Liên Hợp Quốc đánh giá cao những đổi mới công tác cai nghiện ma tuý của Việt Nam
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực và những thành tích đã đạt được của Chính phủ Việt Nam trong việc đổi mới công tác điều trị lệ thuộc ma túy.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Ảnh: UN |
Tại Việt Nam, các tổ chức Liên Hợp Quốc đã và đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực từ xây dựng chính sách đến tìm kiếm các phương pháp điều trị hiệu quả về mặt y tế và phù hợp với luật pháp trong việc giải quyết những thách thức do lệ thuộc ma túy gây nên.
Ngoài ra, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cũng đang hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền trong việc phát triển các chương trình can thiệp giảm hại toàn diện cho những người sử dụng ma tuý, bao gồm cả các giải pháp điều trị dựa vào bằng chứng, tự nguyện, tại cộng đồng và phù hợp với các tiêu chuẩn và các công ước quốc tế về nhân quyền.
Chỉ 1/6 người nghiện toàn cầu được tiếp cận với các phương pháp chữa trị
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết, vào ngày 26/6 tới đây, Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) sẽ chính thức công bố Báo cáo Tình hình Ma túy thế giới năm 2018 với chủ đề phụ nữ, thanh niên và người lớn tuổi trong đó sẽ cung cấp các thông tin đầy đủ và cập nhật về những diễn biến quan trọng trên thị trường ma túy toàn cầu. Tuy nhiên, theo Báo cáo Tình hình Ma túy Thế giới năm 2017 trên toàn thế giới đã có tới 250 triệu người - tức là cứ 20 người trong độ tuổi 15-64 trên toàn thế giới lại có 1 người đã sử dụng ma túy bất hợp pháp trong năm 2015.
Đáng lo ngại hơn nữa là trong số những người sử dụng đó thì có 29,5 triệu người, tức là khoảng 0,6% dân số người lớn trên toàn thế giới đã bị lệ thuộc vào ma túy. Cũng trong năm 2015, trên toàn thế giới, ước tính có khoảng ít nhất 190.000 trường hợp bị tử vong do sử dụng ma túy, phần lớn là do sử dụng các chất dạng thuốc phiện.
Báo cáo tình hình ma túy thế giới năm 2017 cũng đưa ra một hiện tượng đáng lo ngại. Đó là, mối liên hệ giữa ma túy, tội phạm và khủng bố. Ngoài ra, trong khi những mối hiểm họa mới xuất hiện như ma túy đá và các chất hướng thần mới thì các loại ma túy truyền thống như thuốc phiện, heroin vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Hình thức kinh doanh cũng phát triển hơn, tinh vi hơn, tội phạm mạng và mạng lưới đen (darknet) cũng ngày càng phát triển…
Theo Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, nghiện ma túy là một vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ, xã hội và kinh tế và nó gây ra một gánh nặng lớn cho những người mắc phải và gia đình của họ. Những người tiêm chích ma tuý cũng có tỷ lệ bị nhiễm HIV, viêm gan C và lao cao hơn. Trên toàn thế giới, việc lạm dụng và buôn bán ma túy bất hợp pháp tiếp tục gây ra những tác động tiêu cực đối với sự phát triển và ổn định của các quốc gia. Ma túy không những chỉ đe dọa sức khỏe và an sinh của người sử dụng mà còn gây ra những khó khăn và đau khổ cho gia đình, người thân.
Mặc dù vậy, hiện nay thống kê trên thế giới cho thấy chỉ có 1/6 người bị nghiện ma tuý trên toàn cầu được tiếp cận với các phương pháp chữa trị, chứng tỏ các dịch vụ điều trị nghiện và các căn bệnh liên quan còn rất hạn chế.
Trừng phạt hay kì thị người nghiện không phải là một giải pháp hữu hiệu
Ông Kamal Malhotra cho biết, hiện nay, vẫn còn nhiều nước mà việc điều trị nghiện chỉ có ở các thành phố lớn mà không có ở vùng nông thôn. Ở nhiều nơi, việc điều trị không hiệu quả, không dựa vào bằng chứng khoa học và đôi khi không tuân theo các nguyên tắc về quyền con người.
Thêm vào đó, những quan điểm lạc hậu về nghiện ma túy như coi việc nghiện là một tệ nạn xã hội và người nghiện là tội phạm vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. Việc kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những người nghiện ma túy và thậm chí với cả những người chữa trị cho họ cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp các can thiệp có hiệu quả ở những khu vực này.
Ông Kamal Malhotra cho rằng: “Chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc tăng cường sự hiểu biết của mọi người về điều trị nghiện. Điều trị nghiện cũng giống như việc chữa trị các bệnh mãn tính khác như tiểu đường hay cao huyết áp, đều đòi hỏi một quá trình điều trị và chăm sóc lâu dài và bền vững, bao gồm cả việc điều trị sức khoẻ tinh thần và hỗ trợ xã hội. Không có một phương pháp chữa trị nào nhanh hay đơn giản cho người lệ thuộc vào ma túy và chúng ta cần đầu tư vào các giải pháp lâu dài dựa trên các bằng chứng khoa học”.
Theo ông Kamal Malhotra, những người lệ thuộc ma túy cũng là con người và chúng ta có thể giúp đỡ họ bằng các phương pháp điều trị tự nguyện, dựa vào bằng chứng khoa học. Trừng phạt hay kì thị những người nghiện không phải là một giải pháp hữu hiệu.
Cam kết mạnh mẽ của Chính phủ của Việt Nam trong công cuộc phòng, chống ma tuý
Đánh giá cao những nỗ lực và thành tích của Chính phủ Việt Nam trong việc đổi mới công tác điều trị lệ thuộc ma túy, ông Kamal Malhotra cho biết, tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về vấn đề ma túy toàn cầu (UNGASS) năm 2016, các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã hoàn toàn thống nhất với một văn bản hội nghị bao gồm hơn 100 khuyến nghị để thực hiện các chuyến lược cân bằng, toàn diện và lồng ghép để có thể giải quyết một cách hiệu quả vấn đề ma túy toàn cầu.
Thêm vào đó, tại phiên họp thứ 60 vào tháng 3/2017, Ủy ban Ma túy của Liên Hợp Quốc cũng đã thông qua nghị quyết 60/1, khẳng định lần nữa cam kết thực hiện văn bản này và phác thảo ra một lộ trình cụ thể để đạt được mục tiêu đến năm 2019 sẽ thực hiện được Tuyên bố Chính trị và Kế hoạch hành động 2009 về vấn đề ma túy toàn cầu.
Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết thực hiện Các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, trong đó có Mục tiêu số 3 là đảm bảo sức khỏe tốt và cuộc sống hạnh phúc cho tất cả mọi người và chỉ tiêu 3.5 là tăng cường công tác phòng, chống và điều trị nghiện chất, bao gồm cả ma túy và lạm dụng đồ uống có cồn. Việt Nam cũng đã cam kết thực hiện Tuyên bố chính trị của Liên Hợp Quốc năm 2016 về kết thúc dịch AIDS, trong đó có cả mục tiêu giảm số ca nhiễm HIV mới do tiêm chích ma tuý. Hiện nay ở Việt Nam cứ 7 người tiêm chích ma tuý thì có 1 người đang phải sống chung với HIV/AIDS và các số liệu gần đây cho thấy rằng con số này có thể đang tăng lên.
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam, hơn 53.000 người sử dụng các chất dạng thuốc phiện đang được tham gia vào chương trình điều trị methadone nhằm kiểm soát đại dịch HIV/AIDS. Mục tiêu đặt ra là có 80.000 bệnh nhân sẽ được điều trị methadone.
Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc mở rộng chương trình methadone hiệu quả trong thời gian vừa qua, trong đó năm 2017 Chính phủ Việt Nam đã đưa vào sử dụng một phần mềm quản lý thông tin mới giúp cho những người cần điều trị có thể tiếp cận chương trình điều trị methadone dễ dàng và linh hoạt hơn. Sắp tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tiến hành đánh giá 10 năm việc thực hiện chương trình điều trị methadone và các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam mong muốn được tham gia vào việc đánh giá này.
Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc nhận thấy cam kết mạnh mẽ của các cấp, các ngành, các đoàn thể của Việt Nam trong công cuộc phòng chống và đấu tranh giúp đỡ người lệ thuộc ma túy và gia đình họ. Tuy nhiên, các bộ ban ngành của chính phủ, cộng đồng, gia đình, trường học, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông cần tiếp tục làm tất cả những gì có thể để nâng cao nhận thức của người dân về những tác hại của ma túy và đồng thời tiếp tục giúp đỡ những người đã bị lệ thuộc vào ma túy.
Lắng nghe trẻ em và thanh thiếu niên
Nói về chủ đề của Ngày quốc tế phòng, chống ma túy năm 2018, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết, năm nay, Liên Hợp Quốc đã lấy chủ đề: "Listen First - Listening to children and youth is the first steps to help them grow healthy and safe", tạm dịch là "Trước tiên hãy lắng nghe - Lắng nghe trẻ em và thanh thiếu niên là bước đầu giúp các em trưởng thành khoẻ mạnh và an toàn".
Theo đó, hãy biết lắng nghe, hãy lắng nghe trẻ em và thanh thiếu niên với tình yêu và sự quan tâm, hãy cung cấp cho các em những kỹ năng và cơ hội, hãy mời các em cùng tham gia giải quyết vấn đề bằng các biện pháp phòng chống dựa vào khoa học.