Long An: Tỉ lệ nhiễm HIV ở nam giới ngày càng tăng
(Chinhphu.vn) - Dịch HIV/AIDS tại Long An hiện có nhiều thay đổi đáng lưu ý, với tỉ lệ nhiễm HIV ở nam giới ngày càng tăng, quan hệ tình dục không an toàn đã trở thành đường lây chính, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam với tỉ lệ tăng từ 12,6% năm 2016 lên 67,5% năm 2024.
Gần 6.700 trường hợp lây nhiễm HIV
ThS Nguyễn Thanh Sơn, Phó trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An cho biết, địa phương đã phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên tại TP Tân An vào ngày 20/6/1993. Sau 31 năm, toàn bộ 15/15 huyện, thị, thành phố với 186/186 xã, phường (100%) đã phát hiện HIV. Tổng số người nhiễm HIV là 6.673 người, trong đó 1.756 người đã tử vong (26,4%), còn 4.917 người nhiễm HIV còn sống, bao gồm 1.449 bệnh nhân ngoại tỉnh.

Tư vấn dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Ảnh: VGP/Tống Nam
Số trường hợp HIV/AIDS phát hiện mới năm 2024 đã giảm đáng kể, chỉ còn 320 ca so với mức đỉnh 572 ca vào năm 2020. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn tập trung cao ở các địa bàn giáp ranh TPHCM, khu công nghiệp, dân cư đông như Đức Hòa (663 ca), Cần Giuộc (398 ca), Bến Lức (396 ca) và Cần Đước (387 ca).
Dịch HIV/AIDS tại Long An hiện nay có nhiều thay đổi đáng lưu ý, với tỉ lệ nhiễm HIV ở nam giới ngày càng tăng, từ 66,9% năm 2009 lên 85,3% năm 2024. Quan hệ tình dục không an toàn đã trở thành đường lây chính, chiếm 98,5% các ca nhiễm mới, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) với tỉ lệ tăng từ 12,6% năm 2016 lên 67,5% năm 2024.
ThS Nguyễn Thanh Sơn cho biết, để ngăn ngừa lây nhiễm mới trên địa bàn tỉnh thì việc duy trì và mở rộng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đặc biệt quan trọng. Hiện nay, tỉnh Long An đã phát triển mạng lưới dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS khá toàn diện, bao gồm dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tại 8 địa điểm trên toàn tỉnh. Năm 2024, đã có 5.644 khách hàng nguy cơ cao được tư vấn và xét nghiệm HIV, phát hiện 306 trường hợp HIV dương tính, chuyển tiếp thành công 296 trường hợp, đạt 96,7%.
Về công tác chăm sóc điều trị HIV/AIDS, trong năm 2024, có 316 bệnh nhân mới và 3.693 bệnh nhân đang điều trị ARV (bao gồm 3.558 bệnh nhân tại 7 OPC và 135 bệnh nhân tại 2 trại giam). Đáng mừng, 99,1% bệnh nhân có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế (<1000 copies/ml máu), trên 95% bệnh nhân đạt K=K (Không phát hiện = Không lây truyền), và 97,0% bệnh nhân điều trị ARV qua bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, địa phương cũng triển khai dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) tại 8 địa điểm, với 1.249 khách hàng mới trong năm 2024, đạt 123,7% kế hoạch, và 1.325 khách hàng đang điều trị, với tỉ lệ duy trì điều trị sau 3 tháng đạt 80,4%.
Đẩy mạnh các hoạt động can thiệp giảm hại trong nhóm nguy cơ cao
Để giảm thiểu lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An đã đẩy mạnh các hoạt động can thiệp giảm hại, hoạt động tiếp cận cộng đồng. Các hoạt động này đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Chính đội ngũ nhân viên cộng đồng tại các địa phương sẽ tiếp cận với những nhóm người có hành vi nguy cơ cao để truyền thông thay đổi hành vi; phân phát những dụng cụ dự phòng lây nhiễm HIV như: Bơm kim tiêm sạch, thu gom bơm kim tiêm đã qua sử dụng, phân phát và hướng dẫn sử biện pháp an toàn tình dục; giới thiệu các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn xét nghiệm tự nguyện, điều trị HIV/AIDS bằng thuốc kháng virut ARV, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, qua đó giúp họ tiếp cận được nhiều hơn với các dịch vụ và các biện pháp can thiệp, giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV.
Tại Long An, từ năm 2021, thông qua Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC) do Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tài trợ, Long An hỗ trợ duy trì hoạt động 4 nhóm cộng đồng tại các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc và TP Tân An. Các tổ chức này đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông tại cộng đồng, trường học, khu công nghiệp, tiếp cận và tư vấn xét nghiệm HIV cho 2.074 khách hàng nguy cơ cao, phát hiện 92 trường hợp HIV dương tính, chuyển gửi điều trị ARV và PrEP, đồng thời phát các sinh phẩm tự xét nghiệm HIV và vật dụng giảm hại.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An đã thành lập nhóm hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ phòng chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế (CAB) với 9 thành viên tự nguyện tham gia, hoạt động tại 5 cơ sở điều trị HIV, PrEP. Đồng thời, 13 nhân viên cộng đồng đang hỗ trợ tại 7 cơ sở điều trị ARV, PrEP, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ khách hàng tuân thủ điều trị, truyền thông về K=K, xét nghiệm HIV cho bạn tình/bạn chích và hỗ trợ bệnh nhân tái khám đúng hẹn.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Long An vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Nhân lực cho phòng chống HIV/AIDS biến động, giảm về số lượng và chất lượng. Thông tư 26/2018/TT-BTC hết hiệu lực, chưa có văn bản quy định định mức chi mới cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Trên 90% kinh phí cho hoạt động phòng chống AIDS tại tỉnh là từ nguồn viện trợ từ các dự án như EPIC, QTC, AHF. Sự tham gia của các tổ chức cộng đồng phụ thuộc nhiều vào các dự án viện trợ, tính bền vững chưa cao. Dịch HIV tập trung trong nhóm MSM trẻ tại các khu công nghiệp, trường học nên rất khó tiếp cận và can thiệp. Khách hàng dưới 18 tuổi khó tiếp cận dịch vụ điều trị ARV/PrEP do cần người giám hộ, và tỉnh chưa có cơ sở điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai.
Năm 2025, Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn tỉnh; Sở Y tế cùng với các sở ngành, mong muốn các tổ chức cộng đồng, dự án ECLIPSE - Dự án "Tăng cường sự hợp tác, kết nối và năng lực về chương trình HIV để tiến tới kiểm soát dịch bệnh một cách bền vững giai đoạn 2021 - 2026", sẽ tiếp tục hỗ trợ duy trì và nâng cao năng lực mạng lưới tiếp cận cộng đồng; một số can thiệp về Phòng chống AIDS tại khu công nghiệp, trường học cùng các hoạt động, mô hình sáng tạo, mở rộng truyền thông, vận động nhóm trẻ tuổi, nhóm cộng đồng tham gia các dịch vụ Phòng chống HIV/AIDS; hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 tại Việt Nam.
Tống Nam