Nguyên nhân khiến tỉ lệ lây nhiễm HIV gia tăng trong nhóm MSM

19/07/2022 16:08

(Chinhphu.vn) - Tỉ lệ lây nhiễm mới HIV đang có chiều hướng gia tăng trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Đáng chú ý, số liệu thống kê HIV/AIDS gần đây cho thấy có sự gia tăng số ca nhiễm mới được báo cáo hàng năm, trong đó, có sự thay đổi rõ rệt về hình thái lây nhiễm.

Nguyên nhân khiến tỉ lệ lây nhiễm HIV gia tăng trong nhóm MSM - Ảnh 1.

Truyền thông phòng, chống HIV cho cộng đồng MSM. Ảnh: Thùy Chi

Hình thái lây nhiễm HIV thay đổi sang nhóm MSM

Theo kết quả giám sát trọng điểm, tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM tăng nhanh trong vài năm trở lại đây từ 5.1% năm 2015 lên 12,2% năm 2017 và lên tới 13,3% năm 2020. Năm 2020, Cần Thơ có tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM cao nhất lên tới 22,7%, tiếp đó là TPHCM và Kiên Giang là 14,7%, An Giang là 13,5% và Khánh Hòa 12%. Ước tính tỷ lệ nhiễm HIV mới hàng năm trong nhóm MSM tăng gấp 4 lần (0,62% năm 2012 lên 2.5% năm 2020). Tỷ lệ nhiễm giang mai trong nhóm MSM cũng tăng nhanh từ 2,6% năm 2015 lên 9,3% năm 2017 và 12,5% năm 2020.

Số liệu thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy, trong năm 2021, cả nước phát hiện đến 13.223 trường hợp nhiễm HIV, trong đó tỉ lệ nhiễm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cao nhất (27%) và TPHCM (26%). 84,7% là nam giới, đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (79,1%) và qua đường máu (9,9%). Nhìn chung tỉ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao đã giảm đáng kể và tỉ lệ chung trong cộng đồng được kiểm soát ở mức dưới 0,3%. MSM đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.

Thời kỳ đầu của đại dịch HIV, nhóm tiêm chích ma túy nhiễm HIV là chủ yếu, tuy nhiên gần đây hình thái lây nhiễm đã thay đổi sang nhóm MSM. Điển hình tại TPHCM, số liệu thống kê HIV/AIDS trên địa bàn TPHCM cho thấy sự thay đổi gia tăng số ca nhiễm trong nhóm MSM.

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho thấy, ước tính hiện tại, thành phố có khoảng 51.000-55.000 người nhiễm HIV, chiếm khoảng 24% số người nhiễm trên cả nước. Giai đoạn hiện nay, nhóm MSM nhiễm HIV chiếm tỷ lệ lớn, hiện lên đến 76% số ca nhiễm HIV mới được ghi nhận trong năm 2021 là MSM.

PGS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) khẳng định, hình thái lây nhiễm HIV trong giai đoạn 2010-2020 có sự thay đổi. Trong đó, việc lây nhiễm HIV qua đường máu không còn là con đường lây nhiễm chính.

"Nam quan hệ tình dục đồng giới đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV tăng rõ rệt lên từng năm. MSM được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm mới HIV được ước tính hàng năm trong thời gian tới", ông Mạnh cho biết.

Lây nhiễm HIV vì thiếu hiểu biết

Tại Bệnh viện Bình Dân (TPHCM), thời gian gần đây cũng có nhiều nam giới trẻ tuổi đến khám bệnh ở vùng kín. BS Lê Vũ Tân cho biết, đa số trường hợp bệnh nhân nhiễm HIV đến bệnh viện thăm khám là nam quan hệ tình dục đồng giới. Nguyên nhân là do việc quan hệ qua đường hậu môn khiến tỷ lệ lây nhiễm bệnh cao hơn.

BS. Lê Vũ Tân phân tích, vì hậu môn không được cấu tạo để quan hệ tình dục. Ở hậu môn có rất nhiều mạch máu, khi quan hệ tình dục qua hậu môn rất dễ bị xây xước và chảy máu. HIV có trong tinh dịch của nam giới sẽ xâm nhập vào cơ thể bạn tình thông qua các vết xước và tổn thương của hậu môn.

BS. Tân cho biết, thông qua những ca bệnh được tầm soát và xét nghiệm dương tính HIV trong thời gian qua, ông thấy rằng đây là tình trạng đáng báo động, có những người thậm chí rất trẻ, không có kiến thức về phòng bệnh an toàn.

BS. Tân chia sẻ, trường hợp một sinh viên nam vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường bị nhiễm HIV do chủ quan và không đủ kiến thức về phòng bệnh an toàn. Sinh viên này kể lại với bác sĩ rằng do tin tưởng bản thân đang sử dụng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) nên quan hệ đồng giới khá thoải mái, không dùng bao cao su.

"PrEP là bước phát triển của khoa học nhưng đây không phải phương pháp dự phòng lây nhiễm tuyệt đối, vẫn có tỷ lệ nhất định người uống thuốc có nguy cơ lây nhiễm nên yếu tố quan hệ an toàn, chung thủy cần đặt lên hàng đầu", bác sĩ Tân khuyến cáo.

Không chỉ riêng trường em sinh viên nhiễm HIV do chủ quan không sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục mà còn có những trường hợp nhiễm HIV do thiếu hiểu biết. Trường hợp một nam giới 24 tuổi nhiễm HIV do nghĩ rằng mỗi lần quan hệ thì việc thụt, rửa âm đạo sau mỗi lần quan hệ tình dục sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV.

Trả lời về thắc mắc này, Bác sĩ khuyến cáo rằng, khi có quan hệ tình dục xâm nhập, virus hay vi khuẩn có thể xâm nhập vào trong cơ thể ngay từ khi có sự tiếp xúc với dịch sinh dục và máu nếu có tổn thương ở bộ phận sinh dục giữa hai bạn tình. Một số chất thụt rửa còn gây hại cho cơ thể vì làm mất đi những vi khuẩn có vai trò trong quá trình ngăn cản những vi khuẩn khác có hại xâm nhập vào cơ thể. Hay một số chất sát trùng có thể gây phản ứng có hại cho niêm mạc của cơ quan sinh dục.

Đẩy mạnh các can thiệp dự phòng cho nhóm MSM

Để ngăn chặn lây nhiễm mới trong nhóm MSM, đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng cần phải đẩy mạnh các can thiệp dự phòng cho nhóm MSM như: Tư vấn và xét nghiệm HIV; Tăng cường và đa dạng hóa các hình thức xét nghiệm HIV do các nhóm cộng đồng thực hiện, các phòng khám tư nhân, đặc biệt là hoạt động tự xét nghiệm HIV.

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm và điều trị ARV cho MSM nhiễm HIV:  Duy trì và mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) và thuốc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV trong vòng 72 giờ (PEP).

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, nhóm khách hàng sử dụng PreP hiện nay khá đa dạng. Tuy nhiên chủ yếu (tới 80%) khách hàng sử dụng PrEP là MSM. Qua đó có thể thấy MSM là nhóm khách hàng chính và là nhóm thích hợp nhất để áp dụng dự phòng trước phơi nhiễm HIV hiện nay. Một vấn đề nữa hiện nay MSM là nhóm khách hàng duy nhất có thể linh hoạt chuyển đổi phác đồ từ sử dụng PrEP sử dụng hàng ngày (tức uống thuốc liên tục hàng ngày) sang phác đồ sử dụng PrEP theo tình huống (khi nào có nguy cơ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục mới sử dụng – thường áp dụng cho những MSM có tần suất quan hệ tình dục dưới 2 lần/tuần) và ngược lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngoài ra còn có các chương trình can thiệp giảm hại khác như cung ứng bao cao su và chất bôi trơn; Can thiệp cho MSM sử dụng hoặc nghiện ma túy... Các dịch vụ y tế như: Triển khai hệ thống khám bệnh từ xa hoặc lấy mẫu tại nhà giúp cho khách hàng tiếp cận được với các chương trình y tế. Dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho nam quan hệ tình dục đồng giới.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho nhóm MSM cũng rất cần chú trọng. Cần sử dụng đa kênh: trực tiếp, truyền thông nhóm, đặc biệt là sử dụng các trang xã hội (các nhóm trên facebook đặc biệt là các nhóm kín: livestream, video hoặc các bài viết), các trang web của cộng đồng hay trang cá nhân của những người có ảnh hưởng trong cộng đồng. Lồng ghép trong các sự kiện cộng đồng kết hợp với các nhóm CBOs, phòng khám để truyền thông giúp cho cộng đồng MSM có thêm nhiều kiến thức về cách phòng tránh lây nhiễm HIV.

Thùy Chi

}
Top