Mở rộng thành công việc triển khai PrEP ở Indonesia
(Chinhphu.vn) - Trong khi số người mới nhiễm HIV ở Indonesia giảm 3,6% vào năm 2021 xuống còn khoảng 27.000 người, nước này vẫn là một trong những nước có số người mới nhiễm cao nhất ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương.
Việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm hay sử dụng PrEP đã mang lại hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa lây nhiễm HIV ở Indonesia. Do đó, việc cung cấp thuốc cho các nhóm người dễ bị tổn thương nhất là ưu tiên hàng đầu của quốc gia này.
"Trước đây, một khách hàng đã tôi hỏi về PrEP và tôi đã tìm kiếm thông tin về nó. Tôi rất vui vì khóa đào tạo về PrEP đã cho phép tôi có những thông tin toàn diện mà sau đó tôi có thể chia sẻ điều nay với những người khác ", Temmy - một nhân viên tiếp cận cộng đồng đã tham gia khóa đào tạo ở Bekasi cho biết.
PrEP đã được triển khai tại Indonesia vào năm 2021 như một dự án thí điểm nhằm cung cấp một lựa chọn dự phòng HIV mới có thể thuận tiện hơn cho những người có nguy cơ nhiễm HIV và giảm các ca nhiễm HIV mới trong các nhóm dân cư chính như mại dâm, đồng tính nam và những người đàn ông khác người có quan hệ tình dục với nam giới. Chương trình này bắt đầu ở 12 quận, trước khi mở rộng ra 21 quận vào năm 2022 ở Indonesia, với mục tiêu thu hút 7.000 người tham gia sử dụng PrEP.
Là một phần của việc mở rộng, một đợt huấn luyện thứ hai đã được tiến hành vào tháng 8 tại 9 thành phố ở Indonesia, gồm: Bogor City, Bogor Regency, Depok, Bekasi, Tangerang, Batam, Balikpapan, Samarinda và Sidoarjo. Hơn 120 nhà cung cấp dịch vụ đến từ 24 bệnh viện và 47 nhân viên tiếp cận cộng đồng từ các cộng đồng địa phương đã tham gia.
Tập huấn PrEP cho các nhà cung cấp dịch vụ y tế và nhân viên tiếp cận cộng đồng do Bộ Y tế Indonesia phối hợp với Quỹ Kerti Praja, Đại học Padjajaran và Mạng lưới MSM-TG quốc gia (GWL-INA) thực hiện. Chương trình này được hỗ trợ bởi các nhà tài trợ, bao gồm Quỹ Toàn cầu chống AIDS, Lao và Sốt rét, USAID-PEPFAR và Bộ Ngoại giao và Thương mại của Chính phủ Australia (DFAT).
"Chỉ còn chưa đầy một thập kỷ nữa là đạt được mục tiêu chấm dứt AIDS vào năm 2030, chúng ta phải ưu tiên các nỗ lực mở rộng các chương trình phòng ngừa kết hợp, chẳng hạn như PrEP. Việc thí điểm PrEP là rất quan trọng để khởi động chính sách và phát triển chương trình về PrEP ở Indonesia. Việc tiến hành đào tạo cho các nhà cung cấp dịch vụ và nhân viên tiếp cận cộng đồng là một phần không thể thiếu trong quá trình triển khai thí điểm nhằm đảm bảo đủ năng lực cung cấp dịch vụ PrEP cho các cộng đồng có nhu cầu", Krittayawan Boonto, Giám đốc Quốc gia UNAIDS tại Indonesia, cho biết.
Các buổi đào tạo PrEP tại Indonesia được tổ chức trong 2 ngày và bao gồm các cuộc thảo luận giữa các nhà cung cấp dịch vụ và nhân viên tiếp cận cộng đồng. Mục đích là trang bị và nâng cao năng lực của các nhà cung cấp dịch vụ và nhân viên tiếp cận để cung cấp các dịch vụ PrEP chất lượng tốt.
"Khóa đào tạo PrEP đã nâng cao kiến thức của tôi về các phương pháp thay thế để ngăn ngừa HIV. Sau khóa đào tạo này, văn phòng dịch vụ y tế của chúng tôi hiện có thể cung cấp phương pháp phòng chống HIV mới này cho khách hàng. Chúng tôi hy vọng rằng điều này sẽ góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm mới. Nhờ khóa đào tạo này, tôi đã trở nên tự tin hơn trong việc cung cấp các dịch vụ PrEP trong tương lai", bác sĩ Elly từ Lambuk Baja, tỉnh Batam cho biết.
Không giống như loạt buổi đào tạo đầu tiên, lần thứ hai được thực hiện trực tiếp và mức độ tương tác cao hơn nhiều. Sự nhiệt tình cũng dẫn đến việc theo dõi tích cực hơn sau khóa đào tạo. Một trong những trung tâm y tế ở Thành phố Bogor bắt đầu cung cấp dịch vụ PrEP vài ngày sau khi kết thúc khóa học. Họ cũng trực tiếp tiếp cận cộng đồng về lợi ích của PrEP và trong vòng một tháng, mức độ tiếp nhận PrEP đã tăng lên 15%.
"Cũng như tất cả các khía cạnh của ứng phó với HIV, cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của việc triển khai PrEP. Sự đóng góp của cộng đồng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thực hiện thí điểm ở Indonesia, vì các cộng đồng dân cư chính có nguy cơ lây nhiễm HIV cao là những người hưởng lợi chính của chương trình ", Muhammad Slamet, Điều phối viên Quốc gia của mạng lưới MSM-TG cho biết.
Vĩnh Hoàng (theo UNAIDS)