Lực lượng tinh nhuệ trong cuộc chiến phòng chống ma tuý

23/02/2022 13:13

(Chinhphu.vn) - Căn cứ tình hình hoạt động của tội phạm ma tuý ở các địa phương, ngày 11/10/1997, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định thành lập Phòng, Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma tuý thuộc Công an một số tỉnh, thành phố quan trọng.


Lực lượng tinh nhuệ trong cuộc chiến phòng chống ma tuý - Ảnh 1.

Công an tỉnh Lạng Sơn, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã mật phục, bắt quả tang đối tượng Lộc Văn Cát (SN 1988, trú tại xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) đang vận chuyển 246kg ma túy đá qua biên giới sang Trung Quốc tiêu thụ

Mốc son quan trọng

Theo đó, thành lập Phòng Cảnh sát phòng, chống ma tuý trực thuộc Giám đốc Công an ở 42 tỉnh, thành phố; trong đó các tỉnh biên giới Việt - Trung, phần lớn các tỉnh biên giới Việt - Lào, các Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và một số địa phương trên 9 tuyến và cụm địa bàn trọng điểm đều thành lập Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma tuý; các địa phương còn lại thành lập Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma tuý thuộc Phòng Cảnh sát hình sự.

Tháng 1/1998, Bộ Công an thành lập Văn phòng Thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy nhằm tăng cường lực lượng thực hiện công tác tham mưu các nhiệm vụ phòng, chống ma túy. Năm 1999, Bộ Công an cho phép Trường Đại học Cảnh sát nhân dân (nay là Học viện Cảnh sát nhân dân) thành lập Bộ môn Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma tuý (sau này là Khoa Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma túy) đào tạo học viên theo chuyên ngành này để tiến tới có lượng cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về phòng, chống ma tuý bổ sung cho Cục và Công an các địa phương.

Năm 2004, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự ra đời và đi vào thực hiện đã đánh dấu bước chuyển đổi quan trọng của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy. Theo đó, đổi tên Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy thành Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, chuyển Phòng Hướng dẫn và điều tra tội phạm về ma túy về Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy.

Cuối năm 2005, hệ thống tổ chức của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy cơ bản được hoàn thiện ở ba cấp: Cục (Bộ Công an) đến các Phòng (Công an các tỉnh, thành phố) và các Đội, Tổ (ở Công an các quận, huyện, thị xã).

Cục có 6 Phòng, một bộ phận thường trực tại Thành phố Hồ Chí Minh, 4 Đội trinh sát tuyến tại 4 khu vực trọng điểm Điện Biên, Mộc Châu (Sơn La), Vinh (Nghệ An) và Tây Ninh. Các địa phương, thành phố thành lập Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy với và Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma tuý.

Đây là đội ngũ cán bộ nòng cốt được đào tạo cơ bản, có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm ma túy nói riêng. Về cơ bản đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có phẩm chất đạo đức tốt, hăng say với công việc. Nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề đòi hỏi lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phải phấn đấu vươn lên không ngừng về mọi mặt, đủ sức làm nòng cốt, chủ công cùng các lực lượng khác ngăn chặn có hiệu quả, từng bước đẩy lùi tình hình phức tạp, tiến tới loại bỏ tội phạm và tệ nạn ma tuý ra khỏi đời sống xã hội.

Xây dựng hành lang pháp lý phòng, chống ma tuý

Sau ngày thành lập, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trong cả nước đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ và các cấp, các ngành ban hành hàng trăm văn bản hướng dẫn, chỉ đạo trên tất cả các mặt của công tác phòng, chống ma túy.

Trong đó, tham mưu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 1999, phần tội phạm về ma túy được sửa đổi chặt chẽ hơn về mặt khoa học hình sự, phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm về ma túy (từ Điều 192 đến Điều 201).

Tiếp tục tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống ma túy, ngày 9/12/2000, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2001), gồm 8 Chương, 56 Điều. Luật Phòng, chống ma túy là cơ sở pháp lý vững chắc giúp lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ma túy. Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành nhiều Nghị định và Thông tư hướng dẫn về công tác phòng, chống tội phạm ma túy.

Lực lượng tinh nhuệ trong cuộc chiến phòng chống ma tuý - Ảnh 2.

Lực lượng Hải Quan và Công an phối hợp bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Hồng Hà (sinh năm 1976, trú Sơn Lĩnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh) khi đang vận chuyển 98 kg ma túy được cất giấu trong 5 pho tượng gỗ, có cài định vị

Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống ma túy và huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, trước đó ngày 25/8/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 686/TTg về việc thành lập Uỷ ban quốc gia phòng, chống ma tuý.

Ngày 5/6/2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 61/2000/QĐ-TTg (thay thế Quyết định 686/TTg ngày 25/8/1997) thành lập Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS và ma túy, mại dâm do Phó Thủ tướng làm Chủ tịch; 4 Phó Chủ tịch là Bộ trưởng các Bộ Công an, Y tế, Lao động, Thương binh xã hội, Uỷ viên thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 18 uỷ viên là lãnh đạo các bộ ngành; đồng thời Chính phủ quyết định lấy tháng 6 hàng năm là “Tháng hành động phòng chống ma túy” và ngày 26/6 là “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy”; phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm các giai đoạn 1998 - 2000, 2001 - 2005.

Đặc biệt, Nghị định số 99/NĐ-CP ngày 27/11/2002 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục, thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý thuộc lực lượng CAND, gồm 8 Chương, 22 Điều. Đây là lần đầu tiên, các biện pháp nghiệp vụ bí mật của lực lượng CAND được quy định khá toàn diện trong một văn bản quy phạm pháp luật; trong đó quy định đầy đủ, cụ thể về các biện pháp nghiệp vụ trinh sát cần thiết trong đấu tranh với các tội phạm về ma túy (Chương 3 của Nghị định 99).

Lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy đã chủ động nắm tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm ma túy; tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, trong các cơ quan, xí nghiệp, trường học và gia đình về tác hại của ma túy, về quan điểm xử lý tội phạm ma túy của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao ý thức pháp luật, ngăn chặn sự xâm nhập của ma túy; coi trọng công tác phát động phong trào quần chúng tham gia đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy; động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện cho quần chúng tham gia phát hiện, tố giác, truy bắt các đối tượng phạm tội ma túy.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chủ động xây dựng và triển khai ký kết 16 Quy chế, Kế hoạch phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành nhằm tạo thế trận tổng lực trong phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy.

Theo ANTĐ

Top