Lai Châu: Lây nhiễm mới HIV gia tăng trong nhóm tiêm chích ma túy

11/08/2022 17:16

(Chinhphu.vn) - Là một trong những tỉnh, thành phố có tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS và nghiện chích ma tuý phức tạp thuộc khu vực Tây Bắc. Chính hành vi không an toàn và phân biệt đối xử, kỳ thị là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng lây nhiễm mới HIV trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Lai Châu: Lây nhiễm mới HIV gia tăng trong nhóm tiêm chích ma túy - Ảnh 1.

Điều trị Methadone giúp giảm thiểu lây nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma túy. Ảnh: Thùy Chi

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu, tính đến 30/6/2022, lũy tích số người nhiễm HIV là: 3.284 trường hợp. Số nhiễm HIV được phát hiện trong 6 tháng đầu năm 2022 là 26 người, số tử vong trong 6 tháng đầu năm là 15 người. Lũy tích số người tử vong do HIV/AIDS là 1.780 người. Số xã phát hiện có người nhiễm 103/106 xã.

Hiện số người nhiễm HIV đang quản lý là 1.742 người (trong đó: 1.489 người hiện có mặt trên địa bàn và được theo dõi quản lý; 253 người không thường xuyên có mặt trên địa bàn). Tỷ lệ còn sống/dân số: 0,36%.

Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu cho biết, hiện đường lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn nằm trong nhóm tiêm chích ma túy và lây truyền qua đường tình dục. Do có địa hình hiểm trở, là tỉnh miền núi biên giới điều kiện kinh tế khó khăn so với nhiều địa phương trên toàn quốc với 20 dân tộc sinh sống trên địa bàn… Điều này đã tác động ảnh hưởng đến sự gia tăng tỷ lệ lây nhiễm HIV và nghiện ma tuý trên địa bàn.

Trong thời gian qua, đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn, Lai Châu đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, can thiệp và điều trị, nhằm thay đổi các hành vi trong nhóm nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các Ban ngành đoàn thể trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động lồng ghép các hoạt động truyền thông, đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc điều trị tại 8/8 huyện thị và các xã phường có người nhiễm HIV. Số bệnh nhân hiện đang điều trị ARV tính đến hết tháng 6/2022 là 1.208 bệnh nhân, trong đó số bệnh nhân người lớn điều trị là 1.176 bệnh nhân. Số bệnh nhân trẻ em là 32 trường hợp. So với chỉ tiêu giao năm 2022 (1209 bệnh nhân) đạt 99,9%.

Tuy nhiên, hoạt động can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm HIV như phát bao cao su, bơm kim tiêm 6 tháng đầu năm 2022 lại giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Số phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV trong 6 tháng đầu năm là 2.040 người, đạt 22,7% so với kế hoạch năm 2022...

Do là một tỉnh miền núi thưa dân, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa lũ; trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng...do đó việc can thiệp giảm hại còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, là tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống, ngôn ngữ bất đồng giữa các dân tộc, do đó ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả công tác truyền thông. 

Mặt khác, sự kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn là rào cản lớn làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống HIV/AIDS, tác động trực tiếp đến cuộc sống của người nhiễm HIV/AIDS, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và vật chất của bản thân người nhiễm và gia đình họ và là nguyên nhân làm tăng lây nhiễm HIV.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, mặc dù nhận thức của người dân về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS đã được cải thiện trong thời gian gần đây, nhưng thực hành các hành vi an toàn chưa được tốt. Số người nhiễm HIV sau khi đã biết mình bị nhiễm nhưng vẫn dùng chung bơm kim tiêm hay quan hệ tình dục không an toàn.

Người nhiễm HIV, người nghiện ma túy kinh tế gia đình khó khăn, địa bàn dân cư rộng không tập trung, nhiều bệnh nhân không có phương tiện đi lại làm ảnh hưởng đến tuân thủ điều trị.

Thời gian tới, Lai Châu đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin, giáo dục thông thay đổi hành vi trong nhóm nguy cơ cao, nhất là trong nhóm tiêm chích ma túy đang là nguồn lây chính. Đồng thời, phát huy đội ngũ nòng cốt là đội ngũ cán bộ Y tế các tuyến, đồng thời huy động các ban, ngành tổ chức đoàn thể cùng tham gia. Tập trung chủ yếu cho các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, nhất là các khu vực vùng sâu vùng xa với sự phân công cụ thể cho các ngành phụ trách các địa bàn trọng điểm để tránh chồng chéo các hoạt động.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các công tác can thiệp giảm hại do HIV/AIDS gây ra. Mở rộng chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Duy trì, triển khai chương trình trao đổi bơm kim tiêm và bao cao su tại tất cả các xã/phường có tình hình lây nhiễm HIV/AIDS phức tạp; duy trì mạng lưới hoạt động của đồng đẳng viên tại các xã, phường có triển khai chương trình.

Thùy Chi

}
Top