Đưa đối tượng ‘ngáo đá’ vào diện quản lý

24/08/2022 17:18

(Chinhphu.vn) - Tính đến ngày 15/5, trên phạm vi cả nước, số người sử dụng trái phép chất ma túy tổng hợp có dấu hiệu rối loạn tâm thần “ngáo đá” là 1.651 người. Bộ Công an đã đưa vào danh sách quản lý số đối tượng này để chủ động có phương án phòng ngừa nhằm hạn chế tới mức thấp nhất tội phạm và vi phạm pháp luật.

Đưa đối tượng ‘ngáo đá’ vào diện quản lý  - Ảnh 1.

Công an phường Quang Trung, quận Hà Đông, TP. Hà Nội và người dân phối hợp khống chế đối tượng “ngáo đá” có hành vi chặn đầu xe ô tô, chửi bới và đe dọa giết người

Hướng dẫn can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp (MTTH) dạng Amphetamine của Bộ Y tế cho biết, người sử dụng trái phép chất MTTH bị rối loạn tâm thần (còn gọi là "ngáo đá") thường có các triệu chứng: Hoang tưởng, ảo giác, rối loạn cảm xúc, kích động, dẫn đến suy giảm chức năng nhận thức, có các hành vi gây nguy hiểm cho bản thân người sử dụng và những người xung quanh.

Những trạng thái tâm lý phổ biến của người sử dụng trái phép chất MTTH bị "ngáo đá" gồm có: Người sử dụng trái phép chất MTTH bị rối loạn tâm thần luôn ở trong trạng thái trầm cảm, lo âu, buồn chán, thường có tâm lý muốn ở một mình và có thể dẫn đến tự sát; lâm vào ảo giác, hoang tưởng, thần kinh bị kích động mạnh.

Từ trạng thái tâm lý trên, hành vi của người sử dụng trái phép chất MTTH bị "ngáo đá" thường lặp đi lặp lại, không kiểm soát được lời nói, hành động của bản thân; nói lảm nhảm, la hét, đập phá, leo trèo lên vị trí nguy hiểm, đánh người vô cớ, thậm chí là tấn công gây thương tích cho người khác hoặc giết người, kể cả giết người thân.

Các trường hợp hoang tưởng dễ phát hiện qua biểu hiện khác như: Bơi trên cạn, đốt nhà rồi cố thủ, trèo lên nóc nhà, cột điện, trèo cây, la hét, lái xe tốc độ cao gây tai nạn nhưng không nhận biết được hậu quả, không mặc quần áo nơi công cộng...

Mới đây ngày 15/6, tại TP.Cần Thơ, đối tượng Lâm Hoàng Nhu (37 tuổi, trú tại tỉnh Bình Phước) bị rối loạn tâm thần do sử dụng MTTH đã cầm viên gạch đi vào siêu thị trong Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ la hét, lấy 3 dao nhọn đi ra ngoài khiến mọi người hoảng sợ.

Khi lực lượng Công an phường có mặt, thuyết phục đối tượng bỏ dao nhọn xuống thì bất ngờ y nhảy lên xe cấp cứu của bệnh viện, lái xe đâm thẳng vào ô tô của Cảnh sát 113 rồi bỏ chạy ra ngoài, lái lòng vòng trên nhiều tuyến phố gây hoảng hốt cho người dân. Chỉ đến khi xe cấp cứu tông vào một ô tô khác và đâm vào gốc cây thì đối tượng mới bị khống chế bắt giữ.

Kết quả xét nghiệm trong nước tiểu và máu của Nhu có thành phần của ma túy tổng hợp (Amphetamin), cần sa (Marijuana) và ma túy túy đá (Methamphetaminr). Trong vụ việc này, may mắn không có ai bị thương, nhưng nhiều phương tiện, tài sản bị hư hỏng.

Mới đây, tại TPHCM, đối tượng Lê Văn Hoàng (32 tuổi, quê Long An) do "ngáo đá" đã vô cớ dùng hung khí đâm 3 người đi đường ở phường An Lạc A, quận Bình Tân. Tại cơ quan Công an, đối tượng khai nhận đầu giờ chiều ngày 10/8 đã sử dụng ma túy đá và bị ảo giác. Hoàng đi bộ trên đường Kinh Dương Vương (phường An Lạc A), tay phải cầm dao, tay trái cầm kéo rồi bất ngờ tiếp cận, dùng hung khi đâm vào ngực ông L.T.H, 47 tuổi khiến ông này bị thương. Tiếp đó, y xông đến tấn công, đâm vào lưng, bụng và tay vào ông N.V.T (57 tuổi) là người bán vé số ở gần đó làm ông T bị thương nặng.

Sau khi liên tiếp gây thương tích cho 2 nạn nhân, y chạy bộ đến quán cơm gần đó dùng hung khí đâm tiếp anh Đ.T.S (29 tuổi) đang chờ mua cơm và bị người dân bao vây, khống chế giao cho lực lượng công an. Các nạn nhân được đưa đến bệnh viện điều trị và may mắn không nguy hiểm tới tính mạng.

Chủ động phương án phòng ngừa

Trước tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy tổng hợp bị "ngáo đá" phạm tội, vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy ban hành các hướng dẫn nghiệp vụ đối với lực lượng công an cơ sở (cấp xã, phường, thị trấn) triển khai toàn diện công tác điều tra cơ bản.

Đặc biệt là tăng cường nắm, theo dõi tình hình, đưa đi cai nghiện đối với người nghiện ma túy; đưa vào danh sách quản lý số đối tượng sử dụng ma túy trái phép có biểu hiện loạn thần, "ngáo đá" để chủ động có phương án phòng ngừa nhằm hạn chế tới mức thấp nhất tội phạm và vi phạm pháp luật do nhóm đối tượng này gây ra.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án cụ thể để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý không để các đối tượng "ngáo đá" gây ra các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa, phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tổ chức tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm.

Đồng thời thực hiện công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, thường xuyên rà soát, thống kê, cập nhật danh sách các đối tượng có biểu hiện rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy, các đối tượng mắc bệnh hoặc có tiền sử mắc bệnh tâm thần có khả năng gây án cao để đưa vào diện quản lý nghiệp vụ. Bố trí lực lượng giám sát, nắm tình hình, thông tin, di biến động của đối tượng để phục vụ công tác quản lý, phòng ngừa và đấu tranh.

Đối với các trường hợp đủ điều kiện thì công an cơ sở phối hợp với các ngành liên quan lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.

Lực lượng công an tích cực phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp đưa ra xét xử điểm các vụ án do đối tượng "ngáo đá" gây ra nhằm răn đe, phòng ngừa chung; kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy để có các giải pháp xử lý phù hợp, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại cơ sở và cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Liên quan đến vấn đề người sử dụng trái phép MTTH bị "ngáo đá", cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân cần chủ động phát hiện, nhận diện nhóm đối tượng này để thông báo cho lực lượng chức năng tiến hành các biện pháp quản lý, giám sát hoặc đưa đi cai nghiện nếu đủ điều kiện. Qua đó giảm áp lực cho gia đình, cộng đồng và hạn chế tội phạm, tệ nạn xã hội phát sinh.

Trong thực tế, nếu không may phải "đối mặt" với các đối tượng đang trong tình trạng "ngáo đá" có nhiều biểu hiện, hành vi nguy hiểm, cần bình tĩnh xử lý, không có hành động, lời nói khiến đối tượng bị kích động mạnh. Sau đó giữ khoảng cách an toàn và thông báo cho lực lượng chức năng nơi gần nhất để kịp thời xử lý, khống chế đối tượng.

Minh Anh

Top