Khánh Hòa: Hơn 18 nghìn người được xét nghiệm HIV
(Chinhphu.vn) - Từ đầu năm đến nay, ngành y tế tỉnh đã tư vấn và xét nghiệm HIV cho hơn 18.400 lượt người, qua đó phát hiện 74 lượt người dương tính với HIV.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, tính đến tháng 7/2022, lũy tích số trường hợp nhiễm HIV/AIDS được phát hiện ở Khánh Hòa là 2.723 trường hợp; lũy tích số người nhiễm HIV/AIDS đã tử vong là 1.301.
Hiện 1.422 trường hợp người nhiễm HIV đang còn sống và được quản lý tại các địa phương. Tỷ lệ người nhiễm HIV trong tỉnh chiếm 0,22% dân số. Toàn tỉnh Khánh Hòa có 8/9 huyện, thị xã, thành phố (chiếm 88,9%) với 128/139 xã, phường có người nhiễm HIV/AIDS.
Về công tác điều trị, hiện toàn tỉnh có gần 1.200 người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV, trong đó có 24 trẻ em, còn lại là người lớn. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có bảo hiểm y tế chiếm 89,5%.
Từ đầu năm đến nay, ngành y tế tỉnh đã tư vấn và xét nghiệm HIV cho hơn 18.400 lượt người, qua đó phát hiện 74 lượt người dương tính với HIV. Đồng thời, đã triển khai điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng Methadone tại 3 cơ sở, 2 điểm cấp phát thuốc với tổng số bệnh nhân tham gia hơn 400 người; đồng thời thực hiện điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con cho 100% phụ nữ mang thai nhiễm HIV.
Bên cạnh các giải pháp giám sát, phát hiện sớm ca mắc; dự phòng và can thiệp giảm tác hại; điều trị cho người nhiễm, ngành y tế còn duy trì mô hình tiếp cận cộng đồng thông qua nhóm giáo dục viên đồng đẳng; tiếp tục phối hợp với các tổ chức có liên quan triển khai Dự án Nâng cao sức khỏe cuộc sống nhằm thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại của HIV tại 6 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Tuy nhiên, hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn vẫn còn khó khăn, đặc biệt tình trạng lây nhiễm trong nhóm nam quan hệ tình giục đồng giới (MSM). Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết, thời gian gần đây, qua công tác xét nghiệm cho thấy số người nhiễm HIV mới trong nhóm MSM ở Khánh Hòa luôn chiếm tỷ lệ cao nhất. Do đó, công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh đã đặc biệt chú trọng trong nhóm này. Tuy nhiên, khó khăn, hạn chế lớn nhất trong nhóm này là do MSM là đối tượng khó tiếp cận, họ lại có nhiều bạn tình... Nhưng nhờ sự phối hợp của các đồng đẳng viên và nhân viên y tế trong công tác can thiệp giảm hại và tăng cường truyền thông về nguy cơ lây nhiễm HIV, cách phòng ngừa và điều trị dự phòng trong nhóm này nên tình trạng lây nhiễm trong nhóm này đang dần được cải thiện.
Để ngăn chặn lây nhiễm trong nhóm này, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, tránh nhiễm HIV trong cộng đồng MSM. Thường xuyên có kế hoạch tiếp cận các nhóm, cặp đồng giới để kịp thời phát hiện người nhiễm HIV động viên, khích lệ họ đi xét nghiệm.
Bên cạnh đó không ngừng nâng cao các dịch vụ y tế trong điều trị HIV thích ứng với hầu hết các nhóm đối tượng. Để ngăn ngừa sớm nhiễm HIV với người đồng giới là học sinh, sinh viên công tác phối hợp phổ biến kiến thức với các trường học cũng sẽ được thực hiện thường xuyên.
Tăng cường công tác giám sát hỗ trợ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh. Tiếp tục tăng cường, tranh thủ sự chỉ đạo công tác phòng chống HIV/AIDS của các cấp ủy đảng, chính quyền nhất là tại tuyến huyện và tuyến xã/phường. Chú trọng mạnh vào các hoạt động như: Hoạt động dự phòng và can thiệp giảm tác hại; điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; thúc đẩy triển khai hiệu quả khám, chữa bệnh HIV/AIDS do BHYT chi trả; tăng cường việc quản lý chất lượng điều trị HIV/AIDS, kiểm soát tải lượng virus; đẩy mạnh điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và duy trì tốt phòng xét nghiệm khẳng định HIV tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật.
Thùy Chi