Người cai nghiện phá, trốn trại: Nguyên nhân và giải pháp

07/03/2017 14:17

Tính tới ngày 31/12/2016, cả nước có 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 10.617 người (bằng 5,3%) so với cùng kỳ năm 2015 (200.134 người). Ngoài nghiện heroin, số người sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (ATS), cỏ Mỹ “XLR-11” tăng nhanh, đặt biệt ở các tỉnh, thành phố phía Nam như: TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu... Người sử dụng ma túy tổng hợp có nhiều rối loạn tâm thần và một số có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.

Tạo điều kiện, cơ sở vật chất giúp học viên cai nghiện ma túy yên tâm cai nghiện-Ảnh internet

Hiện toàn quốc có 132 cơ sở cai nghiện ma túy, bao gồm 110 cơ sở công lập, trong đó có 5 cơ sở cai nghiện bắt buộc, 75 cơ sở cai nghiện tổng hợp (cai bắt buộc, cai tự nguyện, điều trị bằng Methadone và quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định), 24 cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện và Methadone và 6 cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội. Ngoài ra tại một số tỉnh, thành phố có 22 cơ sở ngoài công lập do tổ chức và cá nhân thành lập.

Trong 3 năm (từ 2014-2016) (tính từ khi ngành Lao động- Thương binh và Xã hội triển khai Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy), cả nước đã tổ chức cai nghiện cho 66.552 lượt học viên (cơ sở công lập là 42. 502 lượt học viên; cơ sở ngoài công lập là 11.240 lượt học viên; quản lý sau cai là 12.810 lượt học viên). Trong đó, tại các cơ sở công lập cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án là 28.340 học viên, cai nghiện tự nguyện cho 14.162 học viên. Tại thời điểm cuối năm 2016, các cơ sở công lập đang điều trị, cai nghiện cho 22.618 người, chiếm 10,7% tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý. Cũng trong 3 năm, các cơ sở ngoài công lập đã tổ chức cai nghiện cho 11.240 lượt học viên.

Những vụ phá, trốn khỏi trung tâm cai nghiện điển hình của học viên

Những năm qua, tại một số trung tâm cai nghiện công lập đã xảy ra một số vụ việc trốn, phá trại của các học viên cai nghiện. Mở đầu là ngày 6/6/2002, gần 400 học viên Trung tâm Xúc tiến việc làm xã hội, thuộc Sở LĐTB&XH Cần Thơ (đóng tại huyện Phụng Hiệp) đã phá toàn bộ cửa phòng và cổng để bỏ trốn tập thể.

Ngày 27/4/2005, 803 học viên của Trung tâm Giáo dục-Lao động xã hội số 1 Hải Phòng (đóng tại huyện Thủy Nguyên) đã phá trung tâm để bỏ về nhà. Cũng tại Trung tâm này, ngày 14/9/2014, hơn 400 học viên cũng tổ chức trốn tập thể, mặc dù cả 2 lần họ không gây thiệt hại gì lớn cho trung tâm và sau một thời gian ngắn phần lớn họ đã quay lại trung tâm tiếp tục cai nghiện.

Ngày 16/5/2010, hơn 500 học viên Trung tâm Giáo dục-Lao động xã hội số 2 tại Hải Phòng (đóng tại huyện Tiên Lãng) đã phá trại và bỏ trốn về nhà.

Năm 2014, ở Tây Nguyên, xảy ra 2 vụ học viên bỏ trốn (45 học viên của Trung tâm Đắk Lắk trốn ngày 5/5 và 40 học viên Trung tâm Gia Lai trốn ngày 6/11).

Đặc biệt năm 2016, liên tiếp xảy ra nhiều vụ phá và trốn trại của học viên tại 2 trung tâm cai nghiện tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng số gần 1.500 học viên tham gia (tại Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục-Lao động xã hội Xuân Phú-Đồng Nai có 3 vụ liên tiếp trong tháng 9-10-11/2016 với trên 800 học viên; tại Trung tâm Giáo dục, Lao động và Dạy nghề Bà Rịa-Vũng Tàu cũng xảy ra 3 vụ phá, trốn trại với trên 600 học viên tham gia, trong đó vụ lớn nhất là ngày 13/4 có 447 học viên và vụ ngày 9/11 có gần 200 học viên bỏ trốn. Cũng tại trung tâm này, tháng 7/2013, xảy ra 2 vụ với 23 học viên (hầu hết bị nhiễm HIV) bỏ trốn.

Và mới đây nhất là vào ngày 29/1/2017 (mồng 2 Tết Đinh Dậu), 100 học viên của Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục- Lao động xã hội tỉnh Long An trốn khỏi trung tâm để về nhà…ăn Tết!

Đây là những vụ phá và trốn khỏi trung tâm có tổ chức, có kẻ cầm đầu hoặc kích động và ít nhiều gây thiệt hại về trang thiết bị, cơ sở vật chất của các trung tâm. Đặc biệt, tại Đồng Nai, đã xảy ra vụ 8 bảo vệ trung tâm cai nghiện do bức xúc đã đánh chết một học viên chủ mưu gây náo loạn và kích động để 16 học viên cùng bỏ trốn (8 cán bộ này phải chịu án tù từ 2-9 năm). Ở nhiều trung tâm của các địa phương khác, hiện tượng lẻ tẻ một vài học viên bỏ trốn là chuyện khó tránh khỏi.

Nguyên nhân các vụ việc trên

Xét về mặt khách quan, trừ một vài địa phương có khả năng về ngân sách như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… thì phần lớn cơ sở vật chất của các trung tâm cai nghiện trên toàn quốc đều quá tải và xuống cấp, trang thiết bị thiếu thốn; điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho học viên không bảo đảm, thiếu môi trường cảnh quan sạch, đẹp nên tạo ra sự bức bối cho học viên.

Việc triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính về áp dụng phán quyết của Tòa án đưa người nghiện đi cai bắt buộc còn nhiều vấn đề bất cập như chưa truyên truyền, giải thích rõ cho người nghiện (và gia đình họ) về vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ quyền công dân khi xem xét xử lý hành chính người nghiện vi phạm pháp luật (nhiều người nghĩ rằng họ bị đưa ra tòa án xét xử nên bỏ trốn hoặc cho rằng họ không có tội mà phải ra Tòa); việc lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của một số địa phương chưa đúng quy định của pháp luật như: việc xác định tình trạng nghiện, việc xác minh nơi cư trú (cơ quan lập hồ sơ xác định là nghiện ma túy, người bị lập hồ sơ cho rằng họ mới sử dụng nhưng chưa nghiện hoặc việc cơ quan lập hồ sơ kết luận không có nơi cư trú ổn định, người bị lập hồ sơ lại cho rằng có nơi cư trú ổn định) dẫn đến sự bức xúc của học viên khi có Quyết định của Tòa án đưa đi cai bắt buộc.

Phần lớn người nghiện ma túy vào cai hiện nay là nghiện ma túy dạng tổng hợp, thường bị rối loạn tâm thần và gần 40% học viên có tiền án, tiền sự (nhiều người là “đại ca, đại bàng” ở nhà tù về) nên luôn kích động, chống đối cán bộ. Chủ trương cai nghiện bắt buộc chưa nhận được sự đồng thuận, chấp hành từ người nghiện (và một số thân nhân của họ). Học viên chưa hiểu đó là quyền lợi, chính sách của Nhà nước nhằm giúp họ tránh được ma túy, trở về cuộc sống yên lành và hòa nhập với cộng đồng.

Ngược lại, học viên vẫn nặng nề tư tưởng, tự ti, mặc cảm và luôn có thái độ bất hợp tác, không tuân thủ quy trình trị liệu, luôn tìm cách trốn khỏi trung tâm hoặc chống đối cán bộ, không chấp hành quy chế, quy trình cai nghiện.

Trong khi đó, cán bộ làm việc tại cơ sở cai nghiện ma túy không được phép sử dụng các chế tài, công cụ để răn đe, trấn áp, xử lý học viên có hành vi vi phạm nội quy, quy chế của cơ sở, thậm chí gây bạo loạn. Ở nhiều địa phương, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở cai nghiện chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ, nhiều nơi chỉ có lực lượng bảo vệ trung tâm vốn đã thiếu về số lượng, yếu về nghiệp vụ tự đảm nhiệm công việc.

Về nguyên nhân chủ quan, trước hết là đội ngũ cán bộ, nhân viên tại các trung tâm cai nghiện đa số chưa được đào tạo qua trường lớp chính quy nào nên nhìn chung còn yếu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Năng lực quản lý của cán bộ trung tâm còn hạn chế, một vài nơi quá khả năng do quy mô của Trung tâm quá lớn. Hầu hết các trung tâm thiếu cán bộ làm công tác xã hội, công tác tư vấn, đặc biệt là tư vấn tâm lý và nếu có thì kỹ năng còn yếu, chưa được tập huấn bài bản, thiếu kinh nghiệm nắm bắt sớm các hiện tượng bất thường và còn lúng túng khi xử lý các tình huống phức tạp.

Nhiều trung tâm do phải tiếp nhận dồn dập số lượng lớn học viên nên hạn chế việc nắm bắt thông tin về nhân thân học viên dẫn tới không phân loại được học viên, để học viên có tiền án, tiền sự, học viên bất hảo ở chung với các học viên khác, đã kích động, lôi kéo các học viên đập phá cơ sở để trốn.

Một số cán bộ, nhân viên trung tâm chưa thật an tâm công tác, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc, chưa thực sự thông cảm với hoàn cảnh người nghiện, chưa có sự giúp đỡ tận tâm, nhiệt thành người nghiện để thường xuyên đánh giá, nắm bắt tâm lý tư tưởng học viên một cách kịp thời, giúp đỡ giải tỏa những bức xúc băn khoăn, vướng mắc của họ trong quá trình cai tại trung tâm.

Cá biệt một số trung tâm chưa thực sự đảm bảo quyền lợi nghĩa vụ và trách nhiệm cho học viên trong việc thực hiện quy chế điều trị, lao động và sinh hoạt làm cho học viên hiểu sai vào trung tâm là coi như đi cải tạo lao động.

Một số giải pháp

Trước hết, cần tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy nói chung, về cai nghiện phục hồi nói riêng để mọi người dân hiểu rõ lợi ích thiết thực và chính sách nhân đạo của công tác cai nghiện cho người nghiện ma túy. Từ đó động viên, khích lệ người nghiện ma túy trước hết tự giác đi cai nghiện hoặc khi áp dụng biện pháp cai bắt buộc cũng vui vẻ, yên tâm chấp hành.

Xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người không may mắc nghiện. Quan tâm tới người cai nghiện trong thời gian cai tại trung tâm cũng như khi họ tái hòa nhập cộng đồng.

Các Bộ, ngành chức năng cần khẩn trương tháo gỡ những bất cập trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt những vướng mắc trong quá trình áp dụng quy định Tòa án ra Quyết định đưa người nghiện đi cai bắt buộc, thống nhất thời gian chấp hành cai bắt buộc với các đối tượng có thời gian nghiện và mức độ nghiện tương tự, quy định về thế nào là nghiện ma túy, quy trình hoàn chỉnh về điều trị và cai nghiện cho người nghiện, những biện pháp được áp dụng trong các trung tâm cai nghiện để xử lý và giải quyết những hành vi chống người thi hành công vụ hoặc gây rối, gây bạo loạn trong các trung tâm cai nghiện và đối với người đang phải chấp hành biện pháp cai bắt buộc theo luật định.

Các trung tâm cai nghiện cần thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ LĐTB&XH là phải phân chia ra từng khu để bố trí, sắp xếp các nhóm học viên phù hợp. Trung tâm phải cải thiện điều kiện ăn ở, học tập, sinh hoạt để học viên thấy thật sự thoải mái. Trong đó, lưu ý cần phải xác định rõ cai nghiện không phải là biện pháp hình sự mà là việc áp dụng các hoạt động điều trị, tư vấn, học tập, lao động, rèn luyện nhằm giúp cho người nghiện ma túy phục hồi về sức khỏe, chuyển biến về nhận thức, tâm lý và thay đổi hành vi, nhân cách để trở về tình trạng bình thường. Tuyệt đối không có sự không có sự kỳ thị hay phân biệt đối xử. Tạo môi trường thân thiện, thoải mái trong Trung tâm. Điều này sẽ giúp học viên thay đổi nhận thức, hành vi nhằm xác định tư tưởng và quyết tâm cai nghiện.

Việc cai nghiện ma túy có thể được áp dụng đối với các đối tượng tự nguyện hoặc bắt buộc, vì vậy việc các đối tượng có hành vi bỏ trốn khỏi nơi cai nghiện, trong trường hợp cai nghiện tự nguyện cần được xem như họ từ bỏ việc cai nghiện, trong trường hợp cai nghiện bắt buộc thì sẽ xem xét một số biện pháp hành chính về quản lý sau khi đưa họ quay về cơ sở cai nghiện. Nếu là người cầm đầu hoặc tái phạm có thể đề nghị chuyển sang Cơ sở Giáo dục của ngành Công an.

Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 về tăng cường, đẩy mạnh công tác kiểm soát và cai nghiện trong tình hình mới; Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 28/12/2013 về đổi mới công tác cai nghiện ở Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 14/7/2016 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó yêu cầu việc thành lập cơ sở xã hội phải đảm bảo các điều kiện theo Điều 14 của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Khi hình thành các trung tâm cai nghiện hay cơ sở điều trị ma tuý tự nguyện, bắt buộc, cơ sở lưu trú tạm thời… thì các địa phương có chỉ đạo chặt chẽ cơ quan chức năng liên quan lập kế hoạch phối hợp đảm bảo công tác an ninh trật tự cho các trung tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho trung tâm làm tốt chức năng nhiệm vụ.

Ngoài ra, các trung tâm cũng phải tự xây dựng phương án quản lý, bảo vệ và xử lý tình huống khi cần thiết, tránh để xảy ra tình trạng học viên phá, trốn khỏi trung tâm, cơ sở hoặc có hành vi manh động, bạo động. Tăng cường kinh phí đầu tư để nâng cấp, sửa chữa điều kiện ăn ở, sinh hoạt của học viên trong các cơ sở cai nghiện ma túy.

}
Top