Làm việc với 2 Bộ về thực hiện pháp luật phòng, chống ma túy và mại dâm
(Chinhphu.vn) - Các bộ, ngành cần nghiên cứu có phương pháp thống kê, theo dõi người nghiện ma túy; đồng thời sớm nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về phòng, chống mại dâm.
Sáng nay 22/8, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh - Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy và phòng, chống mại dâm, Đoàn giám sát đã có cuộc làm việc với Bộ Y tế và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Phức tạp tình trạng xuất hiện nhiều loại ma túy mới và các hình thức mại dâm
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, công tác phòng, chống ma túy hiện nay còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc xác định tình trạng nghiện còn gặp khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện. Chủ tịch UBND cấp huyện chưa giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; rất ít tổ chức, cá nhân đăng ký nên công tác này chưa thực hiện hiệu quả.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ tại các cơ sở cai nghiện thiếu về số lượng; chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP; cơ sở vật chất của các cơ sở cai nghiện tại một số địa phương đã xuống cấp; công tác quản lý sau cai nghiện chưa được quan tâm đầu tư; chưa có nhiều mô hình và giải pháp hiệu quả; khó khăn lớn nhất là thiếu hụt các nguồn kinh phí để phục vụ công tác cai nghiện ma túy.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho rằng cần tăng cường đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực và đầu tư nâng cấp, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị của các cơ sở cai nghiện ma túy công lập và đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Cùng với đó, cần có chính sách trợ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ trong các cơ sở cai nghiện ma túy công lập; chính sách khuyến khích, thu hút tư nhân đầu tư, tham gia vào công tác cai nghiện và hỗ trợ cho người sau cai nghiện ma túy.
Về công tác phòng, chống mại dâm, thời gian qua, Bộ đã phối hợp triển khai các giải pháp tuyên truyền, giáo dục với các giải pháp về kinh tế, xã hội, hành chính, hình sự. Tuy nhiên, hoạt động của các mô hình thí điểm chủ yếu thông qua hình thức tuyên truyền, truyền thông, sinh hoạt nhóm, câu lạc bộ; chưa hình thành hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên biệt dễ tiếp cận. Công tác phối hợp liên ngành về chế độ báo cáo định kỳ của các thành viên còn chậm so với quy định, nội dung báo cáo của địa phương còn sơ sài, chưa đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra, chưa phản ánh toàn diện các hoạt động liên ngành trong công tác phòng chống mại dâm.
Ngoài ra, việc thực hiện trách nhiệm của các cơ quan chức năng chưa hiệu quả nên không đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm. Một số địa phương vẫn tồn tại các tụ điểm, ổ nhóm tội phạm tổ chức hoạt động mại dâm công khai. Nhiều địa phương không được bố trí kinh phí hoặc không cân đối được ngân sách. Từ năm 2021 đến nay, công tác phòng, chống mại dâm không thuộc chương trình mục tiêu, bố trí từ nguồn chi đảm bảo xã hội chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao theo Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định 1629/QĐ-TTg ngày 28/9/2021). Nhiều nhiệm vụ phải thực hiện lồng ghép nên hiệu quả hạn chế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã thực hiện công tác nghiên cứu về các bài thuốc phác đồ điều trị và phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy, đặc biệt với nhóm người cai nghiện ma túy tổng hợp, người nghiện sử dụng đồng thời heroin và ma túy tổng hợp; hỗ trợ về người chuyên môn kỹ thuật y tế để thực hiện công tác cai nghiện ma túy, điều trị nghiện các dạng chất thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Xác định tình trạng nghiện ma túy, tập huấn cấp chứng chỉ giới cán bộ chuyên môn, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện xác định tình trạng nghiện trên toàn quốc.
Đại diện Bộ Y tế nêu rõ, công tác này còn gặp một số khó khăn do sự gia tăng của các loại ma túy mới, nhất là các ma túy dạng kích thích; cán bộ cung cấp dịch vụ thay đổi thường xuyên nên cần nguồn lực và đào tạo liên tục dẫn đến quá tải công việc cho cán bộ y tế. Các dữ liệu về mô hình và hiệu quả các can thiệp điều trị Methadone ở bệnh nhân sử dụng đa ma túy hiện đang thiếu.
Cần đầu tư nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy và mại dâm
Đánh giá về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy, đối với công tác phòng, chống ma túy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan đánh giá cao các bộ, ngành đã kịp thời ban hành các văn bản chi tiết, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Luật Phòng chống ma túy, tích cực thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống ma túy, thống kê người nghiện ma túy, xác định tình trạng nghiện, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan, nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy còn thiếu, nhất là ở cấp cơ sở, đã ảnh hưởng đến công tác quản lý người sau cai nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy... Việc bố trí kinh phí cho công tác phòng chống ma túy còn bất cập, hạn chế, nguồn kinh phí thường xuyên Trung ương không tăng chi cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Nguồn kinh phí đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các địa phương đã phân bổ cho các hạng mục theo kế hoạch do đó nhiều địa phương đề nghị đầu tư hạ tầng cơ sở cai nghiện không được giải quyết.
Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ của địa phương theo phân cấp từ nguồn ngân sách nhà nước hàng năm nhiều nơi không đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ được giao. Bộ máy làm công tác phòng, chống ma túy còn thiếu về số lượng và hạn chế về trình độ chuyên môn.
Về vấn đề phòng, chống mại dâm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, các bộ, ban, ngành, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND các địa phương đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chương trình, kế hoạch để tổ chức, thực hiện quy định của pháp luật trong công tác phòng, chống mại dâm. Việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm ở những địa bàn trọng điểm, vận động quần chúng nhân dân phát hiện, kịp thời phản ánh cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý cũng được các địa phương quan tâm.
Bên cạnh những kết quả đạt được đó, vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như: Sự quan tâm, chỉ đạo công tác phòng, chống mại dâm của một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, vai trò của người đứng đầu chưa được phát huy. Công tác dạy nghề, vay vốn, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người hoạt động mại dâm hoàn lương còn khó khăn. Chế tài xử phạt đối với người bán dâm sau khi bị bắt giữ, chỉ bị phạt tiền, hiệu quả răn đe không cao, hầu hết người bán dâm vẫn tái vi phạm. Kinh phí dành cho hoạt động phòng, chống mại dâm còn thấp.
Phát biểu thảo luận tại cuộc làm việc, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch cho biết, công tác phòng, chống ma túy tại các địa bàn có người dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa có hiệu quả hạn chế, tình hình ma túy ở các khu vực này có diễn biến phức tạp. Vì thế, đại biểu đề nghị các bộ ngành cần quan tâm, chú trọng và làm rõ hơn nữa nội dung này trong báo cáo, đặc biệt cần theo dõi tỷ lệ người nghiện là dân tộc thiểu số từ 12-18 tuổi đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng như tự nguyện.
Đại biểu cũng đề nghị báo cáo cần nêu rõ, đánh giá kỹ lưỡng sự phối hợp giữa cơ quan dân tộc ở cấp tỉnh, cấp huyện với các ngành chức năng trong phòng, chống ma túy, mại dâm. Thêm vào đó, cần nghiên cứu mô hình cai nghiện riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
Tham gia ý kiến về chuyên đề giám sát, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lê Thị Thanh Lam cho rằng, số lượng cơ sở cai nghiện ma túy có phòng y tế bảo đảm chất lượng để xác định tình trạng nghiện còn thấp, trong khi nhu cầu xác định tình trạng nghiện cao. Đại biểu đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế làm rõ hướng phối hợp để giải quyết vấn đề này, đặc biệt là trong việc bố trí đội ngũ y sĩ, bác sĩ thực hiện công tác cai nghiện. Đại biểu cũng cho rằng, cần có giải pháp cụ thể để phát huy hiệu quả hoạt động của đội tình nguyện công tác xã hội về phòng, chống ma túy, mai dâm ở các địa phương.
Tại cuộc làm việc, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm việc với Bộ Công an để thống nhất các số liệu báo cáo, bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Đồng thời, Bộ cũng cần đánh giá rõ hơn thực trạng mại dâm để có được bức tranh tổng thể về vấn đề này, từ đó thiết kế chính sách phù hợp, hiệu quả.
Kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện đối với công tác cai nghiện ma túy và phòng, chống mại dâm, trong đó có vai trò của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế.
Từ những kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống ma túy, mại dâm đã được phân tích tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần sớm nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về Phòng, chống mại dâm, làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp, giải pháp về phòng, chống mại dâm cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện tốt các chính sách về bảo trợ xã hội. Nghiên cứu đề xuất giải pháp tháo gỡ bất cập, khó khăn cho công tác cai nghiện ma túy, đặc biệt là công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, trong việc bố trí được đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ ma túy tại gia đình và cộng đồng.
Về phía Bộ Y tế, cần chủ động rà soát, trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành những văn bản còn vướng mắc, bất cập trong công tác phòng, chống ma túy; rà soát sớm ban hành mẫu bệnh án theo dõi, xác định tình trạng nghiện ma túy, quy định mức giá thu, chi theo dõi, xác định tình trạng nghiện ma túy. Đồng thời nghiên cứu, xem xét bổ sung chức năng, nhiệm vụ của cơ sở y tế công lập cấp xã, cấp huyện có thể tham gia cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện nguyện tại gia đình, cộng đồng.
Vĩnh Hoàng