Nghiên cứu chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư vào công tác cai nghiện

12/04/2023 16:16

(Chinhphu.vn) - Mặc dù Nhà nước khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện, song cả nước mới chỉ có 13 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập và được cấp giấy phép hoạt động, do đó cần nghiên cứu các chính sách khuyến khích, thu hút tư nhân đầu tư, tham gia vào công tác cai nghiện.

Nghiên cứu chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư vào công tác cai nghiện - Ảnh 1.

Một hoạt động vui chơi đón Tết Quý Mão tại Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa

Được thành lập từ năm 2006, đến nay Cơ sở cai nghiện ma túy Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã hỗ trợ điều trị cho hàng chục người nghiện ma túy, người sử dụng ma túy ở Hà Nội và các tỉnh thành lân cận. Trong hai năm 2021-2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Cơ sở cắt cơn giải độc cho 1.332 lượt người nghiện. 

 Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Bạch Đằng Trương Đức Quỳnh cho biết, bệnh nhân đến đây điều trị là tự nguyện nên tâm lý cũng thoải mái, bớt căng thẳng hơn là cai nghiện bắt buộc. Hơn nữa đa số người đi cai nghiện tự nguyện có tinh thần, động lực để cai, đồng thời gia đình luôn ở bên cạnh quan tâm, giúp đỡ. Do đó, ngoài các giải pháp hỗ trợ về chuyên môn, cơ sở đặc biệt chú trọng tới việc động viên tinh thần, tiếp thêm động lực, giúp học viên củng cố thêm niềm tin, quyết tâm cai nghiện. 

Theo hướng này, hằng ngày học viên điều trị cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Bạch Đằng được khám sức khỏe, tư vấn tâm lý, hỗ trợ cắt cơn, giải độc… Bệnh nhân cắt cơn từ 3-7 ngày, ở khu vực cắt cơn riêng có cán bộ y tế chuyên môn theo dõi 24/24h. Việc điều trị ngoài dùng thuốc còn phải kết hợp liệu pháp tâm lý. Cùng với đó, học viên được hỗ trợ phục hồi bằng cách tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, tập luyện phục hồi chức năng. Cuối đợt điều trị, học viên được hướng dẫn cách phòng, chống tái nghiện, tư vấn kỹ năng hòa nhập cộng đồng.

Với hệ thống cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị đầy đủ, đội ngũ cán bộ, bác sĩ tận tình, giỏi chuyên môn, cùng thời điểm, Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Bạch Đằng có thể tiếp nhận, điều trị cho 50 học viên. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng điều trị, cơ sở thường chỉ tiếp nhận dưới 40 học viên.

Tương tự tại Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa được thành lập từ năm 1999. Đối với học viên ngoài việc cắt cơn, chống tái nghiện bằng thuốc đối kháng, đã được điều trị kịp thời các bệnh cơ hội, bệnh tâm thần - hậu quả của việc sử dụng ma túy. Trung tâm còn kết hợp với nhiều phương pháp điều trị không dùng thuốc như: Tư vấn - Liệu pháp tâm lý - Liệu pháp giáo dục - Liệu pháp xã hội - Sinh hoạt cá nhân, nhóm, gia đình…

Sau 23 năm hoạt động, Trung tâm đã điều trị cho hơn 24.000 lượt học viên tự nguyện đến cai nghiện và đưa họ trở về tái hòa nhập đời sống cộng đồng.

Theo BS. Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa, muốn cai nghiện, phục hồi và phòng chống tái nghiện có hiệu quả, đòi hỏi phải có một môi trường trị liệu tốt, đạt được các mục tiêu sau đây: "Sạch đẹp như bệnh viện - Chuẩn mực như trường học - Sôi nổi như đoàn thể - Thân ái như gia đình- Chặt chẽ như Công an - Kỷ luật như quân đội". Trong công tác điều trị phải đặt nặng các liệu pháp điều trị không dùng thuốc (Tư vấn - Tâm lý trị liệu - Giáo dục trị liệu - Sinh hoạt trị liệu và các liệu pháp xã hội khác) chính là nhằm điều chỉnh, phục  hồi nhận thức - hành vi - nhân cách cho học viên.

Gần đây, Trung tâm đã tạo một thư viện cho học viên nhằm tạo điều kiện cho học viên cai nghiện ma túy có thêm nguồn sách hay, sách tốt để đọc, từ đó tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đồng thời hỗ trợ công tác giáo dục, rèn luyện, học tập của học viên trong quá trình cai nghiện ma túy. Thông qua việc đọc sách, học viên sẽ tìm thấy những bài học làm người, tiếp thêm niềm tin, hy vọng để gột sạch những quá khứ đau thương và làm lại từ đầu.

Ngoài ra, nhờ tăng cường công tác quản lý bằng các phương tiện kỹ thuật phù hợp nên tình hình an ninh trật tự của Trung tâm ổn định, ít có trường hợp phức tạp xảy ra, các vụ việc được giải quyết rõ ràng, nhanh chóng.

Tuy nhiên, Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa đang gặp một số khó khăn như: Không được miến giảm thuế giá trị gia tăng; chi phí điện nước phải trả theo giá của nhà hàng, khách sạn, trong khi đại dịch COVID-19 khiến số học viên nhập chỉ bằng ½ năm trước...

Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH), hiện cả nước có 13 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập; công suất tiếp nhận khoảng 3.000 - 4.000 người. Năm 2022 đã tổ chức cai nghiện cho 2.896 người, trong đó số tiếp nhận mới là 2.465 người, số chuyển từ năm 2021 sang là 431 người, số tái hòa nhập cộng đồng là 2.418 người. Các cơ sở này hiện đang quản lý 478 người nghiện ma túy.

Ông Phan Ðình Thư, Trưởng phòng Chính sách cai nghiện ma túy, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LÐTB&XH) cho rằng, con số này quá ít và chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, khi số người nghiện không có hồ sơ quản lý rất cao.

Trong khi nguồn lực của nhà nước cho công tác cai nghiện ma túy còn hạn chế, thì việc xã hội hóa lại vẫn còn nhiều khó khăn. Linh vực cai nghiện ma túy phức tạp, đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở vật chất, nhân sự; trong khi đó chúng ta chưa có chính sách cụ thể miễn, giảm tiền thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với những người đầu tư vào công tác cai nghiện tự nguyện thành lập cơ sở cai nghiện ma túy nhằm huy động xã hội hóa.

Hon nữa, chế độ, chính sách đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập chưa được ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Ngoài ra, do không có lợi nhuận thu từ dịch vụ cai nghiện ma túy, người nghiện đa phần thuộc người nghèo, khó khăn, không tự chi trả được các chi phí dịch vụ cai nghiện, nên các tổ chức, cá nhân không đầu tư vào lĩnh vực này.

Trước những khó khăn này, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) tiếp tục nghiên cứu trình Bộ LĐTB&XH các chính sách khuyến khích, thu hút tư nhân đầu tư, tham gia vào công tác cai nghiện.

Các địa phương cũng cần bố trí ngân sách, đào tạo cán bộ, xây dựng hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện (công lập và ngoài công lập) cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy cho người tự nguyện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; kiểm tra, đánh giá toàn bộ các cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập (tổ chức, hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, cán bộ...) theo các điều kiện, tiêu chuẩn của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Hoàng Giang


Top