Một tương lai trung lập về HIV
(Chinhphu.vn) - Năm 2021 đánh dấu 40 năm kể từ khi phát hiện ra virus HIV và bệnh AIDS - căn bệnh mà chúng ta vẫn đang phải đối phó cho đến ngày nay. Trong khi những tiến bộ y tế trong nghiên cứu, phòng ngừa và điều trị đã làm thay đổi cuộc sống của những người sống chung với HIV, thì sự kỳ thị vẫn còn là trăn trở của toàn nhân loại.
Các tổ chức cộng đồng sáng tạo poster truyền thông về thông điệp HIV Status Neutral (tình trạng trung lập về HIV) trong khuôn khổ tại trợ từ Đại học y Hà Nội/US.CDC - Ảnh: Tống Nam
Chúng ta không thể thay đổi lịch sử 40 năm qua, nhưng chúng ta có thể tiến tới một tương lai mà HIV không phải là yếu tố định danh một ai đó. Tương lai đó bắt đầu với cách tiếp cận trung lập về điều trị và phòng ngừa HIV.
“Không phát hiện bằng không lây truyền (K = K)” và “Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP)” trên toàn cầu đã trở thành những yếu tố quan trọng trong các chương trình điều trị và phòng ngừa HIV trong thập kỷ qua. Gần đây, một cách tiếp cận “tình trạng trung lập” đối với HIV đã được đề xuất như một cách để thay đổi các mô hình thông điệp và lập trình về điều trị và phòng ngừa HIV.
Phương pháp tiếp cận tình trạng trung lập bắt đầu bằng xét nghiệm HIV, sau đó là sự tham gia tích cực của người đó bất kể tình trạng nhiễm HIV của họ. Những người có kết quả xét nghiệm HIV dương tính sẽ được điều trị ARV ngay, trong khi những người có kết quả xét nghiệm HIV âm tính cũng được tham gia ngay vào PrEP hoặc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP), hình dung rằng sự phân chia “HIV” trên lâm sàng hoặc ngoài cộng đồng, xã hội là không tồn tại. Cả người nhiễm HIV và người âm tính với HIV liên tục được chăm sóc lâm sàng với nguy cơ lây truyền hoặc lây nhiễm HIV xuống đến mức thấp nhất. Khi đó chúng ta có thể hiểu rằng, tình hình dịch HIV đã trong tầm kiểm soát. Bao cao su tiếp tục là một phần quan trọng trong chương trình để ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STIs) và mang thai bất kể tình trạng nhiễm HIV.
Điều đó có nghĩa là gì?
Tình trạng Trung lập là một cách tiếp cận mới để giáo dục, xét nghiệm và điều trị HIV, nhấn mạnh đến việc chăm sóc liên tục cho dù tình trạng nhiễm của họ là gì. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi người, ngay từ đầu họ đã được tiếp cận, chăm sóc bình đẳng như nhau. Nó bắt đầu với một xét nghiệm HIV - và, bất kể kết quả như thế nào, đều đưa cá nhân vào một trong hai con đường: “Phòng chống HIV” và “Điều trị HIV” để hỗ trợ sức khỏe của mọi người bất kể tình trạng.
Sức mạnh của nó nằm ở việc tạo ra một chuỗi chăm sóc liên tục để giải quyết dịch HIV. Và kết thúc với cùng một mục tiêu: ngăn chặn sự lây truyền tiếp theo của virus và chấm dứt sự kỳ thị vẫn còn quá phổ biến đối với những người đang sống chung với HIV đến tận ngày nay.
Cách tiếp cận tình trạng trung lập nghe có vẻ đơn giản dễ hiểu và không quá khó để thực hiện ở các quốc gia hướng đến mục đích chấm dứt đại dịch HIV. Tuy nhiên, việc thực hiện cách tiếp cận này sẽ cần sự thấu hiểu lẫn nhau cũng như các cam kết và nỗ lực đồng bộ từ người dân, các nhà cung cấp dịch vụ liên quan đến HIV và các nhà hoạch định chính sách.
Nhóm Famiy Thái Nguyên tổ chức truyền thông về tình trạng trung lập về HIV cho các cán bộ y tế và bệnh nhân đang điều trị tại phòng khám ngoại trú - Ảnh: Tống Nam
Việt Nam - không để mình lại phía sau!
Khoa học phòng ngừa đã tiến rất xa với PEP - dự phòng sau phơi nhiễm, và PrEP - dự phòng trước phơi nhiễm. Cả hai đều có tác dụng ngăn chặn sự lây lan của HIV ở hai thời điểm lây truyền: trước khi bạn có thể bị phơi nhiễm với virus (trước) và sau khi phơi nhiễm (sau). Cùng với việc sử dụng các biện pháp như bao cao su hoặ cắt bao quy đầu, khả năng lây truyền sẽ giảm tối đa.
Đối với những người nhiễm HIV, việc điều trị cũng đạt được những bước tiến tương tự. Thông qua những tiến bộ trong các loại thuốc kháng virus giúp ngăn chặn tác động của vi-rút đối với cơ thể, ngày nay nhiều người có thể trở nên “không thể phát hiện được” - có nghĩa là một cá nhân có mức độ vi-rút trong máu của họ luôn ở mức không thể nhận thấy khi xét nghiệm. Khi ai đó “không thể phát hiện được”, họ không thể truyền HIV cho (các) bạn tình của mình.
Việt Nam vẫn là một quốc gia đi đầu trong việc cam kết 90-90-90 trên thế giới. Trong 3 mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS, Việt Nam đã về đích ngoạn mục với 96% người bệnh điều trị thuốc ARV được xét nghiệm có kết quả tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế (<1000 bản sao/ml máu) và gần 95% có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện (<200 bản sao/ml máu), không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình âm tính. Trong khi đó chương trình phổ cập PrEP đã được 28 tỉnh thành, và dự kiến sẽ mở rộng trên toàn quốc.
Bà Caryn R. McClelland, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng: “Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong các hoạt động K=K do đã sớm đưa các phát hiện này vào các chính sách và chương trình quốc gia. Việt Nam được đánh giá là có tỷ lệ ức chế virus HIV thuộc hàng cao nhất thế giới”.
Chúng ta vui mừng rằng Việt Nam cũng đã khởi động chương trình truyền thông về Tình trạng trung lập về HIV. Khởi đầu bằng việc kêu gọi các sáng kiến truyền thông về HIV Status Neutral do Đại học Y Hà Nội, dưới sự tài trợ của US.CDC. Với 11 sáng kiến, 11 ý tưởng truyền thông phổ cập về Tình trạng trung lập về HIV do chính các tổ chức dựa vào cộng đồng sáng tạo và thực hiện. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, sẽ sớm thôi, giống như K=K (U=U) cũng sẽ được phổ cập thông tin rộng rãi và ngày càng tiến gần hơn tới một tương lai bình đẳng, tôn trọng và không còn sự kì thị liên quan đến HIV/AIDS.
Bà Asia Nguyễn, Cố vấn tăng trưởng Y tế (US.CDC) cho rằng, việc đạt được tình trạng trung lập về HIV tại Việt Nam sẽ đạt được nếu chúng ta cùng hợp tác mạnh mẽ dựa trên sự thấu hiểu. Bà cho rằng, lợi ích của Tình trạng Trung lậpđối với cộng đồng có thể kể đến 3 cấp độ. Ở cấp độ cá nhân: Người có nguy cơ và người đang sống với HIVđược trao quyền tự chủ trong việc tiếp cân dịch vụ chăm sóc HIV phù hợp, đồng thời giúp giảm tự kì thị. Ở cấp độ cộng đồng : Đây là thông điệp tuyệt vời khuyến khích cộng đồng chung tay đạt được tình trạng trung tính, hướng đến tình trạng bình thường hóa về HIV, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Ở cấp độ xã hội: Thay đổi định kiến của con người và xã hội về những chuẩn mực cũ sai lầm, hướng đến loại bỏ kì thị và phân biệt đối xử.
Có thể nói, chúng ta vẫn đang nỗ lực từng ngày để hướng đến một tương lai khi mà tình trạng HIV không còn là một yếu tố định danh một ai đó, một tương lai mà mọi người bất kể tình trạng nhiễm của họ là gì đều được tiếp cận, chăm sóc và hỗ trợ các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần một cách bình đẳng, tôn trọng, không còn sự kì thị và phân biệt đối xử!