Không ngừng mở rộng bao phủ BHYT trong điều trị HIV/AIDS

11/10/2022 16:17

(Chinhphu.vn) - Hiện tỉ lệ bao phủ BHYT trong điều trị HIV/AIDS trên cả nước đang là 91%. Trong đó, 12 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ bằng hoặc lớn hơn 99%, còn lại các tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ từ 80-90%.

Không ngừng mở rộng bao phủ BHYT trong điều trị HIV/AIDS - Ảnh 1.

Thẻ BHYT không chỉ quan trọng với với người nhiễm HIV/AIDS, mà còn rất quan trọng với bất cứ người dân nào chẳng may ốm đau, bệnh tật. Ảnh: Thùy Chi

Để đạt mục tiêu 100% người mắc HIV có thẻ BHYT, trong thời gian qua các tỉnh, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động như tăng cường tuyên truyền tư vấn người nhiễm HIV tự tham gia BHYT; tạo điều kiện người nhiễm HIV không phải mua thẻ BHYT cùng thời điểm với tất cả thành viên hộ gia đình. Bên cạnh đó, rà soát người nhiễm HIV cần hỗ trợ mua thẻ BHYT và bảo đảm ngân sách địa phương hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV…

Số lượng người tham gia BHYT ở Hà Nội tăng mạnh

Tại TP. Hà Nội, nhờ đẩy mạnh các hoạt động nhằm đẩy nhanh độ bao phủ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS, số lượng người tham gia BHYT tăng, chất lượng khám, chữa bệnh BHYT của thành phố Hà Nội cũng ngày càng được nâng cao, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.

Cụ thể, nếu như năm 2019 số người tham gia BHYT của toàn thành phố là 7.000.171 người, độ bao phủ 88,3% thì đến hết năm 2021, số người tham gia BHYT của thành phố đã tăng lên 7.482.132 người, đạt độ bao phủ 91,8%.

Đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình được UBND TP. Hà Nội giao chỉ tiêu cho từng quận, huyện mở rộng. Năm 2019, thành phố có 1.223.899 người tham gia BHYT hộ gia đình thì đến năm 2021 đã có 1.508.370 người tham gia.

Việc phát triển đối tượng tham gia BHYT là học sinh, sinh viên được đẩy mạnh. Năm học 2019-2020 thành phố có 1.847.370 học sinh, sinh viên tham gia BHYT, đạt 96,07%; năm học 2020 - 2021 là 2.038.132, đạt 97,97% số học sinh, sinh viên phải tham gia; năm học 2021 - 222 là 2.153.371, đạt 98,35% số học sinh, sinh viên phải tham gia BHYT.

Thực hiện Luật BHYT, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và UBND TP, từ năm 2019 đến năm 2021, Sở Y tế, BHXH TP đã tham mưu UBND TP ban hành 7 kế hoạch về tổ chức thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn Thủ đô, phù hợp với pháp luật và tình hình thực tiễn. Đồng thời, triển khai 12 kế hoạch về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, thực hiện Luật BHYT.

Hàng năm, Sở Y tế và BHXH TP. Hà Nội có văn bản liên ngành hướng dẫn đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu. Nguyên tắc phân bổ thẻ đăng ký ban đầu dựa trên năng lực tiếp nhận của từng cơ sở khám chữa bệnh (bàn khám, nhân lực, giường bệnh); số thẻ đã có của các cơ sở khám chữa bệnh đăng ký trước đó và tỉ lệ phát triển số người tham gia thẻ BHYT trong năm.

Thủ tục tham gia BHYT được cải cách và thực hiện đơn giản hơn so với trước đây. Về thời hạn cấp mới thẻ rút ngắn từ 7 ngày xuống còn 5 ngày; thời hạn cấp lại thẻ được rút ngắn từ 5 ngày xuống còn 3 ngày. Ngoài ra, người dân còn được cấp lại thẻ BHYT ngay trong ngày cho một số trường hợp đang điều trị bệnh, cấp cứu.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức triển khai thực hiện khám chữa bệnh BHYT được liên ngành y tế và BHXH TP. Hà Nội tăng cường quản lý và kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT bảo đảm hiệu quả. Tổ chức phân luồng, phân tuyến người bệnh theo mô hình cung cấp dịch vụ y tế cơ bản tại y tế cơ sở, bệnh viện tuyến quận, huyện; cung cấp dịch vụ y tế chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến thành phố và chuyên khoa.

Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội có nhiều chính sách phù hợp nhằm tiếp tục đào tạo về nhân lực, trang bị máy móc, thiết bị y tế, cung ứng thuốc, vật tư y tế phù hợp với mặt bệnh điều trị, dịch vụ kỹ thuật cho cơ sở khám chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở. Qua đó bảo đảm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, cấp cứu, khám chữa bệnh, phát triển công nghệ thông tin để hội chẩn từ xa, khám chữa bệnh từ xa, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh để hạn chế tình trạng vượt tuyến.

TPHCM có 95% bệnh nhân HIV/AIDS đã có thẻ BHYT

Tại TPHCM, việc triển khai công tác KCB HIV/AIDS qua BHYT từ năm 2019-2022 đã có nhiều điểm nhấn đáng kể. Từ năm 2018, thành phố triển khai cấp thẻ BHYT cho người nhiễm, đồng thời kiện toàn TTYT một chức năng thành TTYT 2 chức năng. Từ tháng 3/2019, TPHCM triển khai cấp thuốc ARV qua BHYT tại 6 phòng khám. Đến nay, TPHCM có 95% bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ BHYT. Cùng với đó, 21 TTYT và TTYT 2 chức năng đủ điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH. Cùng 28 phòng khám tư nhân điều trị ARV qua BHYT.

Đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết, HĐNĐ TP.HCM cũng đã thông qua Nghị quyết số 14/2020/NQ-HĐND về việc hỗ trợ chi phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS và hỗ trợ chi phí cùng chi trả thuốc kháng virus HIV cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT trên địa bàn TPHCM, có hiệu lực từ đầu năm 2021. Vì vậy, đối với bệnh nhận có hộ khẩu TPHCM hoặc cư trú trên 6 tháng tại đây, cũng đã được Sở Y tế chuyển kinh phí mua thẻ BHYT của năm 2022. Còn bệnh nhân HIV/AIDS có hộ khẩu tỉnh khác muốn điều trị tại TPHCM cần đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh BHYT tại các phòng khám tư nhân, đó là thẻ BHYT và các giấy tờ liên quan hoặc bệnh nhân phải được tư vấn chuyển về các tỉnh cư trú điều trị…

Ngoài ra, BHXH TPHCM cũng đã triển khai đến các cơ sở khám chữa bệnh những quy định của BHXH Việt Nam về việc ký hợp đồng ủy quyền thu BHXH, BHYT theo Quyết định số 1155/QĐ-BHXH ngày 12/5/2022 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Đồng thời, hướng dẫn chi tiết các nội dung về điều kiện để cơ sở khám chữa bệnh trở thành tổ chức dịch vụ thu BHYT; về thời gian thanh toán các chi phí, vướng mắc liên quan đến chính sách BHYT. Đặc biệt, đã thảo luận về nhu cầu của đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh trong việc thành lập tổ chức dịch vụ thu BHYT…

Thẻ BHYT - "Phao cứu sinh" của những người bệnh

Thẻ BHYT không chỉ quan trọng với với người nhiễm HIV/AIDS, mà còn rất quan trọng với bất cứ người dân nào chẳng may ốm đau, bệnh tật. Thẻ BHYT chính là "phao cứu sinh" của những người bệnh. PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Từ năm 2014, chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã bắt đầu xây dựng các cơ chế đưa thuốc ARV từ các chương trình dự án sang chi trả của Quỹ BHYT. Đến năm 2016, Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã tạo một bước ngoặt to lớn trong việc chi trả quỹ BHYT cho các dịch vụ KCB HIV/AIDS.

Nếu như năm 2016 tỉ lệ người tham gia điều trị ARV có thẻ BHYT mới chỉ đạt 50% thì đến năm 2022 tỉ lệ này đã lên đến 95%. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trên thế giới về chuyển đổi cơ chế tài chính đối với chương trình điều trị HIV/AIDS.

Ngoài ra, Quyết định 2188/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tạo một số cơ chế rất đặc thù như thanh toán tập trung trong đó cơ quan Bảo hiểm thanh toán cho nhà cung ứng để bảo đảm việc điều phối thuốc trong giai đoạn đầu tiên.

PGS.TS. Phan Thị Thu Hương cho hay, quyết định đã tạo cơ chế hỗ trợ chi phí cùng chi trả thuốc ARV để giúp cho việc tiếp cận công bằng giữa các nhóm bệnh nhân. Và để cải thiện hơn nữa công tác cung ứng thuốc, Bộ Y tế cũng đã giao Cục Phòng, chống HIV/AIDS làm đơn vị đầu mối đánh giá Quyết định 2188 để có căn cứ trình Thủ tướng chính phủ định hướng giải pháp cung ứng thuốc trong thời gian tiếp theo.

Thùy Chi

}
Top