Khuyến khích người nhiễm HIV tiêm vaccine COVID-19
(Chinhphu.vn) - Hiện nay nhiều người nhiễm HIV/AIDS đang có tâm lý e ngại khi tiêm vaccine COVID-19. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định vaccine COVID-19 không làm tình trạng HIV nặng lên hay xấu đi. Điều lớn nhất ảnh hưởng đến tình trạng HIV là khi bệnh nhân ngừng uống thuốc ARV, làm cho HIV nhân lên gây suy yếu hệ miễn dịch. Và vaccine giúp bảo vệ bệnh nhân HIV khỏi COVID-19 và duy trì sức khỏe của chính họ.
COVID-19 là bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra. Virus lây từ người này sang người khác thông qua các phân tử nhỏ trong không khí và qua các giọt bắn. Sau đó, virus đi vào mắt, mũi, miệng, hầu, họng rồi xuống phổi. Virus được phát hiện trong khoảng thời gian từ 2 đến 14 ngày sau tiếp xúc. 80% các trường hợp không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ như sốt, ho, đau nhức mình mẩy, nhức đầu, mất khứu giác hay vị giác, tiêu chảy,… 15% có viêm phổi, giảm oxy trong máu. Khoảng 5% bị bệnh nặng và cần chăm sóc tích cực. Biểu hiện nặng bao gồm suy hô hấp, viêm cơ tim, suy thận, đông máu, tắc mạch, nhiễm trùng huyết và các biến chứng khác… COVID-19 có nguy cơ diễn biến nặng ở người cao tuổi (> 65 tuổi), người có bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh lý thận, v.v... Tỷ lệ tử vong do COVID-19 vào khoảng > 2%. Tình trạng bệnh có thể kéo dài, thậm chí ở cả những người có triệu chứng nhẹ và có thể mất vài tháng để hồi phục.
Các dữ liệu hiện có cho thấy, người sống chung với HIV (người nhiễm HIV – người nhiễm HIV) đang điều trị ARV hiệu quả có nguy cơ mắc COVID-19 tương tự như người không nhiễm HIV. Nguy cơ mắc COVID-19 cũng tương tự đối với người sử dụng PrEP và người không sử dụng PrEP.
Người cao tuổi và người ở mọi độ tuổi có các bệnh nền nghiêm trọng có nguy cơ cao bị bệnh nặng nếu mắc COVID-19. Người nhiễm HIV có nguy cơ bị bệnh nặng trong những trường hợp CD4 thấp và không điều trị ARV.
Vaccine COVID-19 chứa chất liệu di truyền hoặc kháng nguyên của SARS-CoV-2, virus gây COVID-19. Khi vào cơ thể, vaccine kích thích hệ miễn dịch của chúng ta nhận biết và chống lại virus. Vaccine thường được tiêm làm hai liều, và phải mất 2 tuần sau khi tiêm, cơ thể chúng ta mới tạo ra đủ khả năng bảo vệ chống lại virus. Vaccine có hiệu quả bảo vệ cơ thể chúng ta không bị COVID-19 nặng. Tiêm vaccine cũng bảo vệ những người xung quanh chúng ta. Nếu số người trong cộng đồng được tiêm vaccine đủ cao, nguy cơ lây lan virus COVID-19 sẽ giảm, còn được gọi là miễn dịch cộng đồng.
Các nghiên cứu trên toàn thế giới cho thấy vaccine COVID-19 mang đến lợi ích cho người nhiễm HIV tương tự như đối với tất cả các cá nhân và cộng đồng - dự phòng bệnh nặng do SARS-CoV-2 và giảm lây truyền virus. Vaccine có hiệu quả tốt nhất đối với người nhiễm HIV đang điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện và số lượng tế bào CD4 cao. Người sử dụng PrEP có lợi ích tương tự như cộng đồng người dân nói chung khi tiêm vaccine. Tóm lại, vaccine COVID-19 rất an toàn cho mọi người nói chung, người nhiễm HIV và người uống PrEP nói riêng. Không có sự khác nhau về tính an toàn của vaccine giữa người không nhiễm HIV so với người nhiễm HIV hoặc với người sử dụng PrEP. Tuy nhiên, hiện nay một số người nhiễm HIV/AIDS e ngại việc tiêm vaccine COVID-19, nhất là khi phải tiêm mũi 3, mũi 4. Chia sẻ ý kiến về vấn đề này, BS. Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc SCDI khẳng định: "Người nhiễm HIV thuộc nhóm được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19. Vì nhiễm HIV là một tình trạng mãn tính, do đó người nhiễm HIV nếu bị mắc COVID-19 sẽ có nguy cơ diễn biến nặng. Vì vậy, bạn nên tiêm vaccine COVID-19 để phòng tránh bệnh".
Theo quyết định 1210/2021 QĐ-BYT ngày 9-2-2021 của Bộ Y tế thì người có bệnh mãn tính là một trong 11 nhóm ưu tiên để tiêm vaccine COVID-19. Theo BS. Oanh thì trước đây, có những lời đồn đoán rằng thuốc ARV có tác dụng ngăn ngừa COVID-19, cho đến nay, tuy nhiên trên thế giới chưa có bằng chứng nào được thừa nhận cho nhận định này.
BS. Oanh khẳng định, các loại vaccine COVID-19 đã được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt đều an toàn cho người bị suy giảm miễn dịch. Một số vaccine như AstraZeneca, Pfizer đều đã được thử nghiệm trên một số người có HIV và cho thấy là an toàn.
Các vaccine này không sử dụng virus COVID-19 sống mà sử dụng các vật liệu di truyền của COVID-19. Các vật liệu di truyền này không thể tự nhân lên nên cho dù cơ thể có miễn dịch yếu cũng không sợ là vaccine sẽ sinh ra virus trong người mình. Nên các loại vaccine phòng ngừa COVID-19 đang được sử dụng tại Việt Nam hoàn toàn có thể tiêm được cho người có H.
Các loại vaccine đã được phê duyệt không có tương tác với thuốc ARV nên những người nhiễm HIV đang uống ARV sẽ không có tương tác thuốc, từ đó không làm giảm hiệu quả điều trị.
Các tác dụng phụ của vaccine có thể từ nhẹ đến vừa phải, như mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt; đau, tấy đỏ và sưng tại chỗ tiêm. Đây là những dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể bạn đang đáp ứng với vaccine và tạo khả năng bảo vệ. Các dấu hiệu này sẽ hết trong một vài ngày. Những tác dụng phụ nặng rất hiếm và lợi ích của việc tiêm vắc xin vượt trội so với những rủi ro do vắc xin gây ra.
Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, khi tiêm vaccine COVID-19, bệnh nhân không cần ngừng thuốc ARV hoặc thuốc PrEP trước, trong hoặc sau tiêm vaccine COVID-19. Các loại vaccine COVID-19 đã được cấp phép không có tương tác với thuốc HIV và ngược lại. Nếu ngừng uống thuốc điều trị HIV, bạn có thể gặp nhiều rủi ro vì mắc các bệnh liên quan đến HIV hơn và có nguy cơ cao bị mắc COVID-19 nghiêm trọng hơn.
Hiện nay, có một số người nhiễm HIV/AIDS e ngại việc tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc bị tác dụng phụ, tuy nhiên, TS. Hương, Cục trưởng Cục HIV/AIDS (Bộ Y tế) khẳng định những người nhiễm HIV là những đối tượng cần được tiêm nhất. Tất cả những loại vaccine COVID-19 đã được nhập vào Việt Nam đều là những vaccine đạt tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng, do đó tất cả những loại vaccine này đều phù hợp với tất cả mọi người, nên đối với những người có bệnh nền, hay bệnh mãn tính đều nên tiêm vaccine COVID-19, đặc biệt là những bệnh nhân HIV/AIDS, vì vậy những bệnh nhân này không nên ngần ngại tiêm vaccine COVID-19, bởi vaccine tốt nhất chính là loại vaccine bạn được tiêm sớm nhất.
Thùy Chi