Nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV để kiểm soát dịch AIDS bền vững

04/10/2023 09:50

(Chinhphu.vn) - Mô hình cộng đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế góp phần giúp cho những người nhiễm HIV tiếp cận điều trị, với 86-90% bệnh nhân HIV tham gia điều trị ở các dự án của mạng lưới có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện bệnh.

Các nhóm cộng đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại các cơ sở y tế có vai trò quan trọng trong công tác bảo đảm bền vững các kết quả trong phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời góp phần hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ phòng chống HIV tại cơ sở y tế. Để hiểu rõ hơn về mô hình này, phóng viên có cuộc trao đổi ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).

Xin ông cho biết thực trạng tình hình dịch HIV/AIDS hiện nay?

Ông Võ Hải Sơn: Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), đến nay, Việt Nam có 230.344 ca nhiễm HIV/AIDS, tập trung ở độ tuổi 16 đến 39, trong đó có 175.400 người được điều trị ARV (chiếm 76%), trung bình mỗi năm phát hiện thêm khoảng hơn 10.000 người nhiễm HIV, tập trung chủ yếu ở nhóm nam tình dục đồng giới; vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV. Tích lũy từ năm 1990 đến nay, đã có hơn 112.000 người tử vong do HIV/AIDS.

Nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV để kiểm soát dịch AIDS bền vững - Ảnh 1.

Ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế). Ảnh: Thùy Chi

Sau hơn 30 năm kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên (vào năm 1990), hiện là năm thứ 15 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục đà giảm trên cả 3 tiêu chí. Đó là giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS, giảm số người tử vong liên quan đến AIDS.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng gần 30.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Việt Nam vẫn đang đối mặt với gánh nặng về xã hội và chăm sóc sức khỏe cho khoảng hơn 220.000 người nhiễm HIV.

Công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam còn nhiều thách thức trong đó kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn là một trong những rào cản đối với các hoạt động phát hiện và điều trị sớm người nhiễm HIV.

Bên cạnh đó, vấn đề duy trì tỉ lệ bệnh nhân điểu trị ARV, bảo đảm chất lượng điều trị ARV cũng là một thách thức lớn. Việt Nam đã và đang thực hiện mục tiêu 90-90-90 và chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2023. Để tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, vai trò của các nhóm cộng đồng là rất quan trọng, không thể thiếu để thực hiện chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS.

Là một trong những quốc gia hiếm hoi triển khai mô hình nhóm cộng đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế, xin ông chia sẻ rõ hơn về mô hình này?

Ông Võ Hải Sơn: Mô hình nhóm cộng đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế hay còn gọi là CAB (Community Advisory Board) là một mô hình khá mới ở Việt Nam. Những thành viên của nhóm này là các nhân viên của các nhóm cộng đồng, đóng vai trò trung gian trong việc thu thập, ghi nhận các ý kiến của những người sử dụng dịch vụ điều trị HIV/PrEP, từ đó phản hồi cho những cơ sở y tế hay những người cung cấp dịch vụ, từ kênh thông tin này cơ sở y tế sẽ xem xét điều chính, cải thiện để chất lượng dịch vụ, cũng như công tác chăm sóc, điều trị, dự phòng được tốt hơn.

Đến nay, đã có 6 tỉnh trong khuôn khổ Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam triển khai nhóm cộng đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế. Các nhóm này đang hỗ trợ 41 cơ sở điều trị ARV/PrEP, hỗ trợ tư vấn và chuyển gửi dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS cho khoảng hơn 10.000 lượt khách hàng, bước đầu đóng góp trong việc hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị HIV.

Từ năm 2019 khi bắt đầu triển khai, đến nay, các nhóm cộng đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế ở Việt Nam đã đạt nhiều thành quả trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng.

Theo đó, các nhóm cộng đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế đã không ngừng nỗ lực để hỗ trợ cho những người nhiễm HIV điều trị bằng thuốc ARV (thuốc kháng HIV) tiếp cận các dịch vụ dùng thuốc, với 86-90% bệnh nhân HIV tham gia điều trị ở các dự án của mạng lưới có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện bệnh.

Bên cạnh đó các nhóm cộng đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế cũng góp phần giảm kỳ thị trong cộng đồng; hỗ trợ để người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị, chăm sóc tốt nhất.

Xin ông cho biết những chiến lược và kế hoạch để mở rộng và duy trì bền vững mô hình trong thời gian tới?

Ông Võ Hải Sơn: Trên cơ sở kinh nghiệm triển khai tại một số quốc gia trên thế giới, căn cứ tình hình thực tế tại Việt Nam, tháng 10/2021, Cục phòng, chống HIV/AIDS đã ban hành quyết định số 237/QĐ-AIDS về việc Hướng dẫn triển khai mô hình nhóm cộng đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế hay còn gọi là CAB.

Trên cơ sở hướng dẫn này, các tỉnh/thành phố trên toàn quốc đều có thể áp dụng để triển khai tùy khả năng và tình hình thực tế tại địa phương. Trong hơn 2 năm qua, từ khi Cục phòng, chống HIV/AIDS ban hành hướng dẫn triển khai mô hình này, với sự hỗ trợ của Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR), đã có 6 tỉnh, thành phố triển khai mô hình này, hỗ trợ tại 41 cơ sở điều trị ARV/PrEP, hỗ trợ tư vấn và chuyển gửi dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS cho khoảng hơn 10.000 lượt khách hàng, những kết quả ban đầu tuy khiêm tốn nhưng rất đáng khích lệ, bước đầu đóng góp trong việc hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị HIV tại cơ sở.

Trong thời gian tới, những kinh nghiệm thực tế triển khai hoạt động tại 6 tỉnh sẽ được chia sẻ rộng rãi, từng bước mở rộng tại chính 6 tỉnh hiện đang triển khai hoạt động, trên cơ sở đó sẽ xây dựng các phương án mở rộng hoạt động này tại một số địa phương có nhu cầu.

Với chiến lược kiểm soát dịch HIV/AIDS một cách bền vững tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 tại Việt Nam, xác định vai trò rất quan trong của cộng đồng trong chiến lược này, tổ chức PEPFAR đã đề xuất và hỗ trợ các sáng kiến để các phát huy được những tiểm năng, thế mạnh của các tổ chức cộng đồng trong công tác phòng chống HIV/AIDS mà mô hình cộng đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế là một ví dụ.

Để mô hình cộng đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế, cũng như các tổ chức cộng đồng có thể phát huy được tối đa các ưu điểm khi tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, từ đó tạo sự bền vững của hoạt động này. Trong thời gian tới, cần phải rà soát, củng cố, bổ sung những chính sách phù hợp ở các cấp độ từ trung ương tới địa phương để các nhóm cộng đồng có những hướng dẫn cụ thể hơn khi tham gia công tác phòng chống HIV/AIDS theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng, chống HIV/AIDS do Quốc hội ban hành vào tháng 11/2020.

Cụ thể Cục phòng, chống HIV/AIDS cũng đang phối hợp với PEPFAR thí điểm triển khai mô hình hợp đồng xã hội đối với các doanh nghiệp xã hội có hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Các doanh nghiệp này sẽ thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo yêu cầu của địa phương. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức cho các hoạt động cộng đồng nói chung. Do đó, các nhóm cộng đồng sẽ cần tổ chức chặt chẽ hơn, hoạt động chuyên nghiệp hơn.

Xin ông cho biết, chúng ta đang chú trọng hoạt động nào để tiến tới đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030?

Ông Võ Hải Sơn: Ngày 14/8/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, trong đó đã nêu cụ thể các mục tiêu, chỉ tiêu và 11 giải pháp thực hiện mục tiêu này.

Hiện nay, chúng ta đang triển khai đồng bộ các giải pháp của chiến lược đã đề ra, từ xây dựng các chính sách pháp luật, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, nâng cao năng lực cho hệ thống, huy động các tổ chức cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS, đến huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế.

Các giải pháp chuyên môn tập trung vào các biện pháp truyền thông nâng cao kiến thức HIV/AIDS, tạo cầu cho các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, giảm kỳ thị phân biệt đối xử. Đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn để đạt mục tiêu 95-95-95, các chiến lược điều trị là dự phòng, như chẩn đoán và điều trị sớm, các chiến dịch truyền thông không phát hiện bằng không lây nhiễm (K=K), nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, các biện pháp dự phòng tiếp tục đẩy mạnh như các chương trình can thiệp giảm hại cho nhóm nguy cơ cao, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc (PREP), hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con… Nếu chúng ta làm tốt các hoạt động này trên phạm vi cả nước, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thùy Chi

Top