Lâm Đồng: Kết nối dự phòng, điều trị HIV giữa cơ sở y tế và trại giam

18/03/2024 19:30

(Chinhphu.vn) - Trong năm 2023, dự án đã cấp 7.200 bao cao su để cấp cho đối tượng có hành vi nguy cơ cao. Dự án hỗ trợ 1.000 test xét nghiệm sàng lọc HIV cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng để phân bổ cho một số đơn vị trên địa bàn.

Lâm Đồng: Kết nối dự phòng, điều trị HIV giữa cơ sở y tế và trại giam- Ảnh 1.

Tư vấn điều trị HIV cho bệnh nhân. Ảnh minh họa

Dự án Dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS - kết nối giữa cơ sở y tế và trại giam được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài, do Tổ chức AIDS Heathcare Foundation (AHF/Mỹ) tài trợ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng.

Thời gian thực hiện dự án từ ngày 15/4/2022 - 31/12/2024. Tổng nguồn vốn dự án 2,564 tỷ đồng vốn viện trợ không hoàn lại.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng đã thực hiện ký hợp đồng trách nhiệm với 3 đơn vị là Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng, Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng để thực hiện các chỉ tiêu chuyên môn và kinh phí đã ký kết.

Dự án hỗ trợ kinh phí xăng xe, điện thoại, kết nối thành công ca dương tính để duy trì nhóm giáo dục đồng đẳng tại Đà Lạt và huyện Đức Trọng với 9 đồng đẳng viên.

Hỗ trợ thuốc nhiễm trùng cơ hội và thuốc INH cho bệnh nhân nhiễm HIV tại 3 Phòng khám ngoại trú. Hỗ trợ đồng chi trả 20% cho số bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị ARV tại 3 cơ sở điều trị thuốc kháng HIV.

Trong năm 2023, dự án đã cấp 7.200 bao cao su để cấp cho đối tượng có hành vi nguy cơ cao. Dự án hỗ trợ 1.000 test xét nghiệm sàng lọc HIV cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng để phân bổ cho các đơn vị Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng, Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng phục vụ công tác tư vấn xét nghiệm HIV tai cộng đồng.

Bên cạnh đó, hỗ trợ 400 test xét nghiệm cho phòng xét nghiệm khẳng định HIV; hỗ trợ 2 đợt xét nghiệm sàng lọc HIV cho phạm nhân Trại giam Đại Bình với tổng số 969 mẫu; hỗ trợ kinh phí cho Ban quản lý dự án, các cán bộ của Cơ sở điều trị thuốc kháng HIV tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng, Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng. Tình hình tiếp nhận, giải ngân của dự án này đến 31/12/2023 là hơn 436 triệu đồng.

Theo đánh giá của Sở Y tế Lâm Đồng, thuận lợi của dự án là được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Sở và sự hỗ trợ kinh phí, chuyên môn kỹ thuật, thuốc, bao cao su, tài liệu truyền thông của dự án. Tuy nhiên, còn khó khăn là năm 2023, tổ chức AHF đã cắt mục hỗ trợ xét nghiệm tải lượng virus HIV cho bệnh nhân.

Theo số liệu thống kê, số người nhiễm HIV tích luỹ phân bố khắp cả 12/12 huyện, thành phố thuộc tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, ở thành phố Đà Lạt (585ca), huyện Đức Trọng (329 ca), Lâm Hà (220 ca), thành phố Bảo Lộc (181 ca)…

Số ca nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn đang ở giai đoạn tập trung trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao, đặc biệt là trong nhóm nghiện chích ma túy (31%), quan hệ tình dục khác giới (9.39%), bắt đầu xuất hiện ở các nhóm đối tượng khác như nhóm quan hệ tình dục đồng giới (MSM: 6,72%), nhóm phụ nữ có thai (4,94%), nhóm phụ nữ bán dâm chiếm 1.67%.

Công tác hỗ trợ điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con tiếp tục được triển khai hoạt động tại 3 phòng khám chuyên khoa HIV tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng, Trung tâm Y tế Đức Trọng.

Tổng số bệnh nhân hiện đang được điều trị thuốc kháng HIV là 968 bệnh nhân, trong đó có 12 trẻ em. Hiện tại 3 phòng khám chuyên khoa HIV tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng, Trung tâm Y tế Đức Trọng đã thực hiện khám thông tuyến bảo hiểm y tế, số bệnh nhân nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế là 859/900 bệnh nhân chiếm 95,4%.

Thùy Chi

hiv
}
Top