Nghiên cứu khoa học về HIV được đặt lên hàng đầu

07/12/2017 17:34

Hội nghị khoa học quốc tế về HIV/AIDS diễn ra tại Thủ đô Paris của Pháp đã thu hút sự tham gia của khoảng 6.000 chuyên gia y tế, chuyên gia miễn dịch học và di truyền học nghiên cứu về HIV/AIDS. Đây là dịp để tổng kết những tiến bộ khoa học từ chăm sóc, điều trị đến cơ hội cung cấp thuốc cho bệnh nhân nghèo.

HIV sẽ không bao giờ bị diệt nếu không có nghiên cứu khoa học. Ảnh minh họa

Hy vọng tìm ra loại thuốc điều trị hiệu quả

Kể từ khi virus HIV được phát hiện cách đây 34 năm, hy vọng tìm ra loại thuốc điều trị hiệu quả căn bệnh thế kỷ này vẫn còn xa vời. Trở ngại lớn nhất đối với các nhà khoa học là HIV có khả năng ẩn náu trong một số tế bào và khi hết đợt điều trị, chúng lại tái xuất hiện. Hiện các nhà khoa học chỉ có thể duy trì tình trạng "yên nghỉ" của HIV càng lâu càng tốt và kiềm chế virus này không tiến triển thành bệnh AIDS. Các nhà khoa học cũng đã thảo luận về các liệu pháp đơn giản và ít tốn kém cho bệnh nhân ở các nước nghèo.

Nghiên cứu khoa học về HIV chưa bao giờ được quan tâm như lúc này. Ngay trước giờ khai mạc Hội nghị, Ban Tổ chức công bố "Tuyên bố Paris" bày tỏ quan ngại trước việc Mỹ cắt giảm 2/3 ngân sách cho Chương trình phòng chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc, đồng thời cảnh báo: "HIV sẽ không bao giờ bị loại trừ nếu không có nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học sẽ không tiến triển nếu không có đầu tư lâu dài".

“Tuyên bố Paris” tại Hội nghị khoa học quốc tế về HIV/AIDS năm 2017 cho thấy, kiến thức khoa học là nền tảng trong việc đối phó với HIV. Trong 30 năm qua, nghiên cứu khoa học đã hình thành và ảnh hưởng đến sự hiểu biết và quản lý HIV của chúng ta và đã tiếp tục chỉ ra những cách tốt nhất để giảm bớt hoặc phòng ngừa những vấn đề liên quan đến HIV, cải thiện cuộc sống cho những người sống với HIV và ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng mới. Khoa học cũng thúc đẩy những đáp ứng với HIV. Tuy nhiên, những tiến bộ khoa học để đối phó với HIV và khả năng của chúng ta để giải quyết những vấn đề khoa học đặt ra trong thời gian tới đang bị đe dọa bởi nguồn tài trợ cho khoa học nghiên cứu về HIV.

Chúng ta không thể đạt được các mục tiêu toàn cầu đầy tham vọng, không thể điều trị suốt đời cho 37 triệu người sống chung với HIV và cũng không thể kiểm soát đại dịch HIV/AIDS mà không có cam kết cần phải tiếp tục nghiên cứu về HIV. Tiến bộ trong khoa học về HIV có ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe cộng đồng, thông tin và hỗ trợ ứng phó với các bệnh khác. Cam kết chính trị đối với đầu tư bền vững cho chương trình nghiên cứu khoa học về HIV cần phải được tăng cường trong từng lĩnh vực để đảm bảo rằng, tiến bộ trong khoa học để ứng phó với đại dịch HIV đạt được tối đa và không để mất đi những thành quả trong phòng, chống HIV/AIDS mà chúng ta đã đạt được.

Hiểu biết về HIV và các tương tác của nó với vật chủ ở cấp độ căn bản nhất đòi hỏi phải tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực khoa học cơ bản. Các ưu tiên nghiên cứu hiện tại bao gồm phân tích cơ chế phân tử và tế bào của sự tồn tại của HIV và kiểm soát virus. Để tăng cường các nỗ lực nghiên cứu về phương pháp điều trị HIV, các mô hình động vật và các công nghệ mới hứa hẹn cần phải được tài trợ. Các phương pháp tiếp cận tổng hợp với ung thư, nghiên cứu bệnh truyền nhiễm mãn tính phải được thúc đẩy.

Nghiên cứu khoa học sẽ không tiến triển nếu không có đầu tư lâu dài

Kiểm soát đại dịch ở cấp độ toàn cầu đòi hỏi cần có vaccine và sự cam kết liên tục, nhất quán để thăm dò các phương pháp mới để phát triển vaccine cho cả sử dụng dự phòng và trị liệu. Những nỗ lực nghiên cứu bao gồm các đặc tính của các phản ứng miễn dịch tế bào và miễn dịch dịch thể cần được khai thác trong việc phát triển của các chiến lược vaccine dự phòng và trị liệu miễn dịch.

Cải thiện các phác đồ và kết quả điều trị HIV cho hàng triệu người cần phải nghiên cứu về công thức thuốc và sự hỗ trợ tuân thủ điều trị. Những nỗ lực này nên ưu tiên phát triển các công thức kháng retrovirus (ARV) hỗ trợ sự tuân thủ lâu dài và giảm nguy cơ kháng virus. Các nỗ lực phát triển phải bao gồm công nghệ nano, các dạng thuốc tiêm và các loại thuốc có tác động lâu dài cũng như các công thức tối ưu với sự khuếch tán mô tốt, ít tác dụng phụ và thích nghi với các trẻ em. Cần phải thúc đẩy hợp tác nghiên cứu giữa HIV, lao và Cryptococcus. Khoa học thực hành phải tiếp tục thông tin về các phương pháp tiếp cận, đó là "Xét nghiệm-Điều trị-Duy trì", bao gồm các phương thức mới để xét nghiệm lặp lại ở các cơ sở có tỷ lệ mắc mới cao, theo dõi thường xuyên tải lượng virus, cải tiến các chiến lược tuân thủ điều trị của khách hàng và áp dụng các mô hình phân phối dịch vụ khác nhau.

Các phương pháp dự phòng phải dễ tiếp cận và hữu ích cho những người có nhu cầu cao nhất. Việc đầu tư trong lĩnh vực dự phòng và vượt qua các rào cản trong tiếp cận dịch vụ nên tập trung vào việc cải thiện việc tiếp cận các phương pháp dự phòng đa dạng, bao gồm dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) đối với những người dễ bị nhiễm HIV nhất.

Nghiên cứu dự phòng ngừa phải tiếp tục để hỗ trợ phát triển và mở rộng kết hợp dự phòng, đặc biệt đối với các nhóm đích bao gồm: Nam có quan hệ tình dục đồng giới, người tiêm chích ma túy, mại dâm, người chuyển giới… Cần ưu tiên triển khai nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Tập trung giải quyết vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử, xác định những cách tiếp cận phù hợp để giảm sự phát triển của dịch, bao gồm chứng sợ đồng tính, chủ nghĩa phân biệt giới tính.

Ngoài các phòng thí nghiệm và các cơ sở thử nghiệm lâm sàng, cần đầu tư nghiên cứu về kinh tế và tài chính hỗ trợ đáp ứng bền vững và tạo ra các mô hình tài trợ sáng tạo. Nghiên cứu phải tiếp tục thông tin cho các mô hình giá trong chẩn đoán và điều trị HIV, cũng như các phương pháp điều trị đồng nhiễm trùng, nhất là nó thích hợp với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, xem xét mở rộng thuốc generic và các thuốc có chất tương đương sinh học.

Lĩnh vực nghiên cứu khoa học kinh tế và chính trị cần phải tập trung vào các khoảng trống về tài chính hiện tại và mở rộng việc bao phủ y tế phổ cập.

Việc đẩy mạnh các bằng chứng khoa học để giúp cho việc quyết định chính sách và chương trình là một thành tố hết sức quan trọng. Cách tiếp cận đa ngành và các chương trình nghiên cứu thích nghi với nhiều bối cảnh xã hội và văn hóa cần phải được tăng cường; nghiên cứu có sự cùng tham gia và dựa vào cộng đồng phải được đẩy mạnh. “HIV sẽ không bao giờ bị diệt nếu không có nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học sẽ không tiến triển nếu không có đầu tư lâu dài”, đó là thông điệp chính mà “Tuyên bố Paris” muốn nhấn mạnh.
}
Top