Tiếp tục triển khai các giải pháp phòng chống mại dâm và cai nghiện ma túy

25/03/2023 08:24

(Chinhphu.vn) - Trong 2 ngày 23 - 24/3, tại thành phố Cần Thơ, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm (2021 - 2022) thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và triển khai nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025.

Tiếp tục triển khai các giải pháp phòng chống mại dâm và cai nghiện ma túy - Ảnh 1.

Hội nghị sơ kết 2 năm (2021 - 2022) thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và triển khai nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025. Ảnh: VGP/VH

 Những kết quả tích cực

Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, trong 2 năm 2021-2022, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội vẫn chủ động và tích cực thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025; Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025; Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Các chương trình này đã đạt được những kết quả bước đầu.

Cụ thể, trong lĩnh vực cai nghiện ma túy, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về cai nghiện ma túy. Những quy định mới trong Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã tạo điều kiện cho người nghiện được lựa chọn các hình thức cai nghiện phù hợp và huy động các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia vào quy trình cai nghiện.

Kết quả, từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2022, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên cả nước đã tổ chức cai nghiện cho 63.253 người, trong đó tiếp nhận mới là 31.010 người; số chuyển từ năm 2021 sang là 31.812 người; số tái hòa nhập cộng đồng là 33.886 người; tại thời điểm 31/12/2022 các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên cả nước đang tổ chức cai nghiện là 29.367 người.

Cũng trong năm 2022, các cơ sở cai nghiện ma túy đã tổ chức tiếp nhận, điều trị, cai nghiện cho 171 người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong đó 53 người có quyết định cai nghiện bắt buộc của Tòa án và 118 người vào cai nghiện tự nguyện. Số người lưu trú tạm thời trong thời gian xác định tình trạng nghiện và trong thời gian lập hồ sơ là 2.579 người.

Hiện cả nước có 13 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập; công suất tiếp nhận khoảng 3.000 - 4.000 người. Các cơ sở này hiện đang quản lý 478 người nghiện ma túy; 22 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế thuộc ngành LĐTB&XH quản lý tại 18 tỉnh, thành phố đang tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho 4.218 người nghiện ma túy.

20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho 3.656 người nghiện.

100% các địa phương tổ chức quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú, số người đã hoàn thành chương trình cai nghiện và được hỗ trợ, quản lý sau cai tại cộng đồng là 20.478 người.

Trong lĩnh vực phòng, chống mại dâm, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã tham mưu trình Bộ Ban hành Quyết định số 808/QĐ-LĐTBXH ngày 5/9/2022 phê duyệt tổng thể Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở để các bộ, ngành và địa phương thống nhất tổ chức thực hiện công tác phòng, chống mại dâm theo lộ trình từng năm; rà soát, kiện toàn tổ chức và xây dựng Quy chế của Tổ công tác liên ngành phòng, chống mại dâm trung ương; ban hành Bộ chỉ số giám sát và quy trình kiểm tra, đánh giá thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm; hướng dẫn 20 tỉnh, thành phố trọng điểm điều tra, khảo sát, nghiên cứu đánh giá, dự báo nhu cầu của người bán dâm có khó khăn về tài chính, thanh niên chưa có việc làm, người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm và khả năng đáp ứng của các dịch vụ hiện có, trên cơ sở đó đề xuất hướng dẫn thực hiện lồng ghép hoạt động phòng, chống mại dâm với các chương trình có liên quan tại địa bàn cơ sở.

Bên cạnh đó, xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm. Đặc biệt là các Bộ, ngành và địa phương đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm.

Về lĩnh vực hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, Cục đã tham mưu cho Bộ LĐTB&XH ban hành Quyết định số 525/QĐ-LĐTBXH ngày 05/5/2021 ban hành Kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1415/QĐ-LĐTBXH ngày 14/12/2021 về Ban hành Kế hoạch thực hiện Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; Quyết định số 283/QĐ-LĐTBXH ngày 15/3/2023 ban hành Kế hoạch thực hiện các khuyến nghị tại báo cáo về tình hình mua bán người trên thế giới (TIP)…

Đồng thời, tập trung vào việc xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân các cấp về kiến thức, kỹ năng tiếp nhận, chuyển tuyến, hỗ trợ nạn nhân dựa trên sự hiểu biết về sang chấn tâm lý và hỗ trợ dựa trên quyền của nạn nhân.

Trong 2 năm, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã tổ chức tập huấn cho trên 500 cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân thuộc ngành LĐTB&XH, Công an, Biên phòng, Phụ nữ các cấp; Cục cũng tiến hành các nghiên cứu, rà soát chính sách pháp luật và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong quá trình đề xuất và lập hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người.

Tiếp tục triển khai các giải pháp phòng chống mại dâm và cai nghiện ma túy - Ảnh 3.

Các đại biểu tham gia Hội nghị sơ kết 2 năm (2021 - 2022) thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và triển khai nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025. Ảnh: VGP/VH

Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống mại dâm; cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đó là nhiều quy định pháp luật về phòng, chống mại dâm không phù hợp với thực tiễn và chậm được sửa đổi, bổ sung; các chế độ chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán còn thấp, thủ tục phức tạp. Văn bản pháp luật về ma túy đã được hoàn thiện, nhưng những quy định pháp luật chưa được thực hiện, áp dụng ngay trong thực tiễn do thiếu nguồn nhân lực, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại địa phương còn mỏng, thường xuyên thay đổi, chưa được đào tạo bài bản, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Trong khi đó, công tác đào tạo, tập huấn chưa được chú trọng.

Nguồn lực dành cho công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân còn thấp; không đủ để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, công tác báo cáo, thống kê số liệu về phòng, chống tệ nạn xã hội đôi khi còn chưa đầy đủ, chậm tiến độ, số liệu còn chồng chéo, mâu thuẫn làm ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành chung của Chính phủ và các Bộ, ngành.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp những ý kiến, giải pháp. Trong công tác cai nghiện ma túy cần tổ chức đào tạo, tập huấn, cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo chuyên khoa cho đội ngũ y bác sỹ; rà soát cơ sở cai nghiện công lập để quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện phù hợp với thực tiễn.

Bộ LĐTB&XH ban hành cơ chế khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng để thu hút người nghiện đăng ký tham gia. Đồng thời để bảo đảm nguồn lực phòng chống ma túy, cần khẩn trương triển khai Thông tư số 62/2022/TT-BTC ngày 05/10/2022 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Trong công tác phòng chống mại dâm, cần làm tốt công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai Chương trình phòng chống mại dâm 2021-2025, trong đó, chú trọng việc xây dựng các mô hình thí điểm cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm.

Trước mắt là tiếp tục thực hiện thí điểm các mô hình hỗ trợ người bán dâm theo hai nhóm chính sách: Chính sách, dịch vụ can thiệp giảm hại và phòng, chống bạo lực trong phòng, chống mại dâm; và chính sách, dịch vụ hỗ trợ hoà nhập cộng đồng đối với người bán dâm. Thí điểm các chính sách trên dựa trên phương pháp tiếp cận toàn diện về thời điểm hỗ trợ (người bán dâm đang tham gia hoạt động mại dâm có nhu cầu; người bán dâm có ý định từ bỏ hoặc giảm bớt tần suất bán dâm) và về gói dịch vụ hỗ trợ thiết yếu, toàn diện trong hỗ trợ người bán dâm có tính đến nhu cầu và khả năng đáp ứng thực tế.

Mặt khác, xây dựng "cơ chế tái hòa nhập trọn gói", bao gồm các dịch vụ như: hỗ trợ y tế, tham vấn/hỗ trợ tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, trợ giúp pháp lý.

Ngoài ra, bảo đảm quá trình tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững, có sự theo dõi, giám sát và hỗ trợ thường xuyên từ phía các cơ quan nhà nước, tổ chức, cộng đồng, gia đình.

Vĩnh Hoàng

Top