, đánh giá xu hướng tình hình sản xuất, mua bán, lạm dụng các loại ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới trên phạm vi toàn cầu.

Chương trình được sự tài trợ của 10 quốc gia, đó là: Australia, Canada, Nhật Bản, NewZealand, Hàn Quốc, Nga, Thái Lan, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Vương quốc Anh và Mỹ. Hàng năm, dưới sự chủ trì của UNODC chương trình SMART đều tổ chức hội thảo với sự tham gia của các tổ chức quốc tế có liên quan và thành viên các quốc gia trong khu vực để thu thập thông tin về xu hướng diễn biến của các loại ma túy thuộc nhóm ATS cũng như NPS.

Năm 2013, UNODC đã thành lập Hệ thống cảnh báo sớm NPS (EWA) để cùng với các hệ thống thu thập, trao đổi thông tin về ATS hiện có như DAINAP nâng cao hiệu quả giám sát và thu thập, chia sẻ thông tin về hiện tượng này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thời gian qua đã có nhiều nỗ lực nhằm cùng UNODC và các tổ chức khác kiểm soát tốt hơn tình hình. WHO đã thành lập Ủy ban Nghiên cứu về sự lệ thuộc vào các chất (ECDD), mục đích là đánh giá nguy cơ của sự lệ thuộc vào các chất, nhu cầu sử dụng hợp pháp của các chất hướng thần, từ đó đưa ra các khuyến nghị kiểm soát chúng một cách phù hợp.

Theo kế hoạch, trong năm 2016, WHO đưa vào vào danh mục cần kiểm soát 10 chất trong số các chất NPS được các nước phản ánh có tình trạng lạm dụng. Ketamine theo đề nghị của WHO chưa nên đưa vào danh mục cấm sử dụng bởi chất này đang được sử dụng cho mục đích y tế.

Trong khi tình hình đang rất nghiêm trọng, việc phòng ngừa và đấu tranh với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng bất hợp pháp các chất này ở nhiều nước trong khu vực còn đang gặp nhiều khó khăn.

Thứ nhất, vì nhiều chất chưa có trong danh mục kiểm soát của các Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy và các chất hướng thần nên việc kiểm soát chúng ở nhiều nước đang đang gặp khó khăn.

Cho đến này, trong khu vực mới có một nước duy nhất là New Zealand có được các điều luật cụ thể để kiểm soát các chất NPS. Các nước khác đang trong giai đoạn phân loại để dự kiến đưa vào danh mục một số chất trong tổng số gần 200 chất NPS đang bị lạm dụng hoặc như kinh nghiệm của Nhật Bản, Philippines và một số nước khác tạm thời quản lý theo các quy định kiểm soát các chất nguy hiểm trong khi đợi có các văn bản cụ thể để quản lý các chất này.

Thứ hai, được coi là mới bị lạm dụng so với nhiều loại chất đã có trước đây như thuốc phiện, heroin, ATS nên sự hiểu biết và cảnh báo về tác hại do NPS gây ra cho xã hội còn chưa đúng đủ mạnh và mang tính cảnh báo cao.

Việc giám định, truy nguyên đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và một số loại thiết bị đặc thù, cái mà không phải quốc gia nào cũng đáp ứng ngay được. Trung Quốc và một số quốc gia có tiềm năng đã đầu tư rất lớn để xây dựng một trung tâm giám định quốc gia phục vụ chủ yếu cho mục đích này. Trung tâm này nằm trực tiếp dưới sự quản lý của Ủy ban quốc gia kiểm soát ma túy của Trung Quốc. Trung tâm có 20 chuyên gia làm việc và được đầu tư máy móc, phương tiện hiện đại vào bậc nhất khu vực. Năm 2014, Trung tâm giám định này đã truy nguyên 600 vụ ma túy và phát hiện nhiều chất NPS lần đầu bị lạm dụng ở Trung Quốc.

Đối với Việt Nam, mặc dù sự ưu tiên đang dành cho việc phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép các loại ma túy truyền thống và các loại ma túy tổng hợp song thực trạng diễn biến tình hình liên quan đến các chất hướng thần mới không thể nằm ngoài sự quan tâm.

Trên thực tế, thời gian qua các cơ quan chức năng đã phát hiện tình trạng lạm dụng Ketamine ở nhiều địa phương. Thiết nghĩ, cần có những biện pháp cấp bách và tổng thể về pháp luật, tuyên truyền và thống kê…liên quan đến NPS để chúng ta không bị động, lúng túng và thực hiện đúng những cam kết của Chính phủ khi tham gia các thỏa thuận song phương và đa phương về kiểm soát ma túy, các chất hướng thần.

Thực tế công tác phòng, chống ma túy gần 20 năm qua cho thấy, các vấn đề mà các nước trong khu vực đang phải đối mặt thì sẽ là thách thức của Việt Nam trong tương lai rất gần. Rất mong được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp để các cơ quan có liên quan như: Viện Khoa học hình sự, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cục Tham mưu cảnh sát (Bộ Công an) để sớm đưa các chất vào danh mục cần kiểm soát và nâng cao năng lực đấu tranh với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển và lạm dụng các chất này.

Đại tá Tạ Đức Ninh, Trưởng phòng Thường trực Chương trình quốc gia phòng, chống ma túy
}
Top