Hỗ trợ người cai nghiện ma túy một cách tốt nhất
(Chinhphu.vn) - Cùng với công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy, công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Nhiều chính sách được ban hành đã thể hiện sự nhân văn, tạo điều kiện hỗ trợ người nghiện ma túy đi cai nghiện và hòa nhập cộng đồng.
Trong đó, đáng chú ý, Nghị định số 116 năm 2021 của Chính phủ đã quy định rõ về các chế độ hỗ trợ như: Chế độ ăn, mặc và đồ dùng sinh hoạt cá nhân đối với người cai nghiện ma túy bắt buộc; chế độ khám, chữa bệnh cho người cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập; chính chính sách hỗ trợ đối với người sau cai nghiện ma túy...
Cụ thể như: Các cơ sở cai nghiện bắt buộc phải định kỳ sáu tháng một lần tổ chức kiểm tra, khám sức khỏe cho người cai nghiện và thường xuyên có biện pháp đề phòng dịch bệnh; phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm cho người cai nghiện.
Người sau cai nghiện sẽ được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn; hỗ trợ vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và được ưu tiên đăng ký tham gia chính sách việc làm công theo quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét về sử dụng các nguồn khác nhau để hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với người sau cai nghiện để phát triển sản xuất, tạo việc làm...
Bà Đàm Thị Minh Thu, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho biết, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương rất quan tâm đến công tác hỗ trợ, giúp đỡ người không may nghiện ma túy và đang cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập.
Về cơ bản, học viên vào cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy được tư vấn, điều trị, cắt cơn giải độc, khám sức khỏe định kỳ, được học tập, lao động và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, đọc sách, xem truyền hình và các hoạt động khác…
Các hoạt động phù hợp với từng nhóm người nghiện ma túy, phù hợp cả về thời hạn chấp hành quyết định đến đặc điểm nhân thân, tình trạng nghiện ma túy, tình trạng sức khỏe, giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn của người cai nghiện ma tuý. Học viên được Nhà nước bảo đảm tiền ăn, cấp chăn màn, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân...
Sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương
Để người nghiện cai nghiện thành công đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trước tiên là sự quyết tâm, nghị lực của chính bản thân người nghiện ma túy, sự chung tay, giúp đỡ của gia đình, cộng đồng; cùng với sự quan tâm đầu tư nguồn lực, các chính sách hỗ trợ của chính quyền các cấp và sự tận tình, hướng dẫn, giúp đỡ của viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma túy…
Theo bà Đàm Thị Minh Thu, sự quan tâm đầu tư nguồn lực của lãnh đạo các cấp ở địa phương đối với công tác cai nghiện ma túy là nhân tố quan trọng trong việc giúp đỡ người nghiện ma tuý cai nghiện thành công trở thành người có ích cho gia đình, cộng đồng.
Ở những địa phương, có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội từ khi phát hiện người sử dụng, người nghiện ma túy, đến khi cai nghiện ma túy và hòa nhập cộng đồng dưới nhiều hình thức như: Tư vấn, hỗ trợ cai nghiện, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm… thì ở địa phương đó có kết quả cai nghiện ma túy đáng ghi nhận.
Hiện nay, Hà Nội là một trong những địa phương đang thực hiện tốt chế độ chính sách cho người cai nghiện ma túy. Năm 2023, Sở LĐTB&XH và Công an TP. Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành 3 Nghị quyết quan trọng, trong đó Thành phố đã bố trí nguồn lực để hỗ trợ người cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện và các lực lượng phòng, chống ma túy.
Ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP. Hà Nội cho biết, đến nay, các chính sách cai nghiện ma túy của Thành phố đã được cơ bản phủ kín, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Thành ủy, HĐND, UBND, Ban chỉ đạo 89 Thành phố đối với công tác phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và cai nghiện ma túy nói riêng.
Tại TP. Hà Nội, người cai nghiện bắt buộc và tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện trực thuộc Sở đã được Thành phố đài thọ toàn bộ chi phí trong suốt quá trình cai nghiện, chữa trị tại các cơ sở. Các lực lượng phòng, chống ma túy từ Thành phố đến cơ sở được hưởng các chính sách đặc thù, từ đó yên tâm công tác, ngày càng có đóng góp tích cực đối với công tác phòng, chống ma túy của Thành phố.
6 tháng đầu năm 2024, toàn Thành phố đã đưa 1.269 người đi cai nghiện bắt buộc (đạt 71,1% kế hoạch); vận động 681 người cai nghiện tự nguyện (đạt 56,8% kế hoạch); tiếp nhận quản lý, chăm sóc, giúp đỡ 949 người sau cai nghiện ma túy trở về nơi cư trú; duy trì 470 mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy và phát triển mới 69 mô hình mới tại các địa phương.
Tính đến 30/6, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập của Thành phố đang quản lý 3.743 người (trong đó, cai nghiện bắt buộc: 2.708 người; cai nghiện tự nguyện: 582 người; điều trị thay thế bằng Methadone: 166 người ; lưu trú tạm thời: 254 người; xác định tình trạng nghiện: 14 người và số vắng mặt: 19 người).
Các cơ sở đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận, phân loại và phục hồi sức khỏe cho học viên. Đồng thời triển khai mở các lớp giáo dục chuyên đề cho học viên (30 lớp với 897 học viên), tổ chức các buổi tư vấn về chăm sóc sức khỏe, chế độ chính sách, pháp luật…).
Hoạt động lao động - trị liệu tại cơ sở vẫn được duy trì và quan tâm đầu tư phát triển trong việc chủ động tìm đối tác, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp để tạo việc làm và cải thiện đời sống cho học viên, tạo cơ hội việc làm cho học viên sau khi hoàn thành xong thời gian điều trị cai nghiện tại cơ sở.
Bà Đàm Thị Minh Thu cho biết, sau 2 năm tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội sẽ tiến hành đánh giá cụ thể và đề xuất giải pháp, nhân rộng mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong công tác cai nghiện ma túy để trình Bộ LĐTB&XH hướng dẫn các địa phương căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của mình có thể áp dụng.
Cùng với đó, hiện nay, các bộ, ngành chức năng của Việt Nam đang phối hợp xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy đến năm 2030 để tập trung đầu tư giải quyết những vấn đề cấp bách liên quan đến ma tuý, trong đó có đề xuất các hoạt động, dự án nhằm hỗ trợ, khắc phục các tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy.
Có thể nói việc hỗ trợ người nghiện ma túy đi cai, giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho người nghiện ma túy sau khi họ kết thúc thời gian cai nghiện là chủ trương nhân văn của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Những nỗ lực này vừa giúp người cai nghiện ổn định cuộc sống, phòng chống tái nghiện đồng thời góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Hoàng Giang