Sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm phát hiện sớm bệnh Lao và COVID-19

29/07/2022 09:38

(Chinhphu.vn) - Hải Phòng triển khai Dự án “Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong X-quang kỹ thuật số và xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 để phát hiện sớm bệnh Lao và COVID-19”.

Sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm phát hiện sớm bệnh Lao và COVID-19 (c cài mai đăng giúp e ạ) - Ảnh 1.

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Ảnh minh họa

Dự án do Tổ chức Freundeskreis fur Internationale Tuberkulosehife e.V (FIT) tại Việt Nam tài trợ được triển khai thực hiện tại Bệnh viện Phổi Hải Phòng và Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng.

Thời gian thực hiện dự án từ tháng 7 đến tháng 11/2022, với tổng số vốn là 16.985 USD. Đây là nguồn vốn viện trợ không hoàn lại, Sở Y tế Hải Phòng tiếp nhận, quản lý thông qua triển khai hoạt động tại 2 bệnh viện nêu trên.

UBND TP Hải Phòng giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Nhà tài trợ và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện. Từ việc triển khai dự án, thành phố sẽ đánh giá hiệu quả sử dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích tổn thương chẩn đoán bệnh Lao và COVID-19 trên phim X-quang kỹ thuật số. Kết quả và khuyến nghị của dự án được công bố nhằm bổ sung bằng chứng hướng dẫn về chẩn đoán bệnh lao vào COVID-19; triển khai hệ thống đánh giá và mở rộng việc sử dụng xét nghiệm thường quy phát hiện nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 phục vụ mục đích chẩn đoán COVID-19.

Dự án thực hiện 3 hoạt động gồm: Lập kế hoạch, quy trình sàng lọc, phát hiện, tư vấn dự phòng và chuyển gửi hỗ trợ điều trị bệnh Lao và COVID-19; tổ chức lựa chọn và tập huấn cán bộ tham gia dự án; chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị; tổ chức sàng lọc ở Bệnh viện Phổi Hải Phòng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng và báo cáo kết quả hoạt động triển khai tại địa phương.

Người tham gia sàng lọc được tầm soát bằng lời thông qua sử dụng bộ câu hỏi về triệu chứng và yếu tố dịch tễ liên quan bệnh Lao và COVID-19 trên phần mềm quản lý dữ liệu ACIS mHealth trước khi tiến hành xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 và chụp X-quang phổi bằng máy X-quang kỹ thuật số kết hợp phần mềm đọc kết quả bằng trí tuệ nhân tạo.

Tổ chức FIT sẽ sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo "qXR" dưới hình thức máy thu nhỏ, được hiển thị ở định dạng cổng thông tin qTrack có địa chỉ truy cập theo địa chỉ IP của mạng nội bộ để kết nối với máy X-quang kỹ thuật số hiện có tại 2 bệnh viện. Khi vận hành, máy chụp X-quang ghi nhận và lưu hình ảnh X-quang trong hệ thống quản lý hình ảnh y tế PACS có chức năng truyền hình ảnh và cung cấp file quản lý hình ảnh định dạng DICOM. Hệ thống PACS sẽ truyền hình ảnh tự động vào phần mềm trí tuệ nhân tạo để đọc kết quả.

Trường hợp có chẩn đoán nghi Lao sẽ thực hiện xét nghiệm Xpert MTB/RIF để phát hiện vi khuẩn Lao. Các kết quả X-quang sẽ được phân tích để xác định tính phù hợp giữa X-quang ngực và kết quả test nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 và kết quả xét nghiệm Xpert MTB/RIF xác định vi khuẩn lao.

Những người có kết quả dương tính với test nhanh kháng nguyên sẽ được phân tuyến và thu dung điều trị theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế. Những người có kết quả dương tính với vi khuẩn lao sẽ được thu dung điều trị theo hướng dẫn hiện hành của Chương trình chống lao Quốc gia.

Theo Chương trình Chống lao Quốc gia, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao (báo cáo của WHO năm 2020).

Trong số đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.

Thùy Chi

Top