Hơn 48.000 bệnh nhân mắc mới bệnh lao trong 6 tháng
(Chinhphu.vn) - Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã phát hiện được 48.056 ca bệnh lao mới, đạt gần 50% so với mục tiêu phát hiện 100.000 ca trong cả năm 2022.
Tỉ lệ phát hiện bệnh lao được cải thiện đáng kể
PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban Điều hành phòng, chống lao cho biết, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 10 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 từng bước được kiểm soát, đất nước ta chuyển sang trạng thái "bình thường mới", tỉ lệ phát hiện bệnh lao trên cả nước trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có sự cải thiện đáng kể về số lượng và phục hồi chất lượng.
Theo PGS.TS. Nhung, mặc dù COVID-19 vẫn còn tác động đến khu vực miền bắc trong 3 tháng đầu năm, tuy nhiên sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực miền Nam và miền Trung đã đóng góp rất lớn trong số liệu phát hiện trên toàn quốc.
Đặc biệt, quý 2/2022 là giai đoạn cho thấy những nỗ lực to lớn của đơn vị chống lao các cấp từ Trung ương tới địa phương trong việc mở rộng và đẩy mạnh triển khai chiến lược 2X để phát hiện tích cực và phát hiện chủ động bệnh lao.
Nhiều hoạt động truyền thông cũng được triển khai đồng bộ, lan tỏa sâu rộng đã mang lại hiệu quả khả quan ban đầu. Người dân và các nhóm nguy cơ cao đã chủ động đến cơ sở chống lao hoặc tham gia các chiến dịch phát hiện chủ động bệnh lao để bảo vệ sức khoẻ bản thân và gia đình sau đại dịch COVID-19.
Kết quả là 6 tháng đầu năm 2022, Chương trình chống lao đã phát hiện được số bệnh nhân mắc lao là 48.056 ca bệnh, cao hơn cùng kỳ năm 2020 và 2021, cho thấy sự phục hồi lại khả năng phát hiện của chương trình trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Tuy nhiên, bên cạnh một số địa phương làm rất tốt công tác phát hiện sớm bệnh lao, vẫn có những địa phương tỷ lệ phát hiện lao cao nhưng số người điều trị lại thấp, đặc biệt nguy hiểm ở các thể lao như lao siêu kháng, lao đa kháng hay lao trẻ em…. Ông Nhung chỉ ra nguyên nhân là do bác sĩ chưa tư vấn kỹ cho người dân, mặt khác người dân quá chủ quan với căn bệnh này. "Đây là căn bệnh có thuốc chữa và có thể chữa khỏi".
Do đó, để thúc đẩy phát hiện lao hiệu quả, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh: "Chỉ có toàn tuyến mạnh thì cả hệ thống mới mạnh". Trong thời gian tới, để đạt dấu mốc phát hiện ca bệnh lao mới, cần đẩy mạnh phát hiện chủ động tại cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế tập trung vào các nhóm nguy cơ cao nhằm tăng cường phát hiện tối đa các bệnh nhân lao trong cộng đồng, đưa vào điều trị sớm, nhằm cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao. Ngoài ra, những người được chẩn đoán loại trừ bệnh lao và đủ điều kiện cần được thu nhận điều trị lao tiềm ẩn, nhằm lao nguy cơ chuyển từ nhiễm sang bệnh lao.
Bảo đảm cung ứng kịp thời thuốc phòng, chống lao
PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung cho biết, ngày 1/7, Chương trình Chống lao quốc gia đã thực hiện chuyển giao cơ chế cung ứng thuốc lao từ nguồn ngân sách Nhà nước sang nguồn Quỹ BHYT, mở ra một cơ chế tài chính bền vững và hiệu quả hơn cho người bệnh lao.
Lao là căn bệnh cần điều trị lâu dài. Ước tính có 70% người mắc bệnh lao là người nghèo, nên nếu nhóm người này không có thẻ BHYT, việc theo đuổi điều trị bệnh tạo gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội. Do đó, trong giai đoạn tiếp theo, Chương trình Chống lao quốc gia sẽ tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ địa phương hoàn thiện các điều kiện kiện toàn cơ sở y tế để bảo đảm đủ các điều kiện thực hiện khám chữa bệnh lao thanh toán BHYT, tập trung hỗ trợ các địa phương trong việc quản lý điều tiết sử dụng thuốc chống lao từ nguồn BHYT để bảo đảm có đủ thuốc sử dụng cho người bệnh.
Đến nay, 51 trên 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã thành lập bệnh viện phổi, bệnh viện lao và bệnh phổi. Chương trình Chống lao quốc gia vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận, huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết thêm, tới đây, chương trình sẽ tập trung hỗ trợ các địa phương trong việc quản lý điều tiết sử dụng thuốc chống lao hàng 1 nguồn BHYT để bảo đảm có đủ thuốc sử dụng cho người bệnh, đáp ứng các điều kiện về thanh quyết toán với cơ quan BHXH theo quy định.
Chương trình cũng đang khẩn trương thực hiện gói thầu mua sắm thuốc hàng 1 nguồn ngân sách nhà nước để bảo đảm cung ứng thuốc lao hàng 1 cho các đối tượng bệnh nhân không có thẻ BHYT, bệnh nhân là người bị tạm giam tạm giữ, phạm nhân trong các trại giam và bệnh nhân tại các cơ sở y tế chưa bảo đảm đủ các điều kiện thanh quyết toán thuốc nguồn BHYT.
Hiện ngành y tế đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng phần mềm hỗ trợ quản lý thuốc BHYT kết nối với hệ thống thông tin của cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Điều chỉnh, sửa đổi bổ sung hệ thống sổ sách biểu mẫu liên quan đến cung ứng để bảo đảm thực hiện hiệu quả trong quá trình chuyển đổi thuốc lao từ nguồn ngân sách nhà nước sang nguồn BHYT và để đáp ứng những yêu cầu rất chặt chẽ trong việc thanh quyết toán của BHYT.
Bên cạnh đó, để chủ động phát hiện ca mắc lao đưa vào điều trị sớm nhằm cắt đứt nguồn lây, các cơ sở y tế đang tăng cường áp dụng chiến lược 2X (X-quang, X-pert) trong các tiếp cận phát hiện chủ động, phát hiện tích cực bệnh nhân lao, sử dụng hiệu quả 27 xe X-quang di động kỹ thuật số và các máy X-quang di động được cấp cho các tỉnh trong phát hiện bệnh nhân lao.
Thùy Chi