Hơn 10.000 lượt người được chuyển gửi xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS
(Chinhphu.vn) - Trong năm 2022-2023, có trên 10.000 lượt khách hàng đã được nhóm tư vấn và hỗ trợ khách hàng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS (CAB) hỗ trợ tư vấn và chuyển gửi xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS.
41 phòng khám ngoại trú đang được CAB hỗ trợ
Trong 2 ngày (7-8/9/2023), tại Đà Nẵng, Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng chống HIV/AIDS (Dự án EPIC) do CDC Hoa Kỳ tài trợ phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam và tổ chức BIDMC tổ chức hội nghị thường niên nhóm tư vấn và hỗ trợ khách hàng.
Hội nghị thường niên nhóm tư vấn và hỗ trợ khách hàng nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận khó khăn/thách thức, xác định những ưu tiên trong thời gian tới của hoạt động này tại các tỉnh. Trong hai ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu vừa trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực tổ chức hoạt động từ các hoạt động phản hồi tích cực ở phía khách hàng là người hưởng dịch vụ cũng như người cung cấp dịch vụ là các cán bộ tại các cơ sở y tế làm công tác phòng chống HIV/AIDS.
Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tích lũy đến nay, Việt Nam có khoảng hơn 242.000 ca nhiễm HIV/AIDS, tập trung ở độ tuổi 16 đến 39. Tích lũy từ năm 1990 đến nay, đã có hơn 112.000 người tử vong do HIV/AIDS.
Sau hơn 30 năm kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên (vào năm 1990), hiện là năm thứ 15 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục đà giảm trên cả 3 tiêu chí. Đó là giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS, giảm số người tử vong liên quan đến AIDS.
Tại hội nghị, ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS đánh giá, để tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, vai trò của các nhóm cộng đồng là rất quan trọng.
Ông Sơn cho biết, nhóm hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ, gọi tắt là nhóm CAB, là một nhóm bao gồm các thành viên của những người sống chung, có nguy cơ cao hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV, hoặc thành viên của cộng đồng nhóm đích, tình nguyện tham gia.
Nhóm CAB đóng vai trò cầu nối giữa cộng đồng đích (khách hàng nhận dịch vụ chương trình phòng, chống HIV/AIDS) và hệ thống y tế để tăng cường "tiếng nói", sự tham gia của cộng đồng thông qua nhiều hình thức trong các dịch vụ liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, hoạt động của các nhóm cộng đồng như CAB có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu Việt Nam chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.
"Mô hình CAB ở Việt Nam độc đáo", góp phần chung tay phòng, chống HIV/AIDS
Ông Minesh Shah, Cố vấn trưởng y tế, Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới đã chính thức triển khai mô hình CAB, thông qua việc Ban hành Quyết định 237/QĐ-AIDS ngày 13/10/2021, hướng dẫn triển khai mô hình nhóm cộng đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ phòng chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế, dưới sự hỗ trợ của Cục Phòng chống HIV/AIDS.
Theo ông Minesh Shah, "mô hình CAB ở Việt Nam độc đáo, bởi lấy tiếng nói cộng đồng là trung tâm cho dịch vụ và được CDC các tỉnh hỗ trợ". CAB là một trong những nhóm cộng đồng quan trọng đóng góp vào việc cải thiện dịch vụ liên quan đến công tác phòng chống HIV/AIDS. Một trong những mục tiêu của Dự án EPIC là bảo đảm sự công bằng trong y tế.
Ông Minesh Shah cho hay, thông qua mô hình CAB đã giúp cho dự án đạt được mục tiêu này, mang đến sự công bằng đến tất cả mọi người. CAB là minh chứng cho sự phối hợp giữa Chính phủ, cơ quan y tế và các tổ chức cộng đồng để cải thiện các dịch vụ dự phòng, chăm sóc người có HIV/AIDS và đưa ra tiếng nói của cộng đồng.
Bên cạnh đó, thông qua sự hỗ trợ của các đối tác kỹ thuật có liên quan, bảo đảm mô hình hoạt động tích cực, hiệu quả bền vững, đồng thời cũng là mô hình chuyển đổi trong tương lai sang các bệnh khác.
Tại Việt Nam, các nhóm CAB được bắt đầu triển khai từ năm 2019 đến nay, các nhóm CAB của Việt Nam đã đạt nhiều thành quả trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng.
Theo đó, các nhóm CAB đã không ngừng nỗ lực để hỗ trợ cho những người có HIV điều trị bằng thuốc ARV (thuốc kháng HIV) tiếp cận các dịch vụ dùng thuốc, với 86-90% bệnh nhân HIV tham gia điều trị ở các dự án của mạng lưới có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện bệnh. Bên cạnh đó các nhóm CAB hỗ trợ giảm kỳ thị trong cộng đồng; hỗ trợ để người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị, chăm sóc tốt nhất.
BS Vương Thế Linh, Trưởng khoa HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương cho biết, tại Bình Dương nhóm CAB được thành lập từ tháng 4/2019, thực sự là cánh tay nối dài của nhân viên y tế. Họ là người đứng giữa nhân viên y tế và khách hàng, tương tác hai chiều, tìm kiếm và lấp đầy khoảng trống dịch vụ y tế còn thiếu cho khách hàng.
Anh Đào Minh Tín, trưởng Nhóm Tư vấn và hỗ trợ cộng đồng Bình Dương (CAB Bình Dương) chia sẻ câu chuyện 10 năm gắn bó với các hoạt động liên quan phòng chống HIV/AIDS. Anh Tín ví mình như "cá gặp nước" khi được giới thiệu mô hình CAB khi phòng khám tuyển dụng nhân viên. Bởi trước khi trở thành thành viên của CAB Bình Dương, anh Tín đã có 10 năm tham gia các hoạt động cộng đồng hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.
"Với CAB, đó là đại diện tiếng nói cho khách hàng, là cầu nối giữa nhân viên y tế với khách hàng, để khách hàng có cơ hội tiếp cận điều trị tốt nhất. Tôi nhận thấy đây là cơ hội hay, hỗ trợ tốt người bệnh nên đã nắm lấy, tham gia đến giờ", anh Tín chia sẻ.
Còn đối với anh với Nghĩa, một thành viên của CAB Bình Dương lại đến với nhóm rất tình cờ, khi anh đang phải nghỉ ở nhà vì tai nạn, thì đã được anh Tín giới thiệu làm cộng tác viên hỗ trợ phòng khám. Anh Nghĩa cho biết bản thân cảm thấy mình rất vui khi được hỗ trợ, giúp những người cùng cảnh ngộ. Chính vì vậy, anh thất việc làm của mình là rất ý nghĩa, và thấy quãng đường đi làm 80km mỗi ngày như rút ngắn lại.
Trong khi đó, chị Giang thuộc CAB Hải Phòng, dù mới tham gia được 1 năm nhưng chị cảm thấy đã gắn bó rất lâu với công việc. Bởi chị được gặp gỡ, được chia sẻ cho những người cùng cảnh ngộ, đôi khi chị còn nhìn thấy bản thân mình ở trong đó.
Chị Giang cho hay, đối với những người nhiễm HIV, nhiều người luôn tự mặc cảm, thậm chí không muốn gọi tên vì sợ người khác biết được, kỳ thị. Chị Giang từng tiếp cận bệnh nhân nữ để hỗ trợ điều trị với muôn vàn khó khăn vì bệnh nhân sống khép mình, sợ sệt, nhất là sau cái chết của người chồng. Bệnh nhân này đến khi bị nấm lưỡi, rồi mắc lao... vẫn không dám đi điều trị. Nhưng sau khi được hỗ trợ, bệnh nhân đã dần tự tin, điều trị.
Không chỉ được cải thiện sức khỏe, rất nhiều người từ chỗ thu mình, không dám tiếp xúc với ai, nay đã tham gia các hoạt động cộng đồng, tập thể dục thể thao, sức khỏe ổn định như người bình thường.
Năm 2023, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã đưa ra thông điệp nhấn mạnh vai trò để các nhóm cộng đồng đẩy mạnh các hoạt động để kết thúc AIDS trên Toàn cầu. Đó là thông điệp ý nghĩa dựa vào cộng đồng cùng nhau với ngành y tế kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết, hoạt động CAB chủ yếu dựa vào tổ chức cộng đồng để lắng nghe các ý kiến kịp thời từ những người hưởng thụ các dịch vụ trong công tác phòng chống HIV/AIDS từ các cơ sở y tế cũng như trong cộng đồng để cung cấp phản hồi ngược lại tới các cơ quan chức năng như Cục phòng chống HIV/AIDS, Sở Y tế các tỉnh/thành phố để nâng cao chất lượng dịch vụ làm sao để triển khai dịch vụ tốt nhất từ đó giúp cho các hoạt động điều trị, dự phòng tốt hơn.
Từ các dịch vụ của các nhóm cộng đồng qua nhiều năm, các bên cùng chia sẻ, rút kinh nghiệm việc làm tốt để phát huy, những việc còn hạn chế hay khó khăn giữa cơ sở y tế và tổ chức cộng đồng đề ra nhằm có các giải pháp để triển khai các hoạt động ngày càng tốt hơn, vì mục đích chung nâng cao dịch vụ phòng chống HIV/AIDS.
Thùy Chi