Ngăn chặn hoạt động mua bán ma túy trên mạng internet
(Chinhphu.vn) - Theo Ủy ban kiểm soát ma túy của Liên Hợp Quốc, các ứng dụng được mã hóa và mạng xã hội (Instagram, Twitter, Linkedln, Facebook…) được đối tượng thường xuyên sử dụng để giao dịch ma túy trên mạng internet. Các công ty vận chuyển quốc tế, dịch vụ chuyển phát nhanh cũng trở thành công cụ để đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia.
Trong thời gian qua, trước tác động của dịch COVID-19, các đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử này để hoạt động phạm tội về ma túy. Để đối phó với tình hình trên, các quốc gia đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn, đặc biệt là hợp tác công - tư giữa các nước, các tổ chức quốc tế và đối tác tư nhân.
Điển hình như Hàn Quốc đã thành lập Ủy ban tiêu chuẩn truyền thông nhằm kịp thời phát hiện, sàng lọc những trang mạng xã hội, website có liên quan đến tội phạm ma túy. Viện Công tố tối cao Hàn Quốc phối hợp với Công ty vận chuyển quốc tế FedEX trong phát hiện, xử lý ma túy cất giấu trong hàng hóa hợp pháp được mua bán qua mạng internet.
Indonesia tăng cường giám sát công tác phòng chống ma túy trên mạng internet thông qua website tiếp nhận nguồn tin tố giác. Các nền tảng thương mại điện tử lớn như Tokopedia, Shoppee, Lazada hoạt động ở quốc gia này cũng cam kết hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc giám sát hoạt động mua bán hàng hóa qua mạng internet; gửi thông báo đến cơ quan chức năng về các giao dịch nghi ngờ liên quan đến tội phạm ma túy, cung cấp thông tin khách hàng có liên quan…
Tại Hoa Kỳ và các nước châu Âu, các công ty vận chuyển tăng cường hợp tác với chính quyền sở tại nhằm ngăn chặn việc mua bán trái phép ma túy trên các trang web đen. Điển hình như chiến dịch của Cơ quan bài trừ ma túy Hoa Kỳ với sự giúp đỡ của Cơ quan quản lý tên miền tiến hành truy quét những trang mạng nghi vấn, kết quả đã chặn truy cập, xóa gần 30 trang web có quảng cáo, mua bán ma túy dạng opiods.
Trên bình diện quốc tế, từ năm 2020, Ủy ban kiểm soát ma túy của Liên Hợp Quốc (INCB) đã triển khai Chương trình toàn cầu về quản lý các chất ma túy nguy hiểm (GRIDS). Chương trình GRIDS đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường hợp tác công - tư giữa các cơ quan Chính phủ, lực lượng hành pháp các nước và khối doanh nghiệp tư nhân nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động liên quan đến tội phạm về ma túy.
Đến nay GRIDS tổ chức 8 hội thảo chuyên gia, tập huấn liên khu vực về hợp tác phòng, chống ma túy trên nền tảng thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh, hợp tác công - tư; trao đổi thông tin hỗ trợ bắt giữ nhiều vụ vận chuyển ma túy với quy mô lớn. Điển hình như vụ bắt giữ gần 900 kg lá khát từ Tanzania đi Anh (tháng 5/2019); đưa ra thông báo về 37.000 vụ việc liên quan đến NPS và opiods tổng hợp có liên quan đến 150 quốc gia.
GRIDS cũng ký kết văn bản hợp tác với Tổ chức Hải quan thế giới, Liên minh Bưu chính thế giới, các hãng vận tải lớn như: DHL (Đức) UPS và FedEX (Hoa Kỳ); tăng cường mở rộng đầu mối trao đổi thông tin với lực lượng hành pháp các nước.
Tại Việt Nam, từ năm 2021 đến nay, GRIDS đã hỗ trợ tổ chức hội thảo, tập huấn công tác trao đổi, khai thác thông tin về hoạt động xuất, nhập khẩu hóa chất, tiền chất giữa các nước thông qua hệ thống của INCB cho lực lượng công an và hải quan.
Tại Hội thảo liên khu vực về hợp tác công - tư trong đấu tranh, ngăn chặn các chất ma túy nguy hiểm trên mạng internet vừa diễn ra tại Ai Cập, INCB đã đưa ra khuyến cáo các nước tăng cường hoạt động kiểm soát đối với NPS, tiền chất, hóa chất sử dụng vào mục đích y tế, trao đổi thông tin với các đối tác tư nhân để ngăn chặn sự thất thoát vào mục đích sản xuất ma túy bất hợp pháp.
Các nền tảng thương mại trực tuyến, hãng vận chuyển cần xác định thông tin, danh tính thật của khách hàng để hỗ trợ lực lượng chức năng trong công tác điều tra vụ việc liên quan đến ma túy.
Thông qua INCB và các tổ chức quốc tế, Chính phủ các nước và các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề tiếp tục hợp tác trong việc khai thác thông tin trên nền tảng trực tuyến của công ty tư nhân, đồng thời thông báo thủ đoạn hoạt động mới của đối tượng để các công ty nắm bắt, phòng ngừa.
Từ kết quả đạt được tại Hội thảo, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy đề xuất lãnh đạo Bộ Công an giao cho đơn vị tiếp tục tăng cường hợp tác trao đổi thông tin với INCB và các tổ chức quốc tế trong điều tra khám phá các vụ án mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không, chuyển phát nhanh từ châu Âu về Việt Nam. Nghiên cứu các khuyến nghị của INCB để tăng cường hợp tác công - tư trong phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động mua bán trái phép chất ma túy trên mạng internet ở trong nước.
Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh hợp tác, trao đổi thông tin với Hải quan, an ninh hàng không trong việc kiểm soát tại các cảng hàng không quốc tế, nhất là đối với các loại hàng hóa chuyển phát nhanh, hàng ký gửi, quà biếu phi mậu dịch từ châu Âu về nước và ngược lại để phục vụ công tác phát hiện, điều tra, xử lý hành vi lợi dụng các tuyến bay quốc tế để đưa ma túy từ nước ngoài về Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện, các đơn vị liên quan chủ động rà soát, phát hiện kẽ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyển phát nhanh, bưu chính, kinh doanh vận tải qua đó báo cáo lãnh đạo Bộ Công an tham mưu Chính phủ xem xét khi cấp phép hoạt động trong lĩnh vực này phải đáp ứng điều kiện về máy soi chiếu, tập huấn cho cán bộ làm công tác kiểm tra hàng hóa về quy trình hoạt động làm cơ sở pháp lý cho việc xử lý vi phạm.
Long Giang