Nam Định: Tệ nạn mại dâm ở các khu du lịch biển giảm rõ rệt

05/05/2023 14:59

(Chinhphu.vn) - Tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Nam Định đến nay đã có sự chuyển biến tích cực, không có hoạt động mại dâm công khai tại nơi công cộng.

Nam Định: Tệ nạn mại dâm ở các khu du lịch biển giảm rõ rệt - Ảnh 1.

Thị trấn Quất Lâm tháo dỡ ki ốt của các hộ kinh doanh tại Khu du lịch biển Quất Lâm

Theo Sở LĐTB&XH Nam Định, trong những năm qua, tình hình mại dâm trên địa bàn tỉnh Nam Định có nhiều chuyển biến tích cực, tệ nạn mại dâm tại khu du lịch Quất Lâm, huyện Giao Thủy; khu du lịch Hải Thịnh, huyện Hải Hậu và địa bàn giáp ranh giữa tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình (thuộc xã Yên Bằng, huyện Ý Yên) đã giảm rõ rệt.

Hiện nay, toàn tỉnh có 11/226 địa bàn xã, phường, thị trấn có tệ nạn mại dâm; 50/1.129 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; 34 đối tượng chủ chứa và môi giới, dẫn dắt mại dâm; 40 người là nhân viên nhà hàng karaoke, nhà nghỉ, khách sạn, quán trọ, gội đầu, massages… có biểu hiện nghi là người bán dâm.

Từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh Nam Định thành lập Ban chỉ đạo tổ chức phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và bài trừ tệ nạn xã hội tại Khu du lịch Thị trấn Quất Lâm, đồng thời do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, dẫn đến lượng khách thăm quan du lịch giảm mạnh, do vậy hoạt động mại dâm trên địa bàn không còn diễn biến phức tạp như những năm trước.

Tuy nhiên, do đặc điểm hoạt động mại dâm mang lại nguồn thu bất hợp pháp cho chủ chứa, môi giới và gái bán dâm, do đó tệ nạn mại dâm vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, với phương thức thủ đoạn hoạt động ngày càng đa dạng về loại hình, hoạt động với nhiều hình thức khác nhau, trong đó phổ biến là hợp đồng thuê nhân viên phục vụ kinh doanh dịch vụ du lịch, cắt tóc, gội đầu thư giãn, massage, karaoke…

Ngoài ra, một số gái mại dâm tụ tập thuê nhà trọ bình dân hình thành đường dây gái gọi thông qua điện thoại di động, các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Telegram, Whatsapp...) để liên lạc với các lễ tân và khách để bán dâm. Lợi dụng sự ham chơi, đua đòi của một số học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và việc buông lỏng quản lý giáo dục của các gia đình, nhà trường để dụ dỗ, lôi kéo các em đi bán dâm.

Từ năm 2021 đến nay, Sở LĐTB&XH Nam Định đã ban hành 3 Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống mại dâm; 2 Kế hoạch tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Đội kiểm tra liên ngành 178 ban hành 3 Kế hoạch công tác về phòng, chống tệ nạn mại dâm...

Sau 2 năm thực hiện Chương trình Phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay tỉnh Nam Định cơ bản đạt được 5/5 mục tiêu của Chương trình.

Trong đó, Công an tỉnh, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với các địa phương rà soát người phạm tội, mắc tệ nạn xã hội; gần 1.000 phụ nữ có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn hoặc trong gia đình có người mắc tệ nạn xã hội, phạm tội để giáo dục, cảm hóa, hỗ trợ. Trong 2 năm, đã hỗ trợ giáo dục gần 1.000 người tiến bộ, không mắc tệ nạn xã hội; phụ nữ có nguy cơ cao hoặc đã có hành vi mại dâm.

Các lực lượng chức năng cấp tỉnh và cấp huyện đã tiến hành kiểm tra 890 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ, phát hiện 152 cơ sở kinh doanh có vi phạm hành chính, trong đó xử lý 41 cơ sở.

Công tác phối hợp liên ngành trong việc kiểm tra, thanh tra, giám sát giữa các ngành thuộc Ban chỉ đạo Phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã có chuyển biến tích cực. Từ năm 2021 đến ngày 30/12/2022, toàn tỉnh đã bắt, xử lý 41 vụ, 195 đối tượng liên quan đến tội phạm và tệ nạn mại dâm; gồm có 28 chủ chứa mại dâm, 25 đối tượng môi giới mại dâm, 69 gái bán dâm, 73 khách mua dâm. 

Bên cạnh đó, Nam Định là một trong những tỉnh thực hiện công tác xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm, đồng thời được sự giúp đỡ của Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tài trợ, do đó duy trì được các hoạt động của giai đoạn trước. Thông qua đội ngũ tuyên truyền viên đồng đẳng đã tiếp cận được 630 lượt người hoạt động mại dâm, tiếp viên nhà hàng và thực hiện cấp phát vật phẩm, truyền thông trực tiếp với nội dung tuyên truyền đa dạng...

Kiểm soát chặt chẽ các dịch vụ nhạy cảm, có nguy cơ phát sinh hoạt động mại dâm

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở LĐTB&XH Nam Định, tệ nạn mại dâm mới giảm ở bề nổi, chưa giải quyết dứt điểm các đường dây mại dâm liên tỉnh, đường dây môi giới dẫn dắt, mua bán người vì mục đích mại dâm.

Hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi hơn, với nhiều hình thức biến tướng mới, sử dụng công nghệ thông tin hiện đại nên khó phát hiện để đấu tranh phòng, chống mại dâm. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm được trang bị thiết bị giám sát, đèn báo hiệu cũng gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống mại dâm.

Trong khi đó, nguồn lực dành cho hoạt động phòng chống mại dâm thấp và dàn trải, kinh phí bố trí từ ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là cấp xã. 

Đa số người bán dâm bị phát hiện trên địa bàn tỉnh là người từ địa phương khác đến, họ thường lưu trú tại địa bàn trong thời gian ngắn sau đó lại di chuyển nơi khác. Họ thường tìm mọi cách ngụy trang để không đăng ký tạm trú và ký hợp đồng lao động với chủ sử dụng nên rất khó xác định số người bán dâm có mặt ở địa bàn. Chưa có nhiều giải pháp thích hợp và phù hợp với người bán dâm, giúp họ được vay vốn, hỗ trợ học nghề có hiệu quả.

Ngoài ra, công tác quản lý Nhà nước đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện còn nhiều bất cập, sơ hở; nhất là việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với cơ sở dịch vụ chưa chặt chẽ, một số cơ sở kinh doanh đã bị xử lý về hành vi liên quan đến hoạt động mại dâm, đã thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, nhưng thay đổi người đại diện theo pháp luật thì cơ sở đó lại được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới. Do đó chủ cơ sở đã lợi dụng sang tên đổi chủ, thuê người khác đứng tên để né tránh và tiếp tục vi phạm.

Tù thực tiễn trên, Sở LĐTB&XH Nam Định đề nghị các cấp, ngành nghiên cứu, ban hành Luật Phòng chống mại dâm hoặc sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh phòng chống mại dâm (năm 2003) theo hướng: Làm rõ hơn, đầy đủ hơn khái niệm mại dâm; có điều chỉnh cả hành vi mại dâm đồng giới, mại dâm không qua giao cấu, kiểm soát chặt chẽ các dịch vụ nhạy cảm, có nguy cơ phát sinh hoạt động mại dâm.

Đề nghị Bộ LĐTB&XH trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 Quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp luật phòng, chống mại dâm để tránh chồng chéo với Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Ngoài ra, cần có cơ chế hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm vay vốn sản xuất, kinh doanh cho đối tượng là người bán dâm có nhu cầu hoàn lương, phụ nữ có nguy cơ cao hoạt động mại dâm. Cơ chế sửa đổi theo hướng không hạn chế đơn vị hành chính theo nơi thường trú, tạm trú; có thể linh hoạt nơi người bán dâm hành nghề hoặc nơi người bán dâm bị xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời bố trí nguồn lực cho công tác phòng, chống mại dâm, trong đó ưu tiên các địa bàn trọng điểm, các tỉnh chưa tự cân đối ngân sách.

Hoàng Anh

Top