Từng bước kiểm soát dịch HIV nhờ mở rộng, đa dạng hóa tư vấn xét nghiệm
(Chinhphu.vn) - Là 1 trong 6 tỉnh, thành phố được lựa chọn triển khai Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam giai đoạn 2020-2024 (EPIC), Long An đã triển khai hiệu quả dự án, từng bước kiểm soát dịch HIV nhờ mở rộng, đa dạng hóa tư vấn xét nghiệm và tăng cường điều trị.
Long An cơ bản kiểm soát được dịch bệnh HIV
Dự án EPIC là dự án viện trợ không hoàn lại do Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC.US) phối hợp Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế Việt Nam) thực hiện từ năm 1999 đến nay. Qua đó, từng bước giúp địa phương kiểm soát được dịch HIV.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, tính cho đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh ghi nhận 5.100 người nhiễm HIV, trong đó hơn 1.700 trường hợp tử vong.
Tỉ lệ lây nhiễm do hành vi tiêm chích giảm rõ rệt, các ca nhiễm HIV mới tập trung chủ yếu trong nhóm người trẻ độ tuổi thanh niên, học sinh, sinh viên, công nhân và hình thái lây nhiễm chính là quan hệ tình dục đồng giới nam ngày càng gia tăng.
Số người nhiễm HIV mới là nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm 64%, tăng 0,9% so với năm 2023. Tính đến nay, trong số 3.800 người nhiễm HIV còn sống ở cộng đồng, có hơn 3.500 người đang được điều trị ARV, chiếm hơn 90%. Số bệnh nhân xét nghiệm tải lượng virus HIV đạt tỉ lệ dưới ngưỡng 200 bản sao/1ml máu, không còn lây lan nguồn bệnh cho cộng đồng đạt hơn 99%.
Giai đoạn 2020-2024, dự án EPIC mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV. Các địa phương triển khai các hoạt động như thông báo, tư vấn xét nghiệm cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV; tiếp cận, xét nghiệm HIV thông qua mạng lưới người có hành vi nguy cơ cao.
Ngoài ra, người nhiễm HIV được tư vấn, cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm để chủ động làm xét nghiệm cho bạn tình, bạn chích hoặc thông báo, vận động bạn tình, bạn chích, người có hành vi nguy cơ cao trong mạng lưới xã hội của họ đến cơ sở y tế làm xét nghiệm HIV.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An Nguyễn Hoàng Uyên cho biết: Long An là một trong những địa phương đi đầu trên cả nước triển khai loại hình xét nghiệm phát hiện các ca mới nhiễm trong vòng 12 tháng. Trong 5 năm, hơn 6.300 lượt khách hàng nguy cơ cao được xét nghiệm HIV tại cộng đồng và hơn 14.900 lượt khách hàng nguy cơ cao được xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế. Qua đó, phát hiện hơn 1.900 ca nhiễm HIV mới, trong đó 98% khách hàng có kết quả xét nghiệm dương tính được chuyển gửi thành công đến cơ sở điều trị ARV. Cùng với đó, mô hình Cải thiện chất lượng trong giảm kỳ thị, phân biệt đối xử và mô hình Nhóm cộng đồng hỗ trợ nâng cao dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế (CAB) triển khai hiệu quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Triển khai hiệu quả hoạt động dự phòng phơi nhiễm HIV
Tại Long An, hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) được triển khai hiệu quả. Một trong những điểm sáng của dự án là vận dụng sớm và linh hoạt các sáng kiến, mô hình mới như PrEP lưu động, PrEP từ xa, mô hình phòng khám toàn diện và các mô hình lồng ghép. Điều này giúp hỗ trợ người có nguy cơ cao nhiễm HIV vượt qua các rào cản về nhận thức, tâm lý và địa lý để dễ dàng tiếp cận dịch vụ.
Việc điều trị PrEP giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trên 98%; trong 5 năm, tỉnh có hơn 3.900 khách hàng được điều trị. Nổi bật trong cung cấp dịch vụ điều trị HIV của dự án là mô hình điều trị trong ngày, điều trị nhanh. Khi có kết quả xét nghiệm khẳng định HIV, bệnh nhân được khám và điều trị ARV trong cùng ngày, giúp nhanh chóng phục hồi miễn dịch, giảm mất dấu và giảm lây truyền HIV trong cộng đồng.
Dự án có hơn 1.700 bệnh nhân mới được điều trị ARV, nâng tổng số bệnh nhân đang điều trị lên đến hơn 3.600 bệnh nhân (chiếm 92% tổng số bệnh nhân cả tỉnh); đồng thời, hơn 11.900 lượt bệnh nhân được xét nghiệm tải lượng HIV, trong đó bệnh nhân có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế là 99,1%.
Với mục tiêu "lấy người bệnh làm trung tâm", từ năm 2022, tỉnh triển khai sàng lọc, quản lý bệnh không lây nhiễm, bệnh đồng nhiễm như cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, ung thu cổ tử cung, sức khỏe tâm thần, viêm gan,... góp phần bình đẳng giới, bình đẳng trong tiếp cận điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống người nhiễm HIV.
Nhằm giảm gánh nặng bệnh lao cho người nhiễm HIV, dự án tiên phong trong sử dụng phác đồ ngắn hạn, hiệu quả để điều trị lao tiềm ẩn cho những bệnh nhân đủ tiêu chuẩn. Bệnh nhân hoàn thành điều trị lao tiềm ẩn đạt 97%.
Đặc biệt, phòng xét nghiệm tải lượng HIV của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đơn vị chuyên khoa đầu tiên của hệ thống dự phòng, chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 9/2023, cung cấp dịch vụ được bảo hiểm y tế chi trả cho hơn 3.000 bệnh nhân của các phòng khám ngoại trú trong và ngoài tỉnh. Qua đó, giúp bệnh nhân đang điều trị ARV được xét nghiệm tải lượng định kỳ, chủ động lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ, rút ngắn thời gian vận chuyển mẫu và nhận kết quả.
Ông Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Ban Quản lý Tiểu dự án EPIC tỉnh Long An cho biết, trong thời gian qua ngành y tế tỉnh Long An luôn nỗ lực để góp phần cùng cả nước hướng tới mục tiêu chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Nhằm khắc phục hạn chế và phát huy kết quả đã đạt, ông đề nghị, lãnh đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường triển khai các giải pháp can thiệp tìm ca HIV. Trong đó, cần ưu tiên can thiệp nhóm quần thể MSM trẻ tuổi tại khác nhà máy, xí nghiệp và các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh thông qua mạng lưới cộng tác viên, đồng đẳng viên và các nhóm CBO (nhóm đồng đẳng viên).
Chú trọng nâng cao năng lực cho nhóm cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS
Cần nâng cao năng lực cho nhóm CBO, vì nhóm này có vai trò chính trong việc tiếp cận và giới thiệu khách hàng là MSM đăng ký điều trị PrEP. Đơn vị Cần Đước và Bến Lức cần thực hiện đúng tiêu chuẩn trong việc thu dung điều trị PrEP cho khách hàng, nhất là những khách hàng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.
Hàng năm, các đơn vị quan tâm ký kết hợp đồng BHYT về xét nghiệm tải lượng vi rút HIV và chỉ định những bệnh nhân đủ tiêu chuẩn xét nghiệm tải lượng HIV theo quy định. Đối với những bệnh nhân là phạm nhân trại giam hay bệnh nhân chưa có thẻ BHYT thì sử dụng nguồn kinh phí của Dự án Quỹ toàn cầu để xét nghiệm. Hiện bệnh nhân được sàng lọc và quản lý bệnh không lây nhiễm chỉ đạt 53%. Vì vậy đề nghị, các đơn vị tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp tăng tỷ lệ bệnh nhân được sàng lọc bệnh không lây nhiễm.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An Nguyễn Hoàng Uyên khẳng định, với sự hỗ trợ của dự án EPIC, công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh đạt chỉ tiêu đề ra. Tỉnh cơ bản kiểm soát được dịch HIV. Tuy nhiên, còn nhiều ca nhiễm HIV mới trên địa bàn tỉnh không có can thiệp trực tiếp của dự án. Vì vậy, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tìm ca HIV mới chuyển gửi điều trị ARV và chuyển gửi các ca HIV âm tính điều trị PrEP.
Bên cạnh đó, ngành Y tế Long An tiếp tục tăng cường phối hợp các nhóm đồng đẳng viên CBO trên địa bàn trong việc tiếp cận, cung cấp các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV cho khách hàng là MSM. Công tác truyền thông rộng rãi thông điệp K=K (Không phát hiện = Không lây truyền) tiếp tục được đẩy mạnh.
Ngành Y tế tăng cường phổ biến các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS cho các ngành, đoàn thể, tập trung vào đối tượng MSM trẻ và lực lượng lao động lưu động, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, trường học trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, ngành Y tế tỉnh sẽ tiếp tục tận dụng các hệ thống HIV do PEPFAR (Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS) hỗ trợ để sử dụng cho đa bệnh và lồng ghép các bệnh không lây, viêm gan, bệnh lây truyền qua đường tình dục vào các dịch vụ HIV.
Đồng thời, thực hiện các giải pháp nâng cao tỉ lệ phát hiện bệnh nhân lao nhiễm HIV và tăng cường phát hiện người nhiễm mới HIV qua xét nghiệm Recency (sinh phẩm xét nghiệm nhanh), phấn đấu hoàn thành các mục tiêu cam kết với Ban Quản lý dự án EPIC Trung ương, và kết thúc hành trình 5 năm thực hiện dự án EPIC để bước sang chu kỳ mới trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Thùy Chi