Ưu tiên đầu tư, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy

04/04/2023 14:08

(Chinhphu.vn) - Tổng công suất tiếp nhận của hệ thống cơ sở cai nghiện bắt buộc hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu thực tế và có sự không đồng đều ở các tỉnh, thành phố, các khu vực. Do đó, cần thiết phải ưu tiên đầu tư kinh phí để xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị của hệ thống cơ sở cai nghiện ma túy, bảo đảm có mục tiêu, nhiệm vụ và quy hoạch, lộ trình cụ thể để đáp ứng được nhu cầu điều trị, cai nghiện trong thời gian tới.

Ưu tiên đầu tư, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy - Ảnh 1.

Khám sức khỏe cho học viên tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Các cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu thực tế

Những năm vừa qua, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Thái Nguyên thường xuyên quản lý khoảng 450 - 500 học viên cai nghiện bắt buộc.

Thực hiện Nghị định số 116/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, Cơ sở đã lãnh đạo các phòng, khu chuyên môn tham mưu và thống nhất bằng văn bản chỉ đạo việc thực hiện các nội dung quy định tại Nghị định này. Kịp thời thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, quyền lợi của học viên trong thời gian Cơ sở quản lý theo đúng quy định. 

Công tác tiếp nhận, phân loại, điều trị, cắt cơn giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khách, quản lý, giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi nhân cách, tổ chức lao động trị liệu, học nghề, khen thưởng, kỷ luật,…và chuẩn bị tái hòa nhập cho học viên đảm bảo đúng quy trình, quy định và đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, đối với việc xác định tình trạng nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy hiện nay chưa được thực hiện do vướng mắc trong thủ tục cấp phép hoạt động khám chữa bệnh.

Về cơ sở vật chất, hiện nay, đơn vị chưa đủ điều kiện đáp ứng về điều kiện được quy định theo điểm b khoản 2 Điều 6 và điểm b khoản 3 Điều 6, nên vận dụng theo tình hình thực tế hiện có nhằm đảm bảo tốt trong công tác điều trị, quản lý. Đơn vị đang có kế hoạch nâng cấp xây dựng, mở rộng với quy mô giai đoạn 2025 - 2030 nhằm đáp ứng điều kiện về diện tích phòng ở bình quan 6m2/ học viên và các điều kiện khu riêng biệt của từng diện đối tượng theo quy định.

Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH), công tác cai nghiện ma túy đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện cả nước có 196.110 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó hơn 50.000 người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; đang quản lý trong cơ sở cai nghiện ma túy gần 30.000 người; trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng gần 59.000 người. 

Như vậy những người nghiện ma túy chưa tham gia cai nghiện hay điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện ở ngoài cộng đồng gần 60.000 người, với công suất tiếp nhận và cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự như hiện nay đang chưa đáp ứng được các điều kiện bảo đảm theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.

Ông Phan Đình Thư, Trưởng phòng Chính sách Cai nghiện ma túy (Cục Phòng chống tệ nạn xã hội) cho biết, tổng công suất tiếp nhận của hệ thống cơ sở cai nghiện bắt buộc hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu thực tế.

Hơn nữa, do các cơ sở cai nghiện xây dựng đã lâu hoặc tiếp nhận cơ sở vật chất từ hệ thống khác nên không có thiết kế phù hợp với việc tổ chức cai nghiện; mặt khác, do không được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa thường xuyên nên đã xuống cấp rất nghiêm trọng. Hơn 50% cơ sở không đảm bảo các yêu cầu, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu để thực hiện quy trình chuyên môn về cai nghiện ma túy cũng như các điều kiện sinh hoạt cho người cai nghiện.

Đội ngũ cán bộ tại các cơ sở cai nghiện thiếu về số lượng; chưa được chuẩn hóa theo các quy định về đôi ngũ viên chức; chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về cai nghiện ma túy theo quy trình cai nghiện của Nghị định 116/2021/NĐ-CP.

Đến nay, có rất ít các tỉnh (8/63 tỉnh) quan tâm, bố trí kinh phí kinh phí cho việc nâng cấp, sửa chữa, đầu tư trang thiết bị cho cơ sở cai nghiện theo quy định Nghị định 116/2021/NĐ-CP. Số vốn được bố trí cũng ở mức rất thấp.

Bên cạnh đó, chính sách thu hút, chế độ đãi ngộ đối với viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ, công việc nên không thu hút được lao động làm việc lâu dài, đặc biệt đối với các vị trí y sĩ, bác sĩ, gây khó khăn cho hoạt động của cơ sở; không nâng cao được chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc.

Về điều kiện, tiêu chuẩn xác định tình trạng nghiện của cơ sở cai nghiện ma túy công lập, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 quy định cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy. Tuy nhiên, do có sự chưa thống nhất trong hệ thống pháp luật về xử lý hành chính và khám chữa bệnh nên cho đến nay có rất ít cơ sở được công nhận có đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện (chỉ có 24/97 cơ sở của các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Thanh Thiếu Niên 2, Nhị Xuân, Bình Triệu của TPHCM, Vũng Tàu, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau, Trường Thanh Xuân, Cở sở số 2 của TP.Hải Phòng, Bắc Kan, Số 1 và Số 2 Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Số 1, 2, 5, 6, 7 Hà Nội, Hải Dương).

Điều này gây rất nhiều khó khăn, phức tạp trong quá trình tổ chức cai nghiện, đặc biệt đối với đối tượng thuộc diện tạm thời lưu trú tại cơ sở trong thời gian thực hiện các thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trong khi đó, đa số các tỉnh, thành phố chưa quan tâm, chỉ đạo, bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện chính sách cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP (20/63 tỉnh có chỉ đạo triển khai); UBND cấp huyện (cơ quan được Luật Phòng, chống ma túy giao chủ trì việc tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng) chưa thực sự vào cuộc, chưa xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện chính sách này ở địa bàn.

Việc xây dựng hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại ộông đồng gặp nhiều khó khăn (chưa thu hút được đầu tư từ tổ chức cá nhân ngoài công lập; các đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp huyện rất ít, hoặc không đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn về cai nghiện; chưa có các quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật, giá dịch vụ đối với các dịch vụ cai nghiện tự nguyện ....).

Đội ngũ cán bộ làm công tác công tác tư vấn, hỗ trợ, quản lý cai nghiện tự nguyện ma túy ở cấp xã còn thiếu, chưa được đào tạo, tập huấn về các chính sách, quy trình theo cách tiếp cận mới của Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định 116 nên việc triển khai còn nhiều lúng túng. Một số người nghiện, gia đình người nghiện ma túy không có khả năng đóng góp chi phí cai nghiện, không có mặt tại nơi cư trú; gia đình người nghiện vẫn còn mặc cảm nên việc theo dõi, quản lý và tiếp cận, tư vấn cai nghiện gặp khó khăn.

Cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện tư nhân cũng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở vật chất, nhân sự; chính sách miễn, giảm thuế, tín dụng, tiếp cận đất đai còn nhiều khó khăn....

Theo ông Phan Đình Thư, thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, theo quy định thì tất cả người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý đều phải tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế nếu không sẽ bị áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc.

Khi Luật Phòng, chống ma túy 2021 được triển khai một cách đồng bộ, thống nhất, thì số người nghiện ma túy ở ngoài cộng đồng (60.000 người), theo dự báo sẽ tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy và cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy trong thời gian tới khoảng 80.000 người.

Điều này gây áp lực lên công suất của cơ sở cai nghiện ma túy đang có hiệu nay. Do đó, cần thiết phải ưu tiên đầu tư kinh phí để xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị của hệ thống cơ sở cai nghiện ma túy, bảo đảm có mục tiêu, nhiệm vụ và quy hoạch, lộ trình cụ thể để đáp ứng được nhu cầu điều trị, cai nghiện trong thời gian tới.

4 định hướng lớn trong công tác cai nghiện

Từ thực tế trên, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội đã xác định 4 định hướng lớn trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai trong thời gian tới. Đầu tiên, các địa phương rà soát, bố trí ngân sách đầu tư để nâng cấp, sửa chữa hoặc xây mới cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, mua sắm trang thiết bị; bảo đảm việc tổ chức cai nghiện bắt buộc theo đúng quy định của Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định 116/2021/NĐ-CP.

Thứ hai, tăng cường công tác tuyển dụng, tập huấn, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy; đặc biệt là đội ngũ viên chức của các cơ sở cai nghiện ma túy công lập và cán bộ làm công tác cai nghiện tự nguyện ở gia đình, cộng đồng.

Thứ ba, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, nguồn lực để tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định 116/2021/NĐ-CP; chính sách khuyến khích, thu hút tư nhân đầu tư, tham gia vào công tác cai nghiện và hỗ trợ cho người sau cai nghiện.

Thứ tư, thí điểm một số chính sách hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện thông qua các mô hình hỗ trợ sinh kế đối với người sau cai nghiện, gia đình người sau cai nghiện thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại một số tỉnh, thành phố.

Từ những định hướng lớn này, trong thời gian tới, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội sẽ nghiên cứu, xây dựng trình Bộ LĐTB&XH trình Chính phủ Đề án "Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy; đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu cho cơ sở cai nghiện ma túy công lập".

Nghiên cứu, trình Bộ LĐTB&XH trình cơ quan có thẩm quyền chính sách trợ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy công lập; chính sách khuyến khích, thu hút tư nhân đầu tư, tham gia vào công tác cai nghiện và hỗ trợ cho người sau cai nghiện ma túy.

Phối hợp với Bộ Y tế thống nhất hướng dẫn việc tổ chức xác định tình trạng nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật Phòng, chống ma túy.

Ngoài ra xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập; hướng dẫn cách thức tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Xây dựng chương trình, tài liệu, tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu về cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện cho đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ở các cơ sở cai nghiện và cộng đồng.

Hoàng Giang

}
Top