Nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS để sớm chấm dứt dịch bệnh AIDS
(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, chương trình điều trị ARV tại Việt Nam đã nhận được đánh giá cao từ cộng đồng quốc tế. Đây cũng là một trong những thành tựu quan trọng đã đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2024.
Để tìm hiểu rõ hơn những kết quả đã đạt được của chương trình điều trị ARV, cũng như những thách thức và khó khăn trong việc mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS nhằm góp phần chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, phóng viên Trang tin Tiếng Chuông có cuộc phỏng vấn PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).
Hơn 181 nghìn người đang được điều trị ARV
PV: Xin bà cho biết những kết quả đã đạt được của chương trình điều trị ARV?
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương: Tính đến tháng 6/2024, trên toàn quốc có 181.558 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV), trong đó có 2.466 trẻ em dưới 15 tuổi, tại hơn 500 cơ sở y tế ở 63 tỉnh, thành phố. Số người được cấp thuốc ARV thông qua bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 119.055 người, chiếm trên 66%.
Thời gian qua, chương trình điều trị ARV tại Việt Nam đã nhận được đánh giá cao từ cộng đồng quốc tế do tỉ lệ người bệnh HIV có kết quả xét nghiệm tải lượng HIV (TLHIV) dưới ngưỡng ức chế (< 1000 cp/ml) đạt trên 97%; tỉ lệ người bệnh duy trì điều trị ARV đạt trên 95%; Trên 95% bệnh nhân được điều trị dự phòng lao tiềm ẩn và đồng nhiễm HIV/Lao; Tất cả người bệnh đang điều trị ARV đều được sàng lọc viêm gan C, và những người nhiễm virus viêm gan C được điều trị với tỷ lệ khỏi bệnh đạt trên 96% (với thuốc điều trị do Dự án Quỹ Toàn cầu hỗ trợ).
Trong thời gian gần đây, các cơ sở điều trị đã bắt đầu triển khai sàng lọc, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, đái tháo đường, sức khỏe tâm thần.
Bên cạnh đó, công tác quản lý và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng được tăng cường, bao gồm xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai để phát hiện và điều trị ARV kịp thời, giúp trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng và tư vấn chăm sóc. Tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con hiện duy trì ở mức rất thấp, dưới 1,9%.
Ngoài ra, việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị cho trẻ em và vị thành niên nhiễm HIV, bao gồm tư vấn công khai tình trạng nhiễm HIV và hướng dẫn sức khỏe sinh sản, an toàn tình dục tại các cơ sở điều trị.
PV: Xin bà cho biết những khó khăn, thách thức trong việc mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS nhằm góp phần chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030?
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương: Chương trình điều trị HIV đã đạt được nhiều kết quả tích cực và phần lớn các dịch vụ khám chữa bệnh cùng thuốc ARV được BHYT chi trả. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khó khăn và thách thức, bao gồm:
Ở nhiều tỉnh, người bệnh HIV gặp khó khăn trong việc tiếp cận thuốc ARV, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, gây khó khăn cho việc duy trì điều trị.
Độ bao phủ của xét nghiệm tải lượng HIV còn hạn chế, mỗi năm chỉ đạt dưới 80%. Nhiều tỉnh, thành phố chưa có điều kiện thực hiện xét nghiệm này tại chỗ và phải ký hợp đồng với các đơn vị đủ điều kiện xét nghiệm.
Quá trình mua sắm và cung ứng thuốc ARV gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc trong một số thời điểm.
Việc cung cấp gói dịch vụ toàn diện (sàng lọc, quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm, chăm sóc sức khỏe tâm thần) cho người nhiễm HIV tại các cơ sở y tế còn hạn chế, do liên quan đến yêu cầu về chứng chỉ hành nghề của cán bộ y tế.
Giải pháp để sớm tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS
PV: Theo bà, để giải quyết những khó khăn, thách thức trên, chúng ta cần triển khai những giải pháp gì để tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030?
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương: Đối với chính sách và hướng dẫn: Cần cung cấp hướng dẫn chuyên môn về điều trị HIV; Xây dựng văn bản hướng dẫn về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) từ xa; Cập nhật quy trình chuyên môn khám, chữa bệnh HIV để phù hợp với nhu cầu điều trị hiện tại.
Trong chuyên môn kỹ thuật: Cần cung cấp dịch vụ phù hợp với tình trạng bệnh của từng người; Lồng ghép và đa dạng hóa các mô hình cung cấp dịch vụ, tạo kết nối trong hệ thống điều trị HIV, lấy người bệnh làm trung tâm; Nâng cao chất lượng dịch vụ lâm sàng và cận lâm sàng, xây dựng môi trường khám chữa bệnh thân thiện, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; Giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm khác cho cả người bệnh và nhân viên y tế.
Trong cung ứng thuốc và sinh phẩm: Cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý điều trị HIV, kết nối hệ thống HMED với phần mềm quản lý bệnh viện khi thực hiện khám BHYT; Phát triển các công cụ hỗ trợ kỹ thuật và triển khai hỗ trợ chuyên môn trong mua sắm và quản lý chuỗi cung ứng phục vụ điều trị HIV; Bảo đảm sự sẵn có và dễ tiếp cận các xét nghiệm cần thiết; Cung ứng thuốc liên tục, không gián đoạn; Bảo đảm nguồn lực tài chính bền vững; Duy trì nguồn tài chính ổn định từ bảo hiểm y tế (BHYT) và ngân sách nhà nước để bảo đảm hoạt động điều trị HIV hiệu quả và bền vững.
Những giải pháp trên đều hướng tới việc nâng cao hiệu quả điều trị HIV, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh và góp phần vào mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
PV: Xin bà cho biết, với những tân tiến trong quá trình điều trị HIV/AIDS được áp dụng trên thế giới hiện nay, theo bà mô hình nào là hiệu quả nhất?
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương: Hiện chúng ta đang triển khai mô hình dự phòng và điều trị liên tục. Theo đó, thì nhóm có hành vi nguy cơ cao sẽ được tiếp cận với xét nghiệm HIV. Các trường hợp xét nghiệm HIV dương tính sẽ được điều trị bằng thuốc ARV.
Đối với các trường hợp nhiễm HIV: Đối với điều trị nhiễm HIV, hiện nay chúng ta đang triển khai điều trị ARV nhanh. Trường hợp không có các bệnh nhiễm trùng cơ hội nào cần trì hoãn điều trị ARV thì sẽ thực hiện điều trị ARV trong ngày.
Việc tư vấn tuân thủ điều trị ARV là một can thiệp bắt buộc trong quá trình điều trị ARV vì chỉ có tuân thủ điều trị tốt thì người bệnh điều trị ARV mới có thể đạt đến ngưỡng K=K. Nghĩa là khi điều trị ARV hiệu quả, tải lượng HIV đạt xuống dưới ngưỡng 200 bản sao/ml thì người bệnh không làm lây truyền HIV sang bạn tình của họ khi quan hệ tình dục.
Mặt khác khi người mẹ nhiễm HIV có tải lượng HIV dưới 50 bản sao vào lúc chuyển dạ thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ giảm từ 30-45% xuống còn dưới 0,5%. Như vậy sẽ cứu được rất nhiều đứa trẻ không bị nhiễm HIV từ mẹ.
Song song với điều trị ARV cho người nhiễm HIV, do đặc thù về đường lây truyền, người bệnh HIV có nguy cơ mắc các bệnh đồng nhiễm rất cao. Tỉ lệ nhiễm viêm gan virus C ở người nhiễm HIV trung bình 30%, viêm gan B ở người nhiễm HIV có tiêm chích ma túy có nơi lên đến 90%. Vì vậy, hiện nay cùng với việc điều trị ARV, chúng ta đang mở rộng các can thiệp điều trị bệnh viêm gan virus B, viêm gan virus C cho người bệnh HIV. Trong giai đoạn 2021- 2022, với sự hỗ trợ từ Dự án Quỹ toàn cầu, chúng ta đã điều trị bệnh viêm gan C cho 16.000 người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C với tỷ lệ khỏi bệnh viêm gan C là 96,4%.
Lao là một bệnh nhiễm trùng cơ hội thường gặp ở người bệnh HIV. Người bệnh HIV nếu không được điều trị dự phòng bệnh lao thì nguy cơ mắc bệnh lao cao gấp 8 lần so với người không nhiễm HIV. Vì vậy, hiện chúng ta đang đẩy mạnh việc sàng lọc bệnh lao, điều trị lao tiềm ẩn và điều trị bệnh lao ở người bệnh HIV.
Đối với những người nhiễm HIV điều trị ARV thường sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn so với việc không điều trị ARV. Bên cạnh đó, nếu không được điều trị, những bệnh nhân nhiễm HIV cũng phải đối mặt với các bệnh không lây nhiễm khác như bệnh cao huyết áp, rối loạn lipid máu, ung thư cổ tử cung …giống như người không nhiễm HIV. Tuy nhiên, nguy cơ mắc các bệnh này ở người bệnh HIV thì thường cao hơn ở người không nhiễm HIV. Theo nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương thì cứ 2 bệnh nhân HIV sẽ có 1 người bị rối loạn lipid máu, 4 người có 1 người cao huyết áp.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới thì tỉ lệ mắc ung thư cổ tử cung ở phụ nữ nhiễm HIV cao gấp 6 lần so với ở phụ nữ không nhiễm HIV. Chính vì vậy, hiện nay, cùng với việc mở rộng điều trị ARV, điều trị viêm gan virus C, viêm gan virus B, lao, chúng ta đang lồng ghép cung cấp sàng lọc, chẩn đoán và điều trị các bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV
Đối với các trường hợp HIV âm tính: Sẽ được tư vấn, cung cấp các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV còn gọi là PrEP, cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm sạch, điều trị thay thế bằng methadone…
Bằng việc sử dụng thuốc ARV trước khi có hành vi nguy cơ phơi nhiễm với HIV thì PrEP là một can thiệp dự phòng nhiễm HIV hiệu quả với tỷ lệ dự phòng nhiễm HIV qua quan hệ tình dục với đường uống đối với lên đến 97%, qua đường tiêm lên đến 99%.
PV: Để kiểm soát tốt công tác phòng, chống HIV và tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch HIV/AIDS vào năm 2030, xin bà cho biết chúng ta cần chú trọng vào những vấn đề gì?
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương: Trước tiên, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng; cần đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong triển khai thực hiện.
Thứ hai, cần đa dạng hóa các mô hình cung cấp dịch vụ HIV/AIDS phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, địa lý của từng địa phương.
Thứ ba, khuyến khích sự tham gia chủ động, sáng tạo của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng trong triển khai thực hiện.
Thứ tư, trong bối cảnh viện trợ quốc tế đang giảm dần, các địa phương cần ưu tiên phân bổ, huy động kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để bảo đảm các dịch vụ thiết yếu.
Thứ năm, nâng cao năng lực và phát triển đội ngũ cán bộ y tế tại các tuyến cơ sở, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa. Đây là những người sẽ trực tiếp đưa dịch vụ đến với những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất, giúp mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ cho người dân và góp phần giảm tải cho các cơ sở tuyến trên.
Thùy Chi