Mại dâm biến tướng dưới hình thức ‘hợp đồng’ ngày càng phổ biến

13/08/2022 07:48

(Chinhphu.vn) - Mại dâm biến tướng dưới hình thức “hợp đồng”, nhận con nuôi, bố nuôi (sugar baby- sugar dady) ngày càng phổ biến. Mại dâm “núp bóng” mạng internet, mạng xã hội, các diễn đàn, nhóm kín…cũng gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng.

Mại dâm biến tướng dưới hình thức ‘hợp đồng’ ngày càng phổ biến - Ảnh 1.

Công an Đắk Lắk kiểm tra nhà nghỉ, kiêm quán massage Đại Hùng 2 (ở đường 30/4, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột), bắt quả tang 4 cô gái đang có hành vi bán dâm, kích dục cho khách vào ngày 9/8

Tệ nạn mại dâm có xu hướng tăng trở lại sau khi COVID-19 được kiểm soát

Theo Bộ LĐTB&XH, trong những tháng đầu năm 2022, do thực hiện biện pháp giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ dễ phát sinh hoạt động mại dâm phải tạm dừng hoạt động đã hạn chế đáng kể điều kiện, khả năng hoạt động mại dâm.

Tuy nhiên, từ quý II/2022 đến nay, các địa phương đã hết thực hiện giãn cách xã hội, tệ nạn mại dâm có xu hướng tăng trở lại. Mại dâm theo tour du lịch vẫn diễn biến phức tạp. Mại dâm biến tướng dưới hình thức "hợp đồng", nhận con nuôi, bố nuôi (sugar baby- sugar dady) ngày càng phổ biến.

Các đối tượng môi giới mại dâm, khiêu dâm, kích dục… sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, kín đáo thông qua mạng internet, mạng xã hội, các diễn đàn, nhóm kín gây nhiều khó khăn trong việc quản lý và kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Tình trạng người Việt Nam ra nước ngoài hoạt động mại dâm đã có dấu hiệu hoạt động trở lại. Nhiều đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ của một số phụ nữ Việt Nam, lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt đưa ra nước ngoài bán dâm.

Theo báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước ước tính có 8.808 người bán dâm. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn do tính di biến động và trá hình của hoạt động mại dâm.

Toàn quốc hiện có 126.883 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm (tăng 1,12 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó: 77.556 cơ sở lưu trú, 16.245 cơ sở karaoke và mát xa, 688 vũ trường, 54 quán bar, 32.340 các loại hình khác (cắt tóc, gội đầu, nhà hàng ăn uống, cơ sở spa…).

Hoạt động mại dâm trá hình trong các cơ sở dịch vụ này vẫn khó kiểm soát, đặc biệt trong các khách sạn lớn, các cơ sở kinh doanh 100% vốn đầu tư nước ngoài, vũ trường, quán bar, cơ sở dịch vụ karaoke, massage...

Bên cạnh đó, theo ông Trần Ngọc Túy, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH), hiện nay công tác phòng chống mại dâm vẫn đang gặp một số khó khăn do việc nắm tình hình của các cơ quan chức năng ở một số địa phương trọng điểm còn chậm, chưa đề xuất, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc giải quyết, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, triệt để đối với những địa bàn có tụ điểm phức tạp về mại dâm.

Việc triển khai mô hình thí điểm chưa bảo đảm khẳng định được kết quả, hiệu quả theo định hướng mục tiêu do các nội dung thực hiện chủ yếu tập trung cho hoạt động tuyên truyền, tập huấn, chưa thực hiện được việc kết nối, cung cấp, chuyển gửi các dịch vụ hỗ trợ hoà nhập cộng đồng, đặc biệt các hoạt động về vay vốn, dạy nghề, tìm việc làm cho người bán dâm.

Hơn nữa, nguồn lực dành cho công tác phòng, chống mại dâm chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, nhiều nhiệm vụ chỉ được thực hiện lồng ghép hoặc trong một thời điểm nên hiệu quả hạn chế. Nhiều địa phương không cân đối được ngân sách và không bố trí kinh phí cho công tác thực hiện duy trì mô hình.

Lấy phòng ngừa là chính, hỗ trợ người bán dâm hoàn lương

Trong thời gian qua, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) đã tích cực  tham mưu cho Bộ LĐTB&XH chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác phòng, chống mại dâm năm 2022 cho các bộ, ngành, địa phương, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xóa bỏ các định kiến, kỳ thị đối với người bán dâm.

Bên cạnh đó, Cục tiếp tục hướng dẫn xây dựng thí điểm mô hình, can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cho người bán dâm.

Các mô hình theo Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 đã được nhiều địa phương xây dựng triển khai. Cụ thể, 21 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã tổ chức triển khai và duy trì 114 điểm mô hình can thiệp theo 3 mô hình, trong đó, có 12 địa phương tổ chức xây dựng mô hình tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực của người bán dâm trong tiếp cận truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng chống bạo lực giới, 9 địa phương triển khai mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng và trung tâm công tác xã hội, 17 địa phương triển khai mô hình nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm.

Theo ông Trần Ngọc Túy, các bộ, ngành, ngành cần tiếp tục rà soát, đánh giá và đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; thực hiện các nghiên cứu nhằm đưa ra những đề xuất, sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh phòng, chống mại dâm.

"Chúng ta cũng cần nghiên cứu, đánh giá, dự báo về nhu cầu của người bán dâm có khó khăn về tài chính, thanh niên chưa có việc làm, người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh mại dâm nhằm đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình có liên quan tại địa bàn cơ sở", ông Trần Ngọc Túy cho hay.

Tới đây, Cục phòng chống tệ nạn xã hội sẽ thực hiện các hoạt động can thiệp, hỗ trợ trong phòng, chống mại dâm, xây dựng các tài liệu, hướng dẫn hình thành mạng lưới cung cấp dịch vụ, các gói dịch vụ; hỗ trợ kỹ thuật xây dựng mô hình thí điểm ở một số địa phương.

Đồng thời nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số giám sát, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm 2021-2025; quy chế phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống mại dâm cũng như tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành về thực hiện công tác phòng, chống mại dâm tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm...

Hoàng Giang

Top