Khuyến khích các đơn vị nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc

05/03/2024 14:11

(Chinhphu.vn) - Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức... tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc.

Khuyến khích các đơn vị nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc- Ảnh 1.

Hỗ trợ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù

Thực hiện hoạt động giám sát thông qua hình thức chất vấn bằng văn bản, đại biểu Quốc hội Phan Thị Thanh Phương - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh đã gửi phiếu chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về giải pháp, chính sách để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp tiếp nhận đối tượng đặc thù như vi phạm pháp luật, sử dụng chất gây nghiện sau khi được cải tạo, giáo dục tìm việc làm.

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Thanh Phương cho biết, đối với đối tượng đặc thù như vi phạm pháp luật, sử dụng chất gây nghiện sau khi được cải tạo, giáo dục tại các trại giam, trung tâm cai nghiện theo quy định của pháp luật được trở về địa phương, hòa nhập cộng đồng, muốn tìm việc làm, ổn định cuộc sống để không tái phạm. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết về giải pháp, chính sách để hỗ trợ người lao dộng và doanh nghiệp tiếp nhận dối tượng đặc thù này.

Trả lời nội dung chất vấn của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có Văn bản số 3135/LĐTBXH-VP nêu rõ:

Ngày 17/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng. Theo dó, người chấp hành xong án phạt tù được đào tạo nghề nghiệp, được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, được ưu tiên đăng ký tham gia chính sách việc làm công theo quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí qua hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm công.

Đồng thời, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ thủ tục pháp lý, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc... Ngoài ra, nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận vốn vay giải quyết việc làm, Bộ Công an xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Ngày 21/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Theo đó, người sau cai nghiện được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định của pháp luật về đào tạo nghề ngắn hạn, vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, được ưu tiên đăng ký tham gia chính sách việc làm công theo quy định của pháp luật. Đồng thời, căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sử dụng các nguồn tín dụng khác để hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với người sau cai nghiện để phát triển sản xuất, tạo việc làm.

Hỗ trợ cho vay vốn giúp người hoàn lương xây dựng cuộc sống

Tại tỉnh Hà Nam, năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã thực hiện được 37 phiên giao dịch việc làm, vượt 11 phiên so với kế hoạch. Trong đó, tổ chức tại đơn vị 11 phiên cố định, 8 phiên lưu động, 8 phiên trực tuyến; 3 phiên tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Đặc biệt quan tâm tới một số đối tượng đặc thù, trung tâm đã tổ chức 7 phiên chuyên biệt, gồm: Tư vấn cho học viên đang điều trị nghiện ma túy và phục hồi chức năng tâm thần tỉnh Hà Nam; tư vấn cho các phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù tại Trại Tạm giam Công an tỉnh; tư vấn cho chiến sỹ hoàn thành nghĩa vụ Công an nhân dân tỉnh Hà Nam và 4 phiên giao dịch việc làm dành cho những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng.

Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, để khắc phục những khó khăn trong công tác dịch vụ việc làm năm 2023, năm 2024, trung tâm tiếp tục xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn tích cực triển khai tổ chức các phiên giao dịch việc làm online kết nối giữa các doanh nghiệp với văn phòng đại diện và phòng tư vấn; tăng cường thông tin kết hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm cố định tập trung ngày 15 hằng tháng tại trung tâm và các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể, như: Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, Công an tỉnh, Trung tâm cai nghiện và chữa bệnh tỉnh mở rộng phạm vi tư vấn việc làm cho nhiều đối tượng. Đẩy mạnh công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Tại tỉnh Nam Định, thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (Quyết định số 22), có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2023, từ đầu năm đến hết ngày 26/2/2024, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng và các tổ chức chính trị - xã hội được ủy thác giải ngân thêm cho 17 khách hàng đủ điều kiện vay theo Quyết định số 22 với tổng số tiền 1,61 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân tại huyện: Xuân Trường 80 triệu đồng, Vụ Bản 200 triệu đồng, Nghĩa Hưng 460 triệu đồng, Hải Hậu 600 triệu đồng và Ý Yên 270 triệu đồng. Tổng dư nợ vốn vay tín dụng theo Quyết định số 22 đến hết ngày 26/2/2024 là 2,61 tỷ đồng với 28 khách hàng còn dư nợ. Thông qua nguồn vốn này, nhiều người sau khi chấp hành xong án phạt tù đã có thêm nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng.

Theo lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nam Định, Quyết định số 22 là cơ chế tín dụng đầu tiên dành riêng cho người chấp hành xong án phạt tù, thể hiện tính nhân văn của Đảng và Nhà nước, giúp người lầm lỗi xóa bỏ mặc cảm, tìm kiếm việc làm khi trở về địa phương, từng bước tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Quyết định này quy định 2 nhóm đối tượng được vay vốn gồm: người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá; cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ. Về phương thức cho vay, đối với người chấp hành xong án phạt tù thì đại diện hộ gia đình đứng tên vay vốn và giao dịch với ngân hàng; đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, NHCSXH nơi cho vay thực hiện cho vay trực tiếp.

Vĩnh Hoàng

}
Top