Giải pháp mạnh, đổi mới để nâng cao hiệu quả phòng chống ma túy

08/11/2024 19:37

(Chinhphu.vn) - Các đại biểu Quốc hội khẳng định việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là yêu cầu cấp bách và khách quan, xuất phát từ thực tiễn, trước tình hình phức tạp của ma túy, đe dọa trực tiếp đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Giải pháp mạnh, đổi mới để nâng cao hiệu quả phòng chống ma túy- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung (đoàn Hà Nội) thảo luận tại tổ 1

Chiều 8/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Thảo luận tại tổ 1, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP. Hà Nội (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh ma túy không chỉ là tệ nạn mà là hiểm họa của Việt Nam và cả toàn cầu. Ma túy đi vào mọi ngõ ngách đời sống, không trữ bất cứ ai từ trí thức, văn nghệ sĩ, người lao động, công nhân, nông dân nếu chúng ta mất cảnh giác.

Ở các đô thị lớn, nhiều đối tượng còn thuê hẳn căn hộ chung cư chỉ để tổ chức, sử dụng ma túy. Để vào được các khu chung cư đó rất ngặt nghèo, không phải ai cũng vào được.

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, hoạt động buôn bán ma túy lại ngày càng dễ hơn, đặc biệt trên mạng xã hội, giá ma túy cũng rẻ hơn…

Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết, lực lượng công an xác định tội phạm ma túy là tội phạm nguồn vì từ ma túy sinh ra cướp giết, trộm cắp, lừa đảo. 40% đối tượng nghiện ma túy là không nghề nghiệp và nghề nghiệp không ổn định. Khi không có thu nhập, không có tiền để hút chích thì các đối tượng nghiện phải trộm cắp, cướp giết, thậm chí có trường hợp ngáo đá giết bố mẹ, vợ chồng.

Nhấn mạnh hiểm họa ma túy là khôn lường, Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết, công tác phòng chống ma túy là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là sự nghiệp toàn dân. Lực lượng công an chịu trách nhiệm trong phòng chống tội phạm ma túy.

Hiện nay, Bộ Công an cũng đang chỉ đạo tập trung triển khai các giải pháp nhằm mục tiêu giảm cầu vì giảm cầu thì sẽ giảm cung, phòng ngừa là chính. Phòng ở đây là không để tăng số người nghiện và phải giảm số người nghiện.

Song thực tế, hoạt động buôn bán ma túy lợi nhuận rất lớn nên các đối tượng buôn bán ma túy không bao giờ từ bỏ, thậm chí còn cố tình tạo ra cầu như rủ rê, chiêu đãi, lôi kéo, cho dùng thử trước...

Dự báo tình hình ngày càng phức tạp, nếu như trước đây các vụ buôn bán ma túy tính theo cân, lạng thì giờ theo tấn, tạ. Trước đây, tội phạm chỉ đi theo đường bộ, còn giờ đi theo cả đường biển, sông, hàng không. Trước đây, phải giao dịch mua bán gặp nhau trực tiếp, giờ thì không cần gặp mặt. Trước kia chỉ có heroin, thuốc phiện thì giờ là ma túy tổng hợp, nhiều khi chỉ là những tiền chất bình thường nhưng khi kết hợp với nhau lại tạo ra ảo giác...

Do đó, Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho rằng bên cạnh quyết tâm chính trị, cần phải có biện pháp mạnh và trách nhiệm là của cả hệ thống chính trị. 

"Công tác phòng chống ma túy đòi hỏi phải kiên trì, kiên định và rất cần có Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy. Chương trình đã đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp đổi mới trong phân công, phân cấp để nâng cao hiệu quả phòng chống ma túy", Trung tướng Nguyễn Hải Trung nói.

Đánh giá cao nội dung, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh việc "phòng" ma túy.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, hiện có nhiều phương thức bán, lưu thông, phân phối ma túy khác nhau. Trong đó vấn đề phòng ngừa sản xuất, mua bán chất gây nghiện qua mạng, việc sản xuất, phối trộn chất, tiền chất gây nghiện ngày càng phức tạp, đặc biệt là ma túy, thuốc lá thế hệ mới với nhiều tác hại với người dùng.

"Vấn đề phối trộn ma túy, thuốc lá thế hệ mới làm ma túy thâm nhập vào dễ nhất, nhanh nhất và có tác hại nhất đến thanh thiếu niên", đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ và mong Bộ Công an, cả xã hội quan tâm đến thuốc lá thế hệ mới.

Ở góc độ nguồn lực, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) hoàn toàn tán thành sự cần thiết đầu tư nguồn lực thực hiện Chương trình này để thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và các cam kết quốc tế; đồng thời, đây là Chương trình có ý nghĩa với từng người, từng nhà, toàn thể xã hội, đảm bảo được cuộc sống bình yên hôm nay và mai sau...

"Đy là Chương trình có ý nghĩa thực tiễn cao. Về kinh phí và nguồn lực thực hiện hơn 22.450 tỷ đồng, nếu so mặt bằng chung thì tổng mức đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước là khả thi, hợp lý", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhận xét.

Giải pháp mạnh, đổi mới để nâng cao hiệu quả phòng chống ma túy- Ảnh 2.

Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030

Bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của chương trình

Thảo luận ở tổ 4, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) nhận định, việc đầu tư cho chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2030 không chỉ đáp ứng các yêu cầu về chính trị, pháp lý mà còn mang tính thực tiễn sâu sắc trong bối cảnh ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến cộng đồng.

Vì vậy, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng đây là một chương trình có ý nghĩa quan trọng, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc giải quyết vấn đề cấp bách, bảo vệ an ninh trật tự và sức khỏe của nhân dân. Do đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc thống nhất việc Quốc hội chấp thuận chủ chương đầu tư đối với Chương trình mục tiêu quốc gia này.

Góp ý về mục tiêu của chương trình, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho biết Chương trình đặt ra 3 mục tiêu chính: Giảm cung ma túy, giảm cầu ma túy và giảm tác hại do ma túy gây ra, cùng với 20 chỉ tiêu cụ thể.

Tuy nhiên, trong các chỉ tiêu này, đại biểu Phúc băn khoăn về chỉ tiêu bảo đảm 100% các điểm phức tạp về ma túy được triệt phá; kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện dưới 1% hàng năm; hỗ trợ y tế và tâm lý cho hơn 90% người nghiện.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc nhận định hiện nay, các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, còn thiếu nhiều cơ sở hạ tầng để triển khai các biện pháp cai nghiện hiệu quả. Chẳng hạn, chưa có đủ điểm tiếp nhận và tư vấn cai nghiện đạt chuẩn theo quy định, chưa kể đến nguồn lực chuyên môn, nhân lực chuyên trách.

Từ đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị các mục tiêu cần phải phù hợp với nguồn lực và khả năng thực thi, đồng thời cần có sự rà soát, đánh giá để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của chương trình.

Về các dự án thành phần, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, trong các dự án, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, các tổ chức thanh niên… còn chưa được đề cao và không có ngân sách hỗ trợ cụ thể.

Thực tế cho thấy, các tổ chức này có khả năng tiếp cận tốt hơn với người dân, có thể tổ chức các hoạt động truyền thông và hỗ trợ kịp thời tại các điểm nóng về ma túy.

Để công tác phòng, chống ma túy hiệu quả, sự phối hợp của các tổ chức xã hội là rất cần thiết, nhất là ở các địa bàn trọng điểm. Do đó, để tối ưu hóa nguồn lực, theo đại biểu, cần thiết phải bổ sung nhiệm vụ cho các tổ chức này và bố trí kinh phí phù hợp để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống ma túy.

Thảo luận tại tổ 5, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (đoàn Lào Cai) cũng đề nghị cân nhắc đối với nhóm chỉ tiêu về giảm cung: Phấn đấu triệt phá 100% điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy; 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy phát hiện được triệt phá.

Hiện nay, hành vi bán ma túy ngày càng tinh vi, có gói kẹo rất đơn giản, giá rẻ bán cho học sinh, sinh viên có chứa chất ma túy, đối tượng bán chất ma túy lợi dụng nhóm yếu thế là người dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số hạn chế về hiểu biết để cung cấp ma túy, địa hình vùng núi hiểm trở, phức tạp, khó tuần tra, kiểm soát được hết; cây có chứa chất ma túy có thể trồng nhiều nơi, nhiều cách (trồng trong nhà, trồng không đất…).

Để thực hiện được chỉ tiêu 100% điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy được phát hiện triệt phá, theo đại biểu, Bộ Công an nên đề ra biện pháp yêu cầu công an các cấp rà soát, nắm tình hình, khi phát hiện phải triệt phá và có thời hạn hoàn thành.

Hoàng Giang

}
Top