Dự án ECLIPSE: Khẳng định vai trò khu vực tư nhân trong phòng, chống HIV/AIDS

18/10/2024 19:17

(Chinhphu.vn) - Dự án ECLIPSE đã thu hẹp khoảng cách trong sự tham gia của khu vực tư nhân, cải thiện kết nối và theo dõi người nhiễm HIV tại các cơ sở y tế công, đồng thời thực hiện hiệu quả các nghiên cứu liên quan đến phòng, chống lao trong nhóm người nhiễm HIV và những người có nguy cơ cao.

Tăng cường hợp tác y tế công - tư trong phòng, chống HIV/AIDS

Dự án "Tăng cường sự hợp tác, kết nối và năng lực về chương trình HIV để tiến tới kiểm soát dịch bệnh một cách bền vững" (2021-2026), gọi tắt là ECLIPSE, được thực hiện trong khuôn khổ Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp giảm nhẹ AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR) bởi Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội IRDVN và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ.

Dự án ECLIPSE: Khẳng định vai trò khu vực tư nhân trong phòng, chống HIV/AIDS- Ảnh 1.

Xét nghiệm HIV trong cộng đồng - Ảnh: VGP/Thùy Chi

Trong năm tài chính thứ ba (01/10/2023 - 30/09/2024), với sự hỗ trợ từ các đối tác chiến lược như Cục Phòng, chống HIV/AIDS và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 10 tỉnh/thành phố bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, TPHCM, Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang, dự án đã hoàn thành phần lớn kế hoạch đã đề ra.

3 mục tiêu chính của dự án bao gồm: 1. Thúc đẩy khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ của khách hàng đối với các dịch vụ y tế có chất lượng cao liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế tư nhân và nhà cung cấp dịch vụ y tế công cộng; 2. Hỗ trợ liên tục cải tiến công tác quản lý chất lượng chương trình thông qua giám sát mở rộng, nâng cao việc theo dõi khách hàng và tối ưu hóa vòng đời dữ liệu ở cấp quốc gia và địa phương; 3. Sử dụng và đánh giá hiệu quả của các biện pháp chẩn đoán lao mới, sử dụng xét nghiệm mới trong sàng lọc triệu chứng nghi lao cho bệnh nhân đang điều trị HIV.

Trong năm tài chính thứ ba, Dự án ECLIPSE đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Điển hình, dự án đã chú trọng tăng cường hợp tác y tế công-tư: Nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị HIV tại khu vực y tế tư nhân như kết nối cơ sở y tế tư nhân điều trị ARV tại các tỉnh/thành phố: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, TPHCM.

Bên cạnh đó, dự án tổ chức sinh hoạt kỹ thuật trực tuyến nâng cao chất lượng điều trị ARV cho các cơ sở y tế tư nhân (Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và TPHCM); vào việc nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế tư nhân.

Tổ chức phân phối sinh phẩm tự xét nghiệm HIV miễn phí thông qua các đối tác tư nhân và nền tảng trực tuyến đi kèm các gói tư vấn chuyển gửi có liên quan tại Hà Nội. Cụ thể, hoạt động phân phối sinh phẩm tự xét nghiệm HIV (HIVST) miễn phí đã đạt được một số kết quả đáng kể. Dự án đã xây dựng và triển khai kế hoạch sàng lọc, đồng thời mở rộng hợp tác với 12 đối tác tư nhân tại Hà Nội, hiện duy trì mối quan hệ với 7 đối tác, bao gồm 5 nhà thuốc và 2 cửa hàng người lớn.

Tính đến nay, tổng cộng 3.115 sinh phẩm tự xét nghiệm HIV đã được phân phối, trong đó 2.265 sinh phẩm qua kênh đối tác tư nhân, 97 sinh phẩm qua chuyển phát, và 753 sinh phẩm tại các sự kiện tại trường đại học và cộng đồng. Trong số này, 2.700 sinh phẩm không có phản ứng, 17 sinh phẩm được báo cáo có phản ứng, và 398 sinh phẩm không được báo cáo. Đặc biệt, 100% khách hàng có kết quả phản ứng đã được hỗ trợ xét nghiệm khẳng định và điều trị ARV. Tất cả đều có bảo hiểm y tế hoặc tự trả phí. Những nỗ lực này không chỉ nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV mà còn góp phần quan trọng vào việc phát hiện sớm và kết nối điều trị HIV tại các cơ sở y tế nhà nước hoặc tư nhân theo nguyện vọng của người bệnh.

Ngoài ra, dự án ECLIPSE cũng chú trọng công tác truyền thông về dự phòng lây truyền HIV và tiếp thị tạo cầu về sinh phẩm tự xét nghiệm HIV và PrEP tại Hà Nội. Cụ thể, dự án đã xây dựng và thực hiện kế hoạch truyền thông định kỳ nhằm nâng cao nhận thức về dự phòng lây nhiễm HIV, sinh phẩm tự xét nghiệm HIV và PrEP. Các hoạt động bao gồm việc thiết kế và đăng tải 87 bài truyền thông trên các mạng xã hội như Facebook và Instagram, với tổng cộng hơn 110.000 lượt xem và tiếp cận.

Dự án cũng đã kết nối với 4 cơ sở giáo dục đại học để tổ chức các sự kiện giới thiệu dịch vụ HIVST và PrEP. Tổng cộng, 12 sự kiện truyền thông đã được tổ chức tại các trường đại học, phòng khám và cộng đồng, thu hút hơn 3.000 người tham gia. Những nỗ lực này không chỉ góp phần nâng cao nhận thức về dự phòng HIV mà còn thúc đẩy việc tiếp cận các dịch vụ liên quan, tạo ra ảnh hưởng tích cực trong việc giảm nguy cơ lây truyền HIV ở nhóm thanh niên trẻ…

Nhận diện những thách thức trong công tác phòng, chống HIV/AIDS

TS. Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng Cục Phòng, Chống HIV/AIDS cho biết, tính đến thời điểm hiện tại số người nhiễm HIV còn sống là 267.391 người, số người tử vong là 5.813 trường hợp, số người đang điều trị ARV (bao gồm 15.000 bệnh nhân điều trị tư nhân) là 193.928 người, độ bao phủ ARV đạt 72%.

Về hình thái lây nhiễm, tỉ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ bán dâm là 3%; nhóm nghiện chích ma túy là 9%, tuy nhiên đáng lưu ý tỉ lệ nhiễm mới HIV tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Từ khoảng hơn 2% vào năm 2012, nhưng đến nay đã tăng 12,5%. Đặc biệt tỉ lệ MSM chiếm đến gần 50% các trường hợp nhiễm mới HIV. Như vậy, đường lây nhiễm mới HIV hiện nay chủ yếu qua đường tình dục không an toàn.

Nhận diện những thách thức đang phải đối diện, TS. Dương Thúy Anh cho biết, tình hình dịch HIV/AIDS vẫn đang diễn biến phức tạp về cả tính chất và quy mô, trong khi độ bao phủ các hoạt động can thiệp hiện còn rất xa để tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Bên cạnh đó, nguồn tài trợ quốc tế giảm nhanh, mạnh trong giai đoạn sau 2026, mô hình tài trợ thay đổi, tình hình kinh tế xã hội trong nước phục hồi chậm sau tác động của dịch COVID-19…khiến công tác phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Để kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, TS. Dương Thúy Anh cho rằng cần phải thỏa mãn 4 điều kiện: Độ bao phủ can thiệp đạt 95%; độ bao phủ PrEP đạt 70% cho nhóm nguy cơ MSM và 50% cho các nhóm khác; độ bao phủ điều trị ARV đạt 95%; can thiệp chung cho nhóm nguy cơ MSM đạt 80% qua hệ thống truyền thông xã hội.

Theo TS. Dương Thúy Anh, với các mục tiêu can thiệp khổng lồ như trên thì nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đang gặp nhiều thách thức, mục tiêu kiểm soát dịch bệnh AIDS đến năm 2030 gặp nhiều khó khăn. Mặc dù thời gian qua Việt Nam đã rất nỗ lực trong công tác huy động nguồn lực trong nước, tuy nhiên nguồn tài chính trong nước mới chỉ đạt gần 50%. Sau khi dịch COVID-19 xảy ra thì nguồn lực này giảm xuống xấp xỉ 40%.

TS. Dương Thúy Anh cho biết, trong thời gian qua khu vực tư nhân đã có rất nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bằng việc triển khai các dự án được hỗ trợ từ nguồn quốc tế. Đây là một nhóm đa dạng các đối tác có có thể đại diện cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và lớn hoạt động trong các khu vực chính thức và phi chính thức.

Cụ thể, khu vực tư nhân có thể mở rộng quy mô, tiếp cận nhiều khách hàng hơn bằng cách sử dụng nguồn lực và chuyên môn của khu vực tư nhân hoặc tiếp cận các kênh phân phối của khu vực tư nhân; hoạt động hiệu quả hơn hoặc tiết kiệm chi phí hơn bằng cách phân khúc thị trường hoặc thích ứng kỹ thuật, kỹ năng, công cụ của khu vực tư nhân; thúc đẩy đổi mới sáng tạo như tiếp cận công nghệ mới hoặc cách làm mới làm tăng khả năng tìm ra giải pháp cho các vấn đề khó; tạo lập thị trường mới, bù đắp những khoảng trống trong ứng phó với HIV bằng cách giới thiệu các công cụ mới và thúc đẩy tăng trưởng thị trường dịch vụ cho nhóm đích chính; đồng thời cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng và lấy khách hàng làm trung tâm…

Đồng hành với người nhiễm HIV để không ai bị bỏ lại phía sau

PGS. TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đánh giá, dự án ECLIPSE đã hoàn thành tốt hoạt động năm 3 với nhiều kết quả nổi bật, bảo đảm đạt được 3 mục tiêu chính của dự án. Điển hình, đối với mục tiêu thúc đẩy khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ của khách hàng đối với các dịch vụ y tế có chất lượng cao liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế tư nhân và nhà cung cấp dịch vụ y tế công cộng, dự án đã thể hiện được vai trò to lớn của các đối tác tư nhân trong lĩnh vực y tế. Với sự tham gia tích cực của các đối tác tư nhân, cơ sở y tế tư nhân giúp giảm đến 50% trường hợp nhiễm mới HIV.

Cũng nhờ khu vực tư nhân, trước đây, nhiều trường hợp nhiễm HIV không tiếp cận dịch vụ xét nghiệm phát hiện HIV, không tiếp cận điều trị HIV do e ngại phải đến các cơ sở y tế nhà nước, thì nay nhờ các đối tác tư nhân, cơ sở y tế tư nhân đã phát hiện được tình trạng bệnh của mình và tham gia điều trị HIV. Đặc biệt, có thể thấy rõ hiệu quả của khu vực tư nhân trong công tác điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Số liệu cho thấy, khách hàng đến tham gia điều trị PrEP tại các cơ sở y tế tư nhân cao gấp 3 lần so với số lượng khách hàng tham gia điều trị tại cơ sở y tế nhà nước, điển hình tại Nghệ An khách hàng đến tham gia cao gấp 9 lần.

PGS. TS. Phan Thị Thu Hương mong rằng, trong thời gian tới mạng lưới y tế tư nhân sẽ tiếp tục được mở rộng, phát triển mạnh mẽ hơn. Đối với dự án ECLIPSE, cần tiếp tục nghiên cứu các văn bản pháp quy mới ban hành trong lĩnh vực HIV để giúp các cơ sở y tế tư nhân kết hợp với các cơ sở y tế nhà nước, để triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ cộng đồng, đến việc thực hiện theo các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật. Từ đó, góp phần bảo đảm bền vững các kết quả phòng, chống HIV/AIDS và hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Bà Jacquelyn Sunshine Lickness, Phó Giám đốc Bộ phận Lao và HIV toàn cầu, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, thông qua việc tăng cường năng lực cho các dịch vụ điều trị HIV ở tuyến tư nhân cấp cơ sở bằng việc nâng cao và mở rộng mạng lưới đối tác tư nhân trong các hoạt động tại các tỉnh thành, dự án ECLIPSE đã góp phần mở rộng tính khả dụng, nâng cao chất lượng dịch vụ HIV tuyến cơ sở, đặc biệt là những địa bàn khó tiếp cận.

Bà Jacquelyn Sunshine Lickness cho hay, trong công tác mở rộng các dịch vụ PrEP, RIDVN đã hỗ trợ mở dịch vụ PrEP tại 1 phòng khám tư nhân ở Hà Nội, tập trung vào các khách hàng MSM và TG trẻ. Dự án cũng đã đưa ra những bước tiến lớn tạo thêm nguồn cung-cầu trong điều trị PrEP, tổ chức các sự kiện truyền thông liên quan đến điều trị trị PrEP; cải thiện vấn đề kết nối trong điều trị HIV…

Bên cạnh đó, RID VN cũng đã tập trung nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội, các chương trình tập huấn và truyền thông đã không chỉ nâng cao năng lực giám sát ca bệnh HIV, cải thiện chất lượng điều trị ARV tại cơ sở y tế tư nhân, mà còn tăng cường hiểu biết về HIV trong cộng đồng. Những bài học từ dự án cũng đã nâng cao nhận thức của các nhà quản lý về khu vực tư nhân trong phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, làm nền tảng cho các chiến lược can thiệp ở cả quốc gia và địa phương.

Bà Jacquelyn Sunshine Lickness nhấn mạnh, trong bối cảnh nguồn viện trợ quốc tế đang giảm mạnh, CDC Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đồng hành và cam kết hỗ trợ RID VN để tiếp tục đạt được các mục tiêu đã đề ra của dự án ECLIPSE; tiếp tục hỗ trợ để tối ưu hóa các nguồn lực, nâng cao năng lực tại địa phương để bảo đảm bền vững kết quả phòng chống HIV/AIDS tại các địa phương đang triển khai dự án và không để ai lại phía sau trong dự phòng và điều trị HIV/AIDS.

Trong thời gian tới, dự án ECLIPSE sẽ tiếp tục triển khai với mục tiêu mở rộng các dịch vụ, tăng cường sự hợp tác, kết nối và năng lực trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS và lao ở cả tuyến y tế cộng đồng và tư nhân, nhằm hướng tới việc kiểm soát các dịch bệnh HIV/AIDS, lao một cách bền vững.

Thùy Chi

hiv
}
Top