Mô hình nhân văn 'chuyển gửi' với người tham gia cai nghiện ma túy

04/11/2022 16:52

(Chinhphu.vn) - Kể từ khi mô hình hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy được chính thức triển khai hoạt động tại Hà Nội, đến nay đã có hàng trăm người nghiện ma túy được tiếp cận, tư vấn và chuyển gửi trên địa bàn.

Mô hình nhân văn 'chuyển gửi' với người tham gia cai nghiện ma túy - Ảnh 1.

Mô hình tạo cảm giác thân thiện, giúp người nghiện ma túy dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ điều trị nghiện ma tuý và phục hồi toàn diện tại cộng đồng - ẢNh: VGP/Hoàng Giang

Mô hình có sự tham gia của lực lượng thi hành pháp luật, cụ thể là công an các cấp phường xã tham gia vào mô hình không chỉ dưới cương vị hành chính mà còn dưới vai trò là người hỗ trợ, khiến cho mô hình mang điểm mới đó là sự thân thiện đối với người sử dụng/nghiện ma tuý tại cộng đồng - điều này rất quan trọng trong việc khuyến khích họ tiếp cận với các dịch vụ tư vấn và điều trị phù hợp với mong muốn, nhu cầu của từng cá nhân.

Từ đó, mô hình sẽ cùng lúc giúp thúc đẩy các dịch vụ điều trị tự nguyện tại cộng đồng được phát triển và nhân rộng một cách chuyên nghiệp, bài bản, góp phần tạo điều kiện hơn nữa giúp người sử dụng ma tuý cũng như cộng đồng dân cư được tư vấn và tháo gỡ được các vấn đề liên quan đến sử dụng ma tuý trong bối cảnh phức tạp như hiện nay.

Thúc đẩy các dịch vụ điều trị tự nguyện tại cộng đồng

Hà Nội là địa phương đầu tiên triển khai thí điểm mô hình này. Sau khi khảo sát địa bàn, các quận, huyện đã lựa chọn phường, xã còn phức tạp về tệ nạn ma túy, có nhiều người nghiện ma túy hơn các địa phương khác, địa điểm thuận lợi cho việc đi lại, cơ sở vật chất, nhân lực đáp ứng cơ bản yêu cầu để thực hiện thí điểm.

Các địa bàn được lựa chọn gồm: quận Long Biên 3 phường: Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Bồ Đề; quận Nam Từ Liêm 3 phường: Xuân Phương, Cầu Diễn, Mỹ Đình 1; quận Hoàn Kiếm 4 phường: Lý Thái Tổ, Hàng Buồm, Phúc Tân, Chương Dương; quận Hai Bà Trưng 1 phường: Nguyễn Du; quận Cầu Giấy 1 phường: Mai Dịch; quận Thanh Xuân 1 phường: Hạ Đình; huyện Thanh Trì 1 xã: Vĩnh Quỳnh.

Có mặt tại “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma tuý tại cộng đồng” phường Bồ Đề (Long Biên), anh N.H.Q, bệnh nhân điều trị nghiện tại cơ sở tỏ ra rất phấn khởi. Theo anh, chương trình này thực sự tốt, bởi anh sẽ không phải chịu sự gò bó, ép buộc như ở trong các cơ sở cai nghiện. Mô hình tạo cảm giác thân thiện cho người cai nghiện, vừa dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ điều trị, cai nghiện ma tuý vừa phục hồi toàn diện tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, anh còn được ở cùng gia đình, được sự động viên hỗ trợ của người thân giúp anh có động lực và nghị lực cai nghiện. Đặc biệt, tham gia mô hình này, anh Quân vẫn có thể vừa cai nghiện vừa có thể đi làm.

Ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTB&XH Hà Nội) cho biết, quá trình bước đầu triển khai về lựa chọn địa điểm, cơ sở vật chất, ban đầu còn gặp một số khó khăn nhưng được sự chỉ đạo quyết liệt của UBND các quận huyện, sự vào cuộc, theo sát của Phòng LĐTB&XH và chính quyền cơ sở nên chỉ trong một thời gian ngắn 14/14 phường, xã đều chuẩn bị, đáp ứng yêu cầu để đảm bảo triển khai mô hình tại địa phương.

Tại cấp phường đã có sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các ngành Y tế, LĐTB&XH, Công an, Tư pháp trong việc cung cấp danh sách người nghiện, hỗ trợ chuyển gửi khách hàng làm các thủ tục pháp lý, tư vấn, điều trị bệnh, điều trị cai nghiện ma túy. Công tác tiếp nhận, vận động, tư vấn cho khách hàng có sự phối hợp, tham gia hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ tư vấn các cơ sở cai nghiện ma túy, Đội công tác xã hội tình nguyện.

Năm 2019, mô hình được triển khai tại 6 phường thuộc quận Long Biên và Nam Từ Liêm. Các đơn vị đã tiếp cận, chuyển gửi được 177 khách hàng.

Năm 2020, mô hình triển khai tại 14 phường, xã thuộc 7 quận, huyện. Trong năm các đơn vị đã tiếp cận và chuyển gửi 280 khách hàng, nâng tổng số khách hàng được tư vấn, chuyển gửi lên 457 người.

Năm 2021, 14 phường, xã tiếp tục duy trì hỗ trợ khách hàng cũ năm 2020 chuyển sang và tiếp nhận mới 192 khách hàng. 5 tháng đầu năm 2022, 14 Điểm tư vấn tiếp tục duy trì thực hiện các hoạt động chuyên môn, hỗ trợ khách hàng cũ và tiếp nhận mới 41 người.

Tổng số khách hàng đã tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ tính từ ngày 01/01/2019 đến ngày 14/5/2022 là 690 người. Tổng số lượt tư vấn là trên 2.270 lượt; tiếp nhận, sàng lọc và can thiệp ngắn 576 người; hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế 210 người; chuyển gửi điều trị cai nghiện ma túy 368 người; hỗ trợ pháp lý 101 người; tư vấn chuyển gửi dịch vụ hỗ trợ học nghề 10 người; hỗ trợ tạo việc làm 15 người; hỗ trợ lương thực 234 suất; hỗ trợ kinh phí điều trị Methadone 42 người.

Theo ông Phùng Quang Thức, khách hàng có nguy cơ cao khi được tiếp nhận đến Điểm tư vấn được sàng lọc, đánh giá thực trạng về mức độ sử dụng, nghiện ma túy, trầm cảm. Thông qua tư vấn, đồng thời dựa trên kết quả sàng lọc nguy cơ, mức độ nghiện ma túy của khách hàng, cán bộ các Điểm tư vấn đã hỗ trợ khách hàng xây dựng kế hoạch điều trị cai nghiện ma túy hoặc kết nối, chuyển gửi đến các cơ sở cung cấp dịch vụ phù hợp theo nhu cầu và các vấn đề khách hàng đang gặp phải để kịp thời được hỗ trợ giải quyết.

Ngoài công tác tư vấn cá nhân, gia đình, hàng tháng các Điểm tư vấn tổ chức sinh hoạt nhóm để theo dõi duy trì điều trị, phục hồi của từng khách hàng với nhiều nội dung phong phú, sát thực tế như kỹ năng ứng phó với cơn thèm nhớ, kỹ năng để giữ sạch, các biện pháp phòng, chống tái nghiện; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ khó khăn, tạo động lực để khách hàng tiến bộ.

Không chỉ tư vấn ngay tại trụ sở phường, những tình nguyện viên trong mô hình còn thường xuyên xuống tận gia đình người nghiện để động viên, quan sát và trực tiếp hỗ người nghiện để kịp thời người đưa nghiện tới các cơ sở điều trị ma túy, bệnh viện điều trị tâm thần, khám chăm sóc bệnh và các hỗ trợ tâm lý xã hội khác. Tất cả với mục đích cao nhất là giúp người nghiện cai nghiện thành công, giảm tỷ lệ tái nghiện và tái phạm tội có liên quan đến ma túy.

"Đây là một mô hình nhân văn. Trước đây, việc điều trị nghiện thường là phải cưỡng chế, sử dụng biện pháp hành chính là chủ yếu. Theo nguyên lý điều trị cai nghiện, chúng ta không quá coi trọng một mô hình nào mà phải có nhiều cách để tiếp cận cho nhiều đối tượng. Mục tiêu cuối cùng là mang hiệu quả xã hội", ông Phùng Quang Thức bày tỏ.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ xây dựng một Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội liên quan đến công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng và sẽ lồng ghép nội dung về mô hình hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy để triển khai có hiệu quả hơn.

Hoàng Giang

}
Top