Khách hàng dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm được bảo vệ thông tin tuyệt đối
(Chinhphu.vn) - Nguyên tắc cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (Tele PrEP) đó là bảo mật thông tin của khách hàng theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, vì vậy khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng dịch vụ Tele PrEP.
Ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện việc điều trị dự phòng
Dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV từ xa (Tele PrEP) là việc sử dụng thiết bị và công nghệ thông tin để thực hiện việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP).
Các dịch vụ được cung cấp từ xa bao gồm: Đặt lịch khám; sàng lọc nguy cơ lây nhiễm HIV; vấn về lợi ích PrEP; tư vấn, hỗ trợ thực hiện các xét nghiệm cần thiết cho PrEP; hỗ trợ tuân thủ, duy trì điều trị PrEP; tư vấn, hỏi bệnh và kê đơn thuốc cho các trường hợp đang điều trị PrEP có tuân thủ điều trị tốt; cung cấp thuốc PrEP miễn phí (nếu có Dự án tài trợ) cho khách hàng qua đơn vị vận chuyển.
Nguyên tắc cung cấp dịch vụ Tele PrEP đó là bảo mật thông tin của khách hàng theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; cung cấp dựa trên sự tự nguyện tham gia của khách hàng; quản lý hồ sơ bệnh án theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm các quy định đối với bệnh án giấy và bệnh án điện tử. Khi sử dụng bệnh án điện tử đối với cung cấp dịch vụ PrEP từ xa, cơ sở y tế thực hiện quản lý hồ sơ bệnh án điện tử PrEP theo các quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử (Thông tư số 46/2018/TT- BYT).
Bên cạnh đó, cần có cơ chế thông tin, phản hồi giữa cơ sở y tế cung cấp dịch vụ PrEP, cơ sở xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan với người sử dụng PrEP trong quá trình cung cấp dịch vụ.
Đối với tiêu chuẩn khách hàng sử dụng dịch vụ Tele PrEP, những khách hàng sử dụng dịch vụ Tele PrEP cần đáp ứng các tiêu chuẩn: Đủ các điều kiện để sử dụng dịch vụ PrEP theo quy định của Bộ Y tế; có đủ phương tiện và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin để kết nối và tương tác trực tuyến với nhân viên y tế trong quá trình nhận dịch vụ Tele PrEP; tự nguyện, đồng thuận và cam kết sử dụng dịch vụ Tele PrEP theo các quy định và quy trình chuyên môn do cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP thông báo.
Chương trình Tele PrEP được thí điểm đến tháng 30/4/2023. Ngành y tế đã lựa chọn 7 tỉnh, thành phố để triển khai thí điểm Tele PrEP, bao gồm: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đồng Nai, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu và Nghệ An. Những địa phương trên là những địa phương đáp ứng tiêu chí là các tỉnh, thành phố có cơ sở đang cung cấp dịch vụ PrEP, có tỷ lệ hiện nhiễm HIV cao trong quần thể có nguy cơ cao, đặc biệt trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và có ước tính số MSM cao.
Để thực hiện tốt công tác cung cấp dịch vụ Tele PrEP, các địa phương được lựa chọn thí điểm cần chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự tại cơ sở cung cấp dịch vụ Tele PrEP. Cụ thể, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật công nghệ thông tin đối với hoạt động y tế từ xa theo quy định tại Điều 4 của Thông tư số 49/2017/TT-BYT ngày 28 tháng 12 năm 2017 Quy định về hoạt động y tế từ xa. Có các thiết bị công nghệ phù hợp để thực hiện cung cấp dịch vụ TelePrEP như máy vi tính hoặc điện thoại thông minh có khả năng cài đặt các phần mềm và ứng dụng phục vụ cho Tele PrEP. Chuẩn bị các phần mềm sử dụng để cung cấp thông tin cho khách hàng, khách hàng đặt lịch hẹn, khai mẫu phiếu sàng lọc và thực hiện tư vấn, khám trực tuyến. Có đủ nhân sự để bố trí, phân công nhân viên y tế tham gia từng khâu cụ thể trong quy trình cung cấp dịch vụ Tele PrEP. Ngoài ra, các bác sĩ điều trị PrEP đăng ký chữ ký số theo quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT.
Bảo đảm các bước cung cấp dịch vụ điều trị PrEP
Việc cung cấp dịch vụ Tele PrEP cần bảo đảm các bước cung cấp dịch vụ điều trị PrEP tại cơ sở y tế theo quy định của Bộ Y tế tại Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS do Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 5968/QĐ-BYT ngày 31/12/2021.
Các khách hàng lần đầu sử dụng PrEP cần đến cơ sở y tế sàng lọc đánh giá hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV hoặc khách hàng tự sàng lọc trước khi đến cơ sở y tế bằng phiếu sàng lọc hoặc sàng lọc trực tuyến và gửi cho cơ sở y tế. Sau khi sàng lọc đánh giá hành vi nguy cơ, nếu khách hàng đủ tiêu chuẩn điều trị PrEP, cơ sở y tế thực hiện: Khám, thực hiện các xét nghiệm có liên quan và kê đơn điều trị PrEP nếu đủ tiêu chuẩn theo Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS của Bộ Y tế ban hành tại Quyết định 5968/QĐ-BYT ngày 31/12/2021. Sau đó tạo hồ sơ bệnh án cho khách hàng điều trị PrEP và thực hiện quản lý, ghi chép hồ sơ bệnh án theo quy định chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh.
Cơ sở y tế sẽ xác định nhu cầu tự nguyện nhận dịch vụ Tele PrEP của khách hàng. Nếu khách hàng lựa chọn và đăng ký nhận dịch vụ Tele PrEP trong lần khám tiếp theo, cơ sở y tế cần thực hiện: Tư vấn và giải thích chi tiết về các lựa chọn xét nghiệm, kết nối khám, tư vấn và kê đơn từ xa; hỗ trợ, hướng dẫn khách hàng đăng ký, tạo tài khoản trực tuyến trên các ứng dụng di động hoặc website của cơ sở y tế và hoàn thành phiếu đồng thuận tham gia thí điểm nhận dịch vụ Tele PrEP; đặt lịch hẹn cho khách hàng cho lần tư vấn, khám và nhận dịch vụ Tele PrEP lần tiếp theo.
Đối với khách hàng đang sử dụng PrEP, trường hợp khách hàng không đến tái khám trực tiếp được các cơ sở y tế và đề nghị nhận dịch vụ Tele PrEP, cơ sở y tế cung cấp dịch vụ PrEP theo cách cung cấp mã xét nghiệm do cơ sở xét nghiệm gửi cho khách hàng để cơ sở PrEP tự tra cứu kết quả trên hệ thống. Hoặc khách hàng chụp ảnh kết quả xét nghiệm và tải kết quả xét nghiệm lên ứng dụng Tele PrEP vào tài khoản của khách hàng. Một cách khác đó là cơ sở xét nghiệm đã có liên kết với cơ sở PrEP có thể chủ động chia sẻ kết quả xét nghiệm của khách hàng với cơ sở PrEP trên cơ sở sự đồng thuận của khách hàng.
Khách hàng có thể đến các nhà thuốc để mua thuốc ARV sử dụng cho PrEP. Trường hợp thuốc PrEP được các chương trình, dự án hỗ trợ trong thời gian thí điểm, thuốc PrEP sẽ được cơ sở cung cấp TelePrEP chuyển thuốc về nhà cho khách hàng thông qua nhân viên y tế hoặc đơn vị vận chuyển.
Việc lựa chọn hình thức giao thuốc do người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh TelePrEP quyết định. Chi phí vận chuyển thuốc do khách hàng tự chi trả hoặc từ nguồn ngân sách hợp pháp khác chi trả.
PGS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các cơ quan, tổ chức đã phải áp dụng linh hoạt nhiều giải pháp để bảo đảm nhóm đích vẫn có thể tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu, trong đó có dịch vụ HIV như PrEP. "Số người đăng ký sử dụng PrEP mới vẫn cao, cho thấy rõ nhu cầu đối với dịch vụ này. Chúng tôi đã học được nhiều bài học từ giai đoạn giãn cách xã hội do dịch COVID-19, liên quan đến việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh từ xa, lấy mẫu xét nghiệm và giao thuốc tận nhà, chúng tôi thấy được sự cần thiết phải tích hợp các giải pháp đó để cải tiến việc cung cấp các dịch vụ hiện có" – PGS, Phan Thị Thu Hương nói.
Hiện Việt Nam đã sẵn sàng triển khai mở rộng hơn nữa chương trình này dựa trên thành công của PrEP trên toàn cầu trong việc kiểm soát dịch HIV. Trong giai đoạn tới, các dự án, các nhà tài trợ sẽ tiếp tục cùng chung tay với Bộ Y tế Việt Nam mở rộng và triển khai chương trình PrEP tốt hơn nữa, góp phần hoàn thành chiến lược chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030 như đã đề ra.
Thùy Chi