Giúp đỡ phụ nữ hoàn lương, người có nguy cơ vi phạm pháp luật về ma túy
(Chinhphu.vn) - Hiện nay, tệ nạn ma túy diễn biến có chiều hướng ngày càng phức tạp, tấn công mạnh mẽ vào các gia đình. Điều đáng lo ngại nhất là một bộ phận không nhỏ phụ nữ trở thành nạn nhân, nghiện ma túy, một số người tham gia hoạt động phạm tội về ma túy.

Tuyên truyền phòng chống ma túy cho cán bộ, hội viên phụ nữ các huyện biên giới ở Điện Biên - Ảnh: C04
Theo Bộ Công an, nếu như những năm trước, đối tượng là phụ nữ phạm tội về ma túy chủ yếu dưới vai trò là người vận chuyển, mang vác thuê, mua bán lẻ, tham gia trồng cây thuốc phiện, cần sa trái phép... Thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ án mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy số lượng lớn do đối tượng là phụ nữ giữ vai trò cầm đầu, chủ mưu.
Bà trùm Vũ Hoàng Oanh (tức Oanh "Hà", SN 1965, tại Hải Phòng) là một ví dụ điển hình. Sau khi trốn truy nã sang Campuchia mở sòng bài ngay tại khu vực biên giới, Oanh "Hà" vẫn tiếp tục chỉ đạo các mắt xích ở trong nước hoạt động vận chuyển, mua bán ma túy. Bà trùm này chủ yếu điều hành qua điện thoại với sim số nước ngoài, sử dụng các mạng xã hội; dùng tên giả, xe ôm công nghệ để nhận và vận chuyển ma túy trong nước, các công ty vận tải để nhận và vận chuyển ma túy xuyên quốc gia…
Với thủ đoạn này, dù đám tay chân lần lượt bị bắt, rất nhiều kẻ đã lĩnh án tử, Oanh "Hà" vẫn ung dung ở các sòng bài tại khu vực cửa khẩu Campuchia, tiếp tục lập đường dây ma túy xuyên quốc gia với những "con thiêu thân" mới.
Sau khi liên tiếp lập 2 chuyên án, bắt gọn cả đường dây ma tuý xuyên quốc gia nhưng chưa tóm được kẻ cầm đầu, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã phát lệnh truy nã đặc biệt đối với Vũ Hoàng Oanh. Bà trùm này cũng bị Tổ chức Hình sự quốc tế (Interpol) ban hành lệnh truy nã "đỏ".
Xác định với những kẻ có đến 7 tiền án như Oanh "Hà", chắc chắn bà ta sẽ không dừng hoạt động phạm tội, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý đã lên kế hoạch "giăng lưới". Ngày 23/9/2022, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý phối hợp cùng Cơ quan đại diện Bộ Công an tại nước ngoài và các lực lượng chức năng Campuchia tóm gọn bà trùm Vũ Hoàng Oanh cùng một số đàn em và đối tượng Nguyễn Ngọc Sơn bị Công an tỉnh Quảng Ninh truy nã đặc biệt về tội mua bán trái phép chất ma túy, dẫn giải về Việt Nam chịu án.
Sau khi bà trùm Oanh "Hà" bị bắt, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiếp tục mở rộng vụ án, đến nay đã khởi tố, bắt giữ gần 40 đối tượng, thu 131 kg ma túy các loại, bước đầu làm rõ các đối tượng đã mua bán, tiêu thụ trái phép trên 1,6 tấn ma túy.
Không chỉ điều hành hay tham gia vào các đường dây ma túy, nhiều phụ nữ cũng là những nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề của tệ nạn ma túy. Thực tế cho thấy những người nghiện là nữ giới sau cai sẽ hòa nhập gia đình tốt hơn nhưng mặc cảm với xã hội lại lớn hơn nam giới. Đây chính là rào cản lớn nhất trong quá trình trở lại cuộc sống bình thường của họ.
Nhiều mô hình xây dựng gia đình trở thành "pháo đài" phòng chống ma túy
Trong những năm qua, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn xác định công tác tuyên truyền, phòng ngừa là yếu tố quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng phụ nữ tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật về ma túy, sa vào tệ nạn ma túy. Qua đó, Hội đã xác định lấy gia đình là đích hướng đến để tuyên truyền phòng ngừa. Khi gia đình bền vững sẽ là "pháo đài" phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội.
Vì vậy, trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật và phối hợp phòng, chống ma túy ở tất cả các địa phương trong cả nước. Đặc biệt là xây dựng các mô hình, câu lạc bộ phòng chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội; phát huy vai trò của các chi, tổ, hội phụ nữ trong việc nắm bắt địa bàn, hỗ trợ, giúp đỡ chị em phụ nữ hoàn lương và những người có nguy cơ vi phạm pháp luật.
Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã tổ chức đa dạng hóa các câu lạc bộ, tổ, nhóm, mô hình mới, duy trì sinh hoạt thường xuyên; thu hút, tập hợp nhiều đối tượng tham gia mô hình, câu lạc bộ, đặc biệt là các nhóm đặc thù, có nguy cơ cao. Nhiều mô hình hoạt động với cách làm sáng tạo, hiệu quả đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp xây dựng như CLB "Phụ nữ với pháp luật", CLB "Gia đình hạnh phúc", CLB "Chi hội phụ nữ không có hội viên, chồng, con nghiện ma túy, vi phạm pháp luật"; câu lạc bộ "Bà nội, bà ngoại trong giáo dục con cháu không vi phạm pháp luật, không mắc tệ nạn xã hội"...
Đến nay, các cấp Hội đã xây dựng, duy trì 18.239 CLB gia đình hạnh phúc với 623.259 thành viên; 35.285 mô hình Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và các mô hình phòng ngừa bạo lực gia đình tiếp tục thu hút sự tham gia của cộng đồng. Các mô hình cũng là kênh hiệu quả giúp các cấp Hội nắm tâm tư, nguyện vọng của chị em phụ nữ để kịp thời chia sẻ, động viên, giúp đỡ về vật chất, tinh thần, tạo điều kiện cho chị em trong xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững.
Bên cạnh công tác tuyên truyền và xây dựng các mô hình, câu lạc bộ phù hợp với từng địa bàn, Cán bộ Hội cơ sở tích cực tham gia các ban, tổ hoà giải ở cơ sở, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn nội bộ, ngăn chặn các loại tội phạm phát sinh từ cơ sở; phối hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể hỗ trợ, giáo dục các đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật, gia đình khó khăn.
Các cấp Hội khuyến khích hội viên, phụ nữ vận động chồng con, người thân trong gia đình chủ động phát hiện và tích cực cung cấp các nguồn tin liên quan đến công tác an ninh trật tự an toàn xã hội. Phát huy vai trò Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp trong việc thường xuyên tiếp cận, nắm bắt tư tưởng, tâm lý của hội viên, phụ nữ trên địa bàn, đặc biệt là thông tin của các hộ gia đình có người thân vi phạm pháp luật, gia đình có người nghiện ma túy, các đối tượng đã chấp hành phạt tù trở về địa phương để có phương án hỗ trợ, giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện phát triển kinh tế và tránh xa tệ nạn.
Tại An Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Phú có 15 tổ mô hình "Hỗ trợ trẻ em phát triển toàn diện" với 279 thành viên, qua đó Ban Chủ nhiệm mô hình đã tổ chức tuyên truyền nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng chống bạo lực học đường, tác hại của ma tuý trong trường học; Hội Liên hiệp Phụ nữ Tịnh Biên duy trì và nhân rộng các mô hình "Phụ nữ tự quản về an ninh trật tự", mô hình "Cảm hóa giáo dục người lầm lỡ hòa nhập cộng đồng", CLB "Chi hội phụ nữ không có tệ nạn ma túy"; CLB "Vì sự bình yên của nhân dân", CLB "Gia đình không có người thân phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội" với trên 250 thành viên tham gia, qua đó tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", chủ động phòng ngừa, đấu tranh và tố giác tội phạm nói chung, tội phạm về ma túy nói riêng...
Tại Đồng Tháp, năm 2022, Hội Liên Hiệp phụ nữ tỉnh đã tiếp nhận 22 nữ chấp hành xong hình phạt tù là phụ nữ về địa phương cư trú (ở 10/12 đơn vị). Riêng Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Sa Đéc phối hợp với Hội Phụ nữ Công an thành phố đến thăm hỏi, tiếp xúc và hỗ trợ 2 trường hợp hỗ trợ vay vốn không tính lãi để mua bán, giúp các chị ổn định, hằng tháng có thêm thu nhập để nuôi sống bản thân, gia đình và tái hòa nhập cộng đồng với số tiền 24 triệu đồng, từ đó giúp các đối tượng hạn chế tình trạng tái vi phạm pháp luật.
Hay Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh cũng xây dựng và duy trì hiệu quả 167 CLB phụ nữ với pháp luật, Chi hội phụ nữ nòng cốt thực hiện và chấp hành pháp luật tại cộng đồng; 2.074 tổ tự quản, giáo dục cảm hóa người lầm lỗi và trẻ em hư có nguy cơ làm trái pháp luật tại địa bàn dân cư; 97 mô hình quản lý thanh thiếu niên không phạm tội và mắc tệ nạn xã hội; 18 tủ sách pháp luật tại 18 xã của 6 huyện miền núi; 4 CLB "Nữ công nhân" với sự tham gia của 90 nữ công nhân...
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc) duy trì hoạt động thường xuyên 130 tổ hòa giải ở cơ sở, 1.100 tổ liên gia tự quản tại các thôn tổ dân phố và nhiều mô hình, CLB như "An toàn cho phụ nữ và trẻ em", "Địa chỉ tin cậy", "Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội", "Gia đình hạnh phúc"... phối hợp với lực lượng công an củng cố và duy trì hoạt động của 38 mô hình tự quản trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Tuy nhiên, theo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, công tác triển khai các hoạt động phòng, chống tội phạm nói chung, phòng, chống ma túy nói riêng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Công tác phối hợp hoạt động ở một số địa phương còn chưa thực sự gắn kết; các hoạt động đang triển khai khá nhỏ lẻ. Đơn cử như Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đều có xây dựng các mô hình phòng chống tội phạm nhưng chỉ dừng lại ở mô hình của riêng cựu chiến binh, riêng thanh niên hoặc riêng phụ nữ; chưa có sự kết nối giữa các mô hình mặc dù đối tượng hướng tới có thể giống nhau hoặc cùng trên một địa bàn. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về pháp luật ở một số tỉnh thành còn hạn chế....
Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy, tích cực thu hút sự tham gia của hội viên, phụ nữ cấp cơ sở vào hoạt động của các mô hình, câu lạc bộ nhằm góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho phụ nữ, trẻ em.
Hoàng Giang