Kiểm soát các hoạt động có thể bị lợi dụng để mua bán người

24/02/2022 09:15

(Chinhphu.vn) - Pháp luật đã có nhiều quy định về việc quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ về xuất khẩu lao động, tham quan du lịch, kết hôn với người nước ngoài… nhằm ngăn ngừa việc lợi dụng các hoạt động này vào mục đích mua bán người.

Kiểm soát các hoạt động có thể bị lợi dụng để mua bán người  - Ảnh 1.

Đại diện các sở, ngành, đơn vị của Quảng Ninh bàn giao một cháu bé quốc tịch Thái Lan bị mua bán trên lãnh thổ Việt Nam cho đại diện Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam. Ảnh: CTV

Hiện nay, tệ nạn mua bán người diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi, các đối tượng mua bán người thường lợi dụng việc cho, nhận con nuôi; giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; kết hôn với người nước ngoài; tham quan, du lịch… để lừa bán nạn nhân nhằm bóc lột tình dục hoặc cưỡng bức lao động.

Bộ Công an cho biết, trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh, dịch vụ xuất khẩu lao động, Quốc hội ban hành Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006; Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2020/NĐ-CP ngày 03/4/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, Luật quy định: Điều 8. Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

1. Hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

2. Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp dịch vụ) phải có vốn pháp định theo quy định của Chính phủ và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

3. Doanh nghiệp được cấp giấy phép phải trực tiếp tổ chức hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

4. Chính phủ quy định các loại hình doanh nghiệp được hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội trong từng giai đoạn và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong lĩnh vực kết hôn với người nước ngoài, Quốc hội ban hành Luật Hôn nhân và gia đình (năm 2014); Luật Hộ tịch (năm 2014); Luật Nuôi con nuôi (năm 2010); Chính phủ ban hành các nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Bộ Tư pháp ban hành các thông tư hướng dẫn thi hành nhằm chấn chỉnh việc kết hôn có yếu tố nước ngoài, trong đó, khắc phục các kẽ hở không để tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động phạm tội trong lĩnh vực này.

Các cơ quan, tổ chức dịch vụ được cấp giấy phép có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền tích cực tuyên truyền, giáo dục, giúp đỡ công dân Việt Nam; phối hợp với các cơ quan chức năng nước sở tại ngăn chặn tình trạng đưa người di cư trái phép, môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi bất hợp pháp, tích cực trợ giúp các trường hợp phụ nữ Việt Nam bị đưa vào đường dây mua bán người; cung cấp thông tin, hướng dẫn cho người dân kỹ năng xử lý tình huống liên quan đến mua bán người; các tổ chức tiến hành các hoạt động tuyên truyền cho cộng đồng người Việt Nam sở tại nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tham gia đấu tranh chống tội phạm mua bán người.

Ngoài ra, Bộ Công an đã ban hành nhiều kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn Công an các địa phương phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, tiến hành tổng điều tra, rà soát về tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và đối tượng khác có liên quan; các trường hợp kết hôn với người nước ngoài; tăng cường công tác nắm tình hình, kiên quyết triệt xoá các đường dây đưa người xuất cảnh trái phép; các cơ sở môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi bất hợp pháp, các tụ điểm tổ chức cho người nước ngoài xem mặt phụ nữ Việt Nam muốn kết hôn với người nước ngoài; tổ chức quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài.

Hoàng Giang

Top