Hỗ trợ việc làm đối với người cai nghiện, người chấp hành xong án phạt tù

07/05/2025 16:14

(Chinhphu.vn) - Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) bổ sung quy định chính sách hỗ trợ việc làm đối với những người đã chấp hành xong án phạt tù, người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

Hỗ trợ việc làm đối với người cai nghiện, người chấp hành xong án phạt tù- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân phát biểu tại phiên họp.

Ngày 7/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). 

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày nêu rõ, dự thảo luật sau khi được rà soát, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện bao gồm 8 chương, 58 điều (giảm 1 chương và 36 điều so với dự thảo luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8).

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo luật đã tiếp thu và chỉnh lý nhiều nội dung từ các ý kiến đóng góp tại Kỳ họp thứ 8, Hội nghị đại biểu chuyên trách lần thứ 7, bám sát chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, chính sách việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) đề nghị dự thảo luật cần làm rõ, quy định cụ thể và chi tiết hơn đối với đối tượng người lao động nhằm bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện, giúp xác định cụ thể những ai được tiếp cận chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng hiểu nhầm, hiểu sai hoặc vận dụng thiếu thống nhất giữa các địa phương, cơ quan; đặc biệt là đối với những người đã chấp hành xong án phạt tù, người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

Đại biểu Bảo Trân cho rằng, quy định thiếu chi tiết về đối tượng thụ hưởng đã và đang gây ra nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt là đối với những nhóm lao động có đặc thù khác biệt so với lao động truyền thống như: lao động tự do không có quan hệ lao động chính thức (không ký hợp đồng lao động), lao động hoạt động trong khu vực phi chính thức và nhóm lao động trên các nền tảng số, nền tảng trực tuyến.

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) đề nghị xem xét quy định số lượng cụ thể cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ tối thiểu bao nhiêu lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, người đã chấp hành xong án phạt tù, người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Chính phủ… thì được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn; hoặc quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này để tránh việc chính sách bị lợi dụng. 

Do đó, đại biểu Minh Đức đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng được vay vốn hỗ trợ việc làm, duy trì, mở rộng việc làm đối với người lao động thuộc hộ cận nghèo sinh sống tại địa bàn đặc biệt khó khăn theo quy định.

Vĩnh Hoàng

}
Top