Kịp thời bổ sung nhiều chất, tiền chất ma túy vào danh mục

03/06/2020 15:33

Việc cập nhật danh mục các chất ma túy và tiền chất kịp thời bảo đảm sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ma túy đồng thời đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Ảnh minh họa

Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định 515 chất trong 3 Danh mục chất ma túy và 44 chất trong Danh mục tiền chất. Kể từ đó đến nay, nhiều loại tiền chất và ma túy mới xuất hiện và gia tăng nhanh chóng ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước thành viên Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế của Liên Hợp Quốc đã thống nhất đưa một số chất ma túy tổng hợp và tiền chất mới vào Danh mục kiểm soát quốc tế.

Ở trong nước cũng đã xuất hiện nhiều chất gây nghiện, chất hướng thần mới có tác hại như các chất ma túy nhưng chưa được quy định trong Nghị định 73/2018/NĐ-CP, dẫn đến việc thiếu căn cứ pháp lý để kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến tiền chất và ma túy và không có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi liên quan đến các chất này.

Để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, kịp thời bổ sung vào danh mục quản lý những chất gây nghiện, chất hướng thần, tiền chất mới, ngày 29/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 60/NĐ/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP  ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất. Theo đó, bổ sung 28 chất ma túy, 13 tiền chất và gộp 3 cặp chất ma túy có cùng mã số đăng ký hóa chất (CAS).

Bổ sung 28 chất ma túy, 13 tiền chất

26 chất ma túy được bổ sung vào danh mục II “Các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”.

Trong đó có 11 chất ma túy (4-fluoramphetamine, 4-fluoroisobutyrfentanyl, Acryloylfentanyl, Carfentanil, Cyclopropylfentanyl, N‐Ethylnorpentylone, Methoxyacetylfentanyl, Ocfentanil, Orthofluorofentanyl, Parafluorobutyrylfentanyl, Tetrahydrofuranylfentanyl) được bổ sung do nằm trong danh mục kiểm soát của Công ước quốc tế về các chất ma túy năm 1961 và Công ước quốc tế về các chất hướng thần năm 1971. Việt Nam với vai trò là thành viên tham gia các công ước quốc tế về kiểm soát ma túy có nghĩa vụ pháp lý phải kiểm soát các chất theo quy định của Công ước.

9 chất ma túy được bổ sung qua phát hiện từ công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trong nước. Trong số này, có chất Acetylpsilocine (Psilocetine, 4-AcO DMT) gây ảo giác; 2-fluorodeschloroketamine (Fluoroketamine) gây kích động mạnh, rối loạn thị giác, mất kiểm soát hành vi, tác dụng tương tự như Ketamin; 4F-MDMB-BINACA (4F-MDMB-BUTINACA), 5F-MDMB-PICA (5F-MDMB-2201, MDMB-2201), MMB-022 (MMB-4en-PICA), MMB-FUBICA (AMB-FUBICA)  thuộc nhóm Cần sa tổng hợp, được tẩm vào các mẫu thảo mộc, thực vật khô, gây ảo giác mạnh hơn cần sa tự nhiên hàng trăm lần; Benzylone (BMDP) kích thích thần kinh và gây ảo giác mạnh hơn nhiều lần so với Cathinone trong lá Khat…

6 chất ma túy (3 chất thuộc nhóm cathinones tổng hợp, 2 chất thuộc nhóm Fentanyl và 1 chất thuộc nhóm Phenethylamines) được bổ sung theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và khuyến nghị tại Phiên họp lần thứ 63 Ủy ban kiểm soát ma túy của Liên hợp Quốc (CND) năm 2020. Đây đều là các chất ma túy  không có ứng dụng hợp pháp và đã được kiểm soát ở nhiều nước như Mỹ, Nhật, Đức, Trung Quốc…, do đó việc bổ sung vào danh mục kiểm soát của Việt Nam không gây ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc hạn chế các ma túy mới du nhập vào Việt Nam.

2 chất thuộc nhóm Benzodiazepines là Flualprazolam và Etizolam có tác dụng hướng thần được bổ sung vào Danh mục III “Các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền” theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Trên cơ sở cập nhật mã số đăng ký hóa chất (CAS) của các chất ma túy đã được quy định trong Nghị định 73/2018/NĐ-CP, Nghị định 60/2020/NĐ-CP bổ sung mã CAS của 40 chất trong Danh mục II “Các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền” và gộp 3 cặp chất ma túy có cùng mã CAS để tiện theo dõi, tra cứu.

13 tiền chất được bổ sung vào Danh mục IVA “Các tiền chất thiết yếu, tham gia vào cấu trúc chất ma túy”. Trong đó: PMK glycidate và PMK glycidic acid có thể được sử dụng để sản xuất trái phép các chất ma túy MDMA; APAA là chất thay thế cho APAAN đã bị kiểm soát quốc tế để sản xuất Methamphetamine;  1-phenyl-1-propanone (Propiophenone) dùng để điều chế Amphetamine/Methamphetamine; các tiền chất Alpha- bromo-(o-chlorophenyl)-cyclopentyl ketone, Cyclopentyl bromide, Cyclopentyl chloride, Cyclopentyl magnesium bromide, Hydroxylimine, o-Chlorobenzonitrile, o-Bromobenzonitrile, o-Chlorophenyl cyclopentyl ketone được sử dụng trong quá trình sản xuất Ketamine…

Chuyển Thuốc phiện và các chế phẩm thuốc phiện từ Danh mục II “Các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền” sang Danh mục I “Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học, đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền” để có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh việc lạm dụng chất này trong điều trị y tế cũng như vào tội phạm ma túy.

Như vậy, với việc bổ sung 28 chất ma túy, 13 tiền chất và gộp 3 cặp chất ma túy có cùng mã CAS, đến nay đã có 540 chất ma túy và 57 tiền chất thuộc danh mục quản lý của Chính phủ. Việc cập nhật danh mục các chất ma túy và tiền chất kịp thời bảo đảm sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ma túy, đồng thời đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội; thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; phù hợp với các Công ước quốc tế năm 1961, 1971, 1988 của Liên Hợp Quốc về kiểm soát ma túy mà Việt Nam đã tham gia.

}
Top