Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý
Theo Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, hàng năm, các đơn vị chức năng đã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các hoạt động hợp pháp về tiền chất theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tuy nhiên công tác này vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Nhu cầu sử dụng tiền chất tăng trung bình 8%
Các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vẫn diễn ra sôi động, nhu cầu sử dụng tiền chất trong sản xuất, kinh doanh và y tế tăng trung bình 8% mỗi năm. Hiện nay, có trên 500 đơn vị tham gia vào hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và hơn 900 doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến tiền chất công nghiệp, khoảng hơn 80 đơn vị có hoạt động liên quan đến thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất dùng làm thuốc.
Trong danh mục quản lý theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 về Ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất, Nghị định số 126/2015/NĐ-CP ngày 09/12/2015 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung danh mục các chất ma túy và tiền chất, có 45 chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng, 136 chất ma túy hạn chế sử dụng, 69 chất ma túy được sử dụng và 43 tiền chất được sử dụng. Trong số các tiền chất được sử dụng thì có 34 chất thuộc quản lý của Bộ Công thương và 9 chất thuộc quản lý của Bộ Y tế.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Bộ Công thương đã cấp phép cho hơn 450 đơn vị có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất. Trong đó, số lượng tiền chất và hợp chất có chứa tiền chất được nhập khẩu hơn 370.000 tấn và hơn 420.000 lít, chủ yếu là toluene, acetone, methyl ethyl ketone, hydrochloric acid, sulphuric acid.
Trong số 34 loại tiền chất thuộc lĩnh vực công nghiệp, chỉ có 14 loại được nhập khẩu về Việt Nam, trong đó có 10 loại được nhập khẩu thường xuyên; 2 loại tiền chất được sản xuất trong nước là hydrochloric acid và sulphuric acid. Về xuất khẩu, có khoảng 60 đơn vị thường xuyên xuất khẩu tiền chất cho các công ty nằm trong khu chế xuất, khu công nghiệp để xử lý nước thải và sản xuất sơn, keo dán; một số ít xuất khẩu HCL và H2SO4 sang Lào, Campuchia.
Trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế đã cấp 146 giấy phép nhập khẩu thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc cho hơn 40 công ty. Để bảo đảm cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác điều trị bệnh, số lượng tiền chất dùng làm thuốc được nhập khẩu vào Việt Nam có chiều hướng tăng ổn định hàng năm. Các loại tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện được nhập khẩu trong lĩnh vực y tế chủ yếu là Tramadol HCL, các dạng muối của Codein, Phenobarbital, Diazepam, Ephedrin, được nhập khẩu từ Ấn Độ, Pháp, Hungary, Đức, Singapore, Hàn Quốc, Ba Lan…
Công tác kiểm soát tiền chất đòi hỏi lực lượng chức năng phải quản lý chặt chẽ, không để thất thoát tiền chất vào sản xuất ma túy, đồng thời vẫn phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội.
Trong những năm qua, công tác kiểm soát tiền chất đã có những kết quả tích cực, tình hình vận chuyển trái phép tiền chất Ephedrine và Pseudoephedrine qua đường chuyển phát nhanh từ Việt Nam đi Úc đã được kiềm chế so với các năm trước đây. Số vụ sản xuất trái phép các chất ma túy ở trong nước tuy không nhiều (mỗi năm từ 1-2 vụ).
Tuy nhiên, gần đây có vụ xảy ra rất nghiêm trọng như vụ triệt xóa cơ sở sản xuất ma túy tổng hợp do Trần Ngọc Hiếu cầm đầu thu giữ hơn 220 kg ma túy cùng nhiều phương tiện phạm tội, trong đó một nguyên nhân chính được cho là kẽ hở trong quản lý tiền chất. Hay mới đây, Phòng Y tế Quận 11 (TPHCM) kiểm tra nhà thuốc Văn Chương và phát hiện 2.223 viên thuốc Tradolgesic (Tramadol HCl 50 mg) xuất xứ Thái Lan. Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho rằng, do không xác định được nguồn gốc thuốc Tradolgesic (Tramadol HCl 50 mg) cung cấp đến nhà thuốc Văn Chương với số lượng lớn và có dấu hiệu liên quan đến luật Phòng, chống ma túy, vì vậy, Sở Y tế chuyển toàn bộ hồ sơ nhà thuốc Văn Chương để Công an TPHCM tiếp tục theo dõi, điều tra và xử lý theo thẩm quyền.
Nhiều khó khăn trong kiểm soát
Theo Tổng cục Cảnh sát, công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý hiện nay vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song tiến độ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý chậm, chưa kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc bất cập.
Các quy định về thời hạn và yêu cầu gửi giấy phép, báo cáo… tại Nghị định số 58/2003/NĐ-CP ngày 29/5/2003 của Chính phủ quy định về kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và Nghị định số 80/2001/NĐ-CP ngày 05/11/2001 của Chính phủ hướng dẫn việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở trong nước không còn phù hợp; nặng về thủ tục hành chính, gây khó khăn cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Hơn nữa, hiện nay chưa có quy định cụ thể về hàm lượng, nồng độ đối với hỗn hợp hóa chất có chứa tiền chất, nhiều lô hàng hóa chất có chứa tỷ lệ tiền chất rất nhỏ, việc tách chiết tiền chất ra khỏi hỗn hợp rất khó hoặc chi phí rất cao nên nguy cơ thất thoát vào sản xuất ma túy trái phép gần như không thể thực hiện được, tuy nhiên vẫn yêu cầu giấy phép nhập khẩu, gây phiền toái cho doanh nghiệp.
Công tác kiểm soát tiền chất công nghiệp còn một số hạn chế, việc kiểm soát các hoạt động mua bán tiền chất công nghiệp trong nội địa đến sản phẩm cuối cùng còn nhiều khó khăn. Số lượng các doanh nghiệp được phép nhập khẩu tiền chất công nghiệp lớn (trên 500 doanh nghiệp) với nhiều lần nhập khẩu cho một giấy phép dẫn đến công tác theo dõi, kiểm soát khó khăn.
Các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến tiền chất công nghiệp sau khi nhập khẩu chưa có báo cáo về tình hình phân phối, sử dụng, tồn kho. Đối với một số loại hàng hóa khi nhập khẩu được khai báo theo tên thương mại, không ghi chính xác hàm lượng, nồng độ tiền chất trong sản phẩm nên cơ quan chức năng khó phát hiện.
Bên cạnh đó, công tác phát hiện, xử lý đối với các vụ việc vi phạm về mua bán, vận chuyển tiền chất cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, bất cập do quy định của pháp luật chỉ xử lý hình sự về tội phạm ma tuý đối với các trường hợp chứng minh được mục đích mua bán, vận chuyển trái phép tiền chất vào mục đích sản xuất ma tuý nên đa số các vụ việc phát hiện vi phạm chỉ xử lý hành chính, chưa có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm. Việc phát hiện các vụ việc vi phạm về tiền chất, ma tuý tại khu vực biên giới, cửa khẩu, cảng biển cũng rất khó khăn do lượng hàng hoá lớn, trong khi lực lượng phương tiện còn thiếu.
Mặt khác, sự phối hợp giữa Tổ công tác liên ngành kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trung ương và địa phương chưa có sự kết nối chặt chẽ, thông suốt nên việc cập nhật thông tin và tổ chức hoạt động của địa phương chưa trọng tâm. Do vậy, công tác quản lý, kiểm soát thông tin thực nhập, thực xuất tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần đối với từng giấy phép còn hạn chế.
Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát tiền chất, trong thời gian tới, các đơn vị công an, y tế, công thương, hải quan phối hợp nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy là Nghị định 58/2003/NĐ-CP và Nghị định số 80/2001/NĐ-CP. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Thông tư 42/2013/TT-BCT ngày 31/12/2013 của Bộ Công thương quy định quản lý, kiểm soát tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp, trong đó, cần có quy định cụ thể về hàm lượng, nồng độ của các tiền chất trong hỗn hợp hóa chất phải có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; quy định về báo cáo đối với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng tiền chất.
Bên cạnh đó, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục cho các cơ quan, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, y tế nâng cao ý thức quản lý tiền chất, không để thất thoát ra ngoài. Hướng dẫn các doanh nghiệp, các chi cục hải quan thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ thông tin báo cáo về tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần theo quy định. Tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ làm công tác kiểm soát tiền chất ở địa phương cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các Tổ công tác liên ngành địa phương nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kiểm soát tiền chất...