Giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện

17/05/2024 11:51

(Chinhphu.vn) - Sơn La và Thái Nguyên là 2 trong số các địa phương có nhiều người nghiện ma túy. Sau 2 năm triển khai Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021, công tác cai nghiện ma túy của hai địa phương đã có sự chuyển biến. Tuy nhiên, hai tỉnh này vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi chưa thực hiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, chưa có khu cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi…

Giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện- Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Đàm Thị Minh Thu thăm học viên/cơ sở vật chất Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La

Tại Sơn La, từ ngày 01/01/2022 đến ngày 14/3/2024, toàn tỉnh có 1.351 người được xác định tình trạng nghiện ma túy; 10 người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi. Tổng số người nghiện ma túy đã được cập nhật lên phần mềm (tính đến ngày 14/4/2024) là 1.917 người. Tổng số người quản lý sau cai nghiện ma túy đã được cập nhật lên phần mềm là 1396 người.

Trong 2 năm triển khai Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng thường xuyên quan tâm chỉ đạo. 

Sở LĐTB&XH chỉ đạo các địa phương hướng dẫn UBND cấp xã rà soát kiện toàn, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của "Tổ công tác cai nghiện ma túy cấp xã" và "Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng"; tích cực tuyên truyền triển khai công tác điều trị, cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng và tư vấn, hỗ trợ người sau cai nghiện trở về nơi cư trú tiếp cận với các dịch vụ y tế, chương trình học nghề, tạo việc làm, giúp người nghiện ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Công tác tổ chức giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy là một nội dung luôn được chú trọng. Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho 570 học viên chuẩn bị hết thời gian cai nghiện về địa phương và phát 600 tờ rơi giới thiệu các công ty tuyển lao động trong nước.

Đồng thời phối hợp với Trung tâm chuyển giao công nghệ Trường Đại học Tây Bắc tổ chức 4 lớp dạy nghề cho 140 học viên với các ngành nghề: Kỹ thuật phòng và điều trị bệnh cho gia cầm, kỹ thuật trồng rau an toàn, kỹ thuật phòng và điều trị bệnh về chăn nuôi. Kết quả 105/105 học viên được cấp chứng chỉ nghề sơ cấp.

Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La cũng phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mai Sơn tổ chức dạy xóa mù chữ cho 119 người, kết quả 119 học viên đạt chương trình xóa mù chữ giai đoạn I và tiếp tục triển khai kế hoạch rà soát học viên mù chữ mở các lớp đợt tiếp theo.

Ngoài ra, trong quá trình điều trị, cai nghiện tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La, người cai nghiện ma tuý được tham gia lao động trị liệu kết hợp với được hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, truyền thụ kinh nghiệm thực tế trong lao động sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, mây tre đan, khâu bóng da, nghề xây, nghề mộc... giúp cho mỗi học viên nắm bắt được kỹ thuật, hình thành kỹ năng tự tổ chức tăng gia sản xuất, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình.

Đối với công tác quản lý sau cai nghiện ma tuý, hiện nay có 1.388 người chấp hành xong thời gian cai nghiện bắt buộc trở về địa phương nơi cư trú tái hòa nhập cộng đồng và tiếp tục thực hiện quy trình quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú theo quy định tại Chương VI, Nghị định số 116/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ.

Giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện- Ảnh 2.

Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Thái Nguyên tham gia lao động trị liệu

Chưa thực hiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng

Tuy nhiên, theo Sở LĐTB&XH tỉnh Sơn La, công tác quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn các huyện, thành phố còn gặp nhiều khó khăn do người nghiện sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện ma tuý bắt buộc trở về địa phương không thực hiện khai báo với cơ quan công an để lập hồ sơ quản lý, theo dõi; người nghiện thường không có mặt trên địa bàn nơi cư trú, đi làm việc tại các địa phương khác do đó công tác lập hồ sơ theo dõi, quản lý gặp nhiều khó khăn.

Công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng còn nhiều khó khăn, vướng mắc do trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có tổ chức, cá nhân cung cấp các dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ. Đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng do chưa có tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ theo quy định.

Việc quản lý người nghiện ma túy trong thời gian làm thủ tục hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn gặp nhiều khó khăn, do phần lớn gia đình của người nghiện ma túy không hợp tác, phối hợp quản lý, mặt khác trên địa bàn các xã chưa có cơ sở quản lý người nghiện ma túy.

Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma tuý tuy đã được các huyện, thành phố quan tâm thực hiện nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn, không ít người sau cai nghiện ma tuý khó có thể tìm kiếm việc làm để ổn định cuộc sống. Bản thân người nghiện và gia đình chưa có ý thức trong việc quyết tâm cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng.

Hiện nay, Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La chưa đáp ứng được khu cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tại Cơ sở theo quy định mới của Luật phòng, chống ma tuý và chưa tổ chức lớp học văn hoá cho người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trong Cơ sở.

Những khó khăn của Sơn La cũng là vướng mắc của Thái Nguyên. Hiện toàn tỉnh có 6 cơ sở cai nghiện ma túy với công suất 1.280 người, trong đó có 01 Cơ sở cai nghiện đa chức năng tỉnh đang quản lý 650 người nghiện (bắt buộc 600 người, tự nguyện 50 người) và 5 cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện cấp huyện.

Trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết liên quan đến công tác cai nghiện ma túy, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa có tổ chức, cá nhân được công bố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định.

Nguyên nhân do 9 đơn vị cấp huyện của tỉnh hiện nay chưa có đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng về y tế thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện (trung tâm y tế và bệnh viện đa khoa cấp huyện đều thuộc sự quản lý của Sở Y tế).

Mặt khác, theo quy định tại Điều 3, Nghị định số 116/NĐ-CP người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng phải chi trả phí sử dụng dịch vụ cai nghiện cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ theo hợp đồng sử dụng dịch vụ.

Về nội dung này, hiện nay Trung ương chưa có văn bản quy định về mức thu phí do người cai nghiện tự nguyện phải chi trả cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ theo hợp đồng sử dụng dịch vụ, do đó việc cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng còn khó khăn, vướng mắc.

Công tác quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú cũng gặp khó khăn do quy định trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày người nghiện ma túy trình báo về việc hoàn thành cai nghiện tự nguyện, hoàn thành điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, chấp hành xong biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Chủ tịch UBND cấp xã nơi người sau cai nghiện ma túy cư trú hoặc nơi phát hiện hành vi vi phạm (đối với người nghiện không có nơi cư trú ổn định) lập hồ sơ, đưa vào danh sách quản lý sau cai nghiện ma túy. Một số đối tượng không đến trình báo theo quy định, do vậy khó khăn trong công tác lập hồ sơ quản lý sau cai.

Một trong những khó khăn, vướng mắc đó là hiện nay Bộ LĐTB&XH chưa ban hành Thông tư quy định khung định mức kinh tế, kỹ thuật cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng nên các địa phương chưa có căn cứ xây dựng đơn giá dịch vụ cai nghiện.

Được biết, việc sơ kết thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết đang được thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Hy vọng, qua sơ kết sẽ đánh giá đúng thực trạng tình hình, kết quả sau 2 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết trên các mặt công tác để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các địa phương hiện nay.

Như Ngọc

}
Top