Thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp

06/07/2022 14:40

(Chinhphu.vn)- Để ngăn chặn dịch HIV/AIDS bùng phát trên địa bàn, Điện Biên vừa khởi động Đề án thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp giai đoạn 2022-2024, ở 3 huyện trọng điểm về ma túy, HIV/AIDS, bao gồm: TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, huyện Mường Ảng.

Thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp - Ảnh 1.

Tư vấn điều trị HIV cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy Chi

Đề án được khởi động nhằm cung cấp kinh nghiệm thực tiễn, cũng như thông tin và bằng chứng phục vụ việc xây dựng cơ chế, chính sách mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội, trong bối cảnh nguồn viện trợ nước ngoài cho Việt Nam ngày càng bị cắt giảm.

Đề án được thực hiện bằng nguồn ngân sách hỗ trợ của các tổ chức quốc tế tại 9 tỉnh, thành phố, trong đó có thí điểm tại tỉnh Điện Biên.

Đề án được Bộ Y tế phê duyệt ngày 29/11/2021 với mục tiêu chung là: Thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để cung cấp kinh nghiệm thực tiễn cũng như thông tin và bằng chứng phục vụ việc xây dựng cơ chế, chính sách mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội từ nguồn ngân sách nhà nước.

Mục tiêu cụ thể của đề án là: Thí điểm cách thức thực hiện mua sắm một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp theo cơ chế quản lý ngân sách nhà nước thông qua hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp; đề xuất các khuyến nghị về chính sách và lộ trình cụ thể thực hiện việc sử dụng ngân sách nhà nước để mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội tại Việt Nam cung cấp.

Các gói dịch vụ thực hiện mua sắm bao gồm: Cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn cho người có hành vi nguy cơ và chuyển gửi người có nhu cầu vào điều trị Methadone; xét nghiệm HIV tại cộng đồng và chuyển gửi người có phản ứng HIV đến cơ sở y tế xét nghiệm khẳng định; chuyển gửi người có kết quả khẳng định HIV dương tính vào cơ sở điều trị ARV; chuyển gửi người có kết quả xét nghiệm HIV âm tính và đủ điều kiện vào cơ sở điều trị PrEP.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên, tính đến 30/6/2022, lũy tích số người nhiễm HIV tại Điện Biên là 7.648 người, trong đó có 3.430 người nhiễm còn sống, 3.998 người đã tử vong. 10/10 huyện tại Điện Biên với 120/130 xã/phường có người nhiễm HIV. Tỷ lệ nhiễm HIV qua đường máu là 24,24% giảm 21,21% nhưng tỷ lệ nhiễm HIV qua đường tình dục là 76% tăng 25% so với cùng kỳ 6 tháng năm 2021. Tỷ lệ nam nhiễm HIV chiếm 44% giảm 27,2% nhưng nữ chiếm 56,3% tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Điện Biên là 1 trong 5 tỉnh được Bộ Y tế phê duyệt thí điểm triển khai hoạt động mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội. Trong 4 gói dịch vụ thí điểm, Điện Biên lựa chọn gói dịch vụ giảm hại dự phòng lây nhiễm HIV gồm: phân phát bơm kim tiêm sạch và tư vấn, chuyển gửi người nghiện chích ma túy tham gia chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện; phân phát bao cao su cho phụ nữ bán dâm; phân phát bao cao su và chất bôi trơn cho người nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và gói dịch vụ tiếp cận, tư vấn, xét nghiệm HIV không chuyên do cộng đồng thực hiện.

Dự án thí điểm sẽ được tiến hành trong giai đoạn 2022-2023 với 2 mục tiêu cụ thể: đánh giá nhu cầu và xây dựng năng lực cần thiết cho các bên tham gia thí điểm tại tỉnh Điện Biên; thí điểm mua sắm gói dịch vụ giảm hại dự phòng lây nhiễm HIV và gói dịch vụ xét nghiệm HIV không chuyên do cộng đồng thực hiện bằng hình thức đặt hàng dịch vụ với tổ chức cộng đồng chưa có tư cách pháp nhân tại thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và huyện Mường Ẳng.

Ông Lường Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế Điện Biên cho biết: Hiện nay, các tổ chức xã hội có thể tham gia vào hầu hết các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với lợi thế cung cấp các dịch vụ trực tiếp. Tuy nhiên, kinh phí của phần lớn các hoạt động đều do tài trợ từ các tổ chức quốc tế, trong khi đó, các tổ chức quốc tế đang tiếp tục cắt giảm hỗ trợ tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Chính vì vậy, nguy cơ dịch HIV/AIDS quay trở lại là rất lớn trong khi Điện Biên là tỉnh nghèo.

Ông Kiên cho hay, để ngăn chặn dịch HIV/AIDS bùng phát trên địa bàn, UNAIDS hỗ trợ kinh phí triển khai thí điểm ở 3 huyện trọng điểm về ma túy, HIV/AIDS của tỉnh gồm: TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, huyện Mường Ẳng.

Ông Quinten Lataire, Quyền Giám đốc quốc gia UNAIDS Việt Nam đánh giá, trong thời gian qua Điện Biên đã rất nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tuy nhiên địa phương có nguy cơ bùng phát dịch trở lại. Vì vậy, việc thực hiện Đề án thí điểm là việc làm rất cần thiết để ngăn chặn nguy cơ, bảo đảm kết quả phòng chống HIV/AIDS bền vững, hướng tới mục tiêu 95-95-95 và kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Ông Quinten Lataire cam kết, với mục tiêu thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để cung cấp kinh nghiệm thực tiễn cũng như thông tin và bằng chứng, phục vụ việc xây dựng cơ chế chính sách mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội từ nguồn ngân sách nhà nước, UNAIDS sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam, và hy vọng những bài học kinh nghiệm từ Điện Biên sẽ giúp Việt Nam có cơ sở xây dựng cơ chế chính sách cho triển khai hoạt động hợp đồng xã hội tại Việt Nam.

Thùy Chi

Top