Nhân văn với Mô hình giúp đỡ người chấp hành xong án tù tái hòa nhập cộng đồng
(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, các địa phương trên cả nước đã chú trọng tăng cường công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng. Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình tái hòa nhập cộng đồng có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính xã hội và nhân văn cao, giúp người từng lầm lỡ an tâm ổn định cuộc sống, hạn chế tái phạm tội.
Các mô hình hoạt động theo 2 tiêu chí là cảm hóa và giúp đỡ
Ngày 17/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng. Nghị định này áp dụng đối với phạm nhân trước khi chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện tại các cơ sở giam giữ phạm nhân (gọi chung là phạm nhân); người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành xong án phạt tù đã trở về cộng đồng (gọi chung là người chấp hành xong hình phạt tù) là người Việt Nam, người nước ngoài và người không có quốc tịch thường trú tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng.
Thực hiện Nghị định 49 của Chính phủ, thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã thực hiện tốt công tác này. Trong đó tập trung vào các biện pháp gồm: Thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng nhằm định hướng, khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa việc tái phạm tội, vi phạm pháp luật của người chấp hành xong hình phạt tù; Trợ giúp về tâm lý nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù xây dựng niềm tin, nghị lực, ý chí phấn đấu tái hòa nhập cộng đồng và phòng tránh các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật. Nội dung trợ giúp về tâm lý gồm: tư vấn xóa bỏ mặc cảm tự ti; rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cộng đồng; nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong các quan hệ xã hội. Đồng thời đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù...
Tại Tiền Giang, trong giai đoạn 2020 - 2022, huyện Tân Phú Đông đã tiếp nhận, lập hồ sơ cá nhân 53 người chấp hành xong án phạt tù về cư trú trên địa bàn để quản lý, giáo dục, giúp đỡ. Cụ thể, Công an các xã tham mưu UBND xã phân công các ngành, đoàn thể gặp gỡ người chấp hành xong án phạt tù, nắm bắt về hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ xã hội, tâm tư, nguyện vọng của họ để có biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ kịp thời. Kết quả, đến nay, số đối tượng chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú, tái hòa nhập cộng đồng chấp hành tốt là 50 người, tái phạm 3 người, tỷ lệ 5,6%.
Công tác điều tra, khảo sát và quản lý người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương đã giúp UBND huyện đánh giá thực trạng kết quả công tác quản lý, giúp đỡ, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn huyện cũng như điều kiện, khả năng tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, làm giảm tỷ lệ tái phạm tội, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù. Đồng thời, phát hiện các mô hình giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù có hiệu quả, nhân rộng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện đã ra mắt 2 mô hình tái hòa nhập cộng đồng tại xã Phú Thạnh và xã Tân Phú. Hình thức hoạt động của mô hình là một đối tượng chấp hành xong án phạt tù về địa phương được bốn người giúp đỡ, gồm: Đoàn thể, đảng viên, Công an và đại diện gia đình, mô hình hoạt động theo hai tiêu chí là cảm hóa, giáo dục và hỗ trợ, giúp đỡ.
Qua hoạt động của mô hình, lực lượng Công an cơ sở đã phối hợp với các ngành, đoàn thể cảm hóa, giáo dục nhiều đối tượng tiến bộ, giúp người chấp hành xong án phạt tù có việc làm ổn định. Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm xã Phú Thạnh và xã Tân Phú đã giúp đỡ 8 người được hỗ trợ bò chăn nuôi, 12 người được hỗ trợ vay vốn, với số tiền 285 triệu đồng, tặng quà cho 12 người (400.000 đồng/phần), góp phần tạo điều kiện ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh đó, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng được người dân đồng tình, ủng hộ. Nhờ thực hiện tốt các chính sách, công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù từng bước đi vào nền nếp, đạt yêu cầu kế hoạch đề ra, có tác động tích cực đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương, tỷ lệ tái phạm tội và vi phạm pháp luật của người chấp hành xong án phạt tù giảm.
Ngoài ra, các ngành, đoàn thể còn làm tốt vai trò, trách nhiệm thường xuyên gặp gỡ để nắm bắt hoàn cảnh gia đình, tâm tư, nguyện vọng và ý thức chấp hành pháp luật của từng đối tượng, để kịp thời có biện pháp quản lý, động viên, giới thiệu, giúp đỡ việc làm cho 20 người ổn định cuộc sống. Qua đó, giúp người chấp hành xong án phạt tù về nơi cư trú thấy được sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể, từ đó an tâm ổn định cuộc sống, hạn chế tái phạm tội.
Ngày 3/11, tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh), chính quyền và lực lượng Công an cơ sở đã tổ chức ra mắt mô hình “Chung tay giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng”. Mô hình này ra đời xuất phát từ thực tiễn, trong 5 năm trở lại đây, thị trấn Xuân An có 31 người chấp hành xong hình phạt tù về sinh sống tại địa phương. Ngoài ra, 8 người đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng và 1 người cải tạo không giam giữ.
Lãnh đạo thị trấn Xuân An cho biết, là địa bàn nằm ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh, lại giáp ranh với TP Vinh (Nghệ An) nên việc có nhiều người chấp hành xong án phạt tù về sinh sống tại địa phương đặt ra không ít thách thức cho lực lượng chức năng, không chỉ trong quá trình quản lý mà việc làm thế nào để giúp đỡ họ hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng cũng luôn là trăn trở thường trực.
Do đó, với mong muốn, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vai trò của các tổ chức, đoàn thể xã hội, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân cùng chung tay, xóa bỏ mặc cảm, tạo công ăn việc làm cho những người thi hành án hình sự tại cộng đồng có điều kiện, khả năng tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, mô hình "Chung tay giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng" ra đời là bệ đỡ để những người lầm lỡ sớm tìm được đường sáng cho tương lai sau khi chấp hành xong án phạt tù.
Theo đó, Ban chỉ đạo mô hình gồm 12 thành viên, gồm lực lượng Công an thị trấn, đại diện chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Trên cơ sở thực tiễn những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, ban chỉ đạo sẽ phân công cho từng trường hợp cụ thể để có trách nhiệm tiếp nhận và quản lý, giáo dục, giúp đỡ.
Các thàng viên sẽ có trách nhiệm thường xuyên tiếp xúc với những người đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người chấp hành xong án phạt tù để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của họ từ đó có biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ phù hợp, kịp thời. Đồng thời, vận động gia đình, người thân động viên, khích lệ để người chấp hành xong hình phạt tù vượt qua khó khăn nhanh chóng ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và chấp hành tốt các quy định của pháp luật.
Được biết, đây cũng là mô hình đầu tiên trên địa bàn huyện Nghi Xuân về việc giúp đỡ, cảm hóa người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng. Sau khi đưa vào hoạt động có hiệu quả, Công an huyện Nghi Xuân sẽ tham mưu để nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn huyện.
Số liệu thống kê cho thấy, trên địa bàn Hà Tĩnh hiện đang có hàng nghìn trường hợp thi hành án treo trong cộng đồng và chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Trong đó, tính riêng từ năm 2020 đến nay, có khoảng gần 1.000 trường hợp phạt tù cho hưởng án treo, thi hành án cải tạo không giam giữ.
Để giúp những người này chấp hành tốt bản án, cũng như những người thi hành án xong trở về địa phương sớm tái hòa nhập cộng đồng, từ năm 2021 đến nay Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đang phối hợp với các lực lượng chức năng, triển khai Đề án "Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh".
Đề án được xây dựng với mục tiêu nhằm khắc phục những tồn tại trong công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng trong thời gian qua; triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả các quy định của pháp luật có liên quan để giúp người lầm lỗi sớm hòa nhập, ổn định cuộc sống.
Bước đầu, ghi nhận những biến chuyển tích cực từ đề án khi tỉ lệ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương gần như không tái phạm, hàng trăm trường hợp được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm ổn định, có thu nhập. Các địa phương từ phường, xã đến huyện, thành thị đã chủ động thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn.
Một số cơ quan, đơn vị đã có sự phối hợp tương đối tốt trong công tác quản lý, giáo dục những người tái hòa nhập cộng đồng; một số cán bộ được phân công nhiệm vụ trực tiếp quản lý, giáo dục những người tái hòa nhập cộng đồng đã tích cực, chủ động để quản lý, giáo dục, định hướng việc làm từ đó giúp nhiều người trong diện tái hòa nhập cộng đồng tiến bộ, có việc làm ổn định, không vi phạm pháp luật.
Là bệ đỡ để những người lầm lỡ sớm tìm được đường sáng cho tương lai
Xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, trong những năm qua, Công an phường Anh Dũng (quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng) đã chủ động làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy - UBND phường chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, tổ dân phố, các thành viên tham gia mô hình "Giúp người chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng" trên địa bàn.
Sau khi được triển khai đã giúp cho đông đảo quần chúng nhân dân nhận thức đúng, không kỳ thị, phân biệt đối xử với những người chấp hành xong án phạt tù; tạo các điều kiện thuận lợi để người chấp hành xong án phạt ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Anh N.V.Đ, sinh năm 1962 ở phường Anh Dũng, quận Dương Kinh từng bị án phạt tù hơn 19 năm về cố ý giết người hàng loạt nhưng không thành và tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép. Năm 2011, chấp hành xong án phạt tù trở về với cuộc sống cộng đồng, anh không khỏi mặc cảm với những người xung quanh, nhưng anh đã được chính quyền, các tổ chức đoàn thể động viên kịp thời. Không chỉ tuyên truyền giúp anh xóa bỏ mặc cảm, Công an phường Anh Dũng còn trực tiếp động viên, giúp đỡ anh , cho anh vay 10 triệu mở quán bán hàng để có thu nhập ổn định, trang trải cuộc sống.
Lãnh đạo quận Dương Kinh cho biết, mô hình "Giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng" tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh ra đời từ năm 2016 là mô hình điểm sau đó được nhân rộng toàn quận.
Ngay từ khi triển khai, Ban Chỉ đạo mô hình đã tham mưu cho Đảng ủy - UBND phường chỉ đạo các ban, ngành chức năng liên quan, các tổ chức đoàn thể xã hội phường và các tầng lớp nhân dân…tích cực tham gia công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá trở về địa phương. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, giáo dục, quản lý tốt những người tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các điều kiện, nguy cơ tái phạm và vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương được đặc biệt coi trọng. Trong những năm qua, UBND phường Anh Dũng đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương vay vốn phát triển sản xuất. Ngoài ra, UBND phường cũng đã chỉ đạo các ban ngành đoàn thể chủ động liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm để giới thiệu người chấp hành xong án phạt tù có cơ hội tìm được việc làm ổn định cuộc sống.
Trung tá, Nguyễn Trí Hướng, Trưởng Công an phường Anh Dũng, quận Dương Kinh cho biết: Đối với người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, Công an phường trực tiếp phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể kịp thời động viên, giúp đỡ để tái hòa nhập cộng đồng. Công an phường Anh Dũng cũng thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng trường hợp để tham mưu chính quyền địa phương có biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để họ ổn định cuộc sống. Hàng tháng, Công an phường cũng tổ chức phân loại, đánh giá mức độ tiến bộ của từng trường hợp; định kỳ 3 tháng, 6 tháng tổ chức tổng rà soát, bổ sung danh sách, hồ sơ theo dõi, quản lý theo quy định; kịp thời làm thủ tục xóa án tích cho các trường hợp người chấp hành xong án phạt tù có đủ điều kiện.
Công an phường, các ban ngành đoàn thể cũng thường xuyên trao đổi, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn phường, quận cùng tham gia giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với người tái hòa nhập cộng đồng, giới thiệu, tư vấn việc làm, hỗ trợ về vốn sản xuất… Qua đó, đã có nhiều cá nhân điển hình về tái hòa nhập cộng đồng, nêu gương cho những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương cư trú và góp phần giúp họ sớm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế của địa phương, điển hình: anh H. A. D, sinh năm: 1975, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú trên địa bàn phường Anh Dũng, quận Dương Kinh.
Ngoài ra, Công an phường kết hợp Hội Phụ nữ Phòng PC10, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường cùng chủ động phân công các thành viên trong hội thực hiện chương trình "3 kèm 1" (gồm phụ nữ tổ dân phố, Công an phường, đại diện gia đình) tại các tổ dân phố khi có người chấp hành xong án phạt tù về địa phương. Các lực lượng chức năng này thường xuyên duy trì công tác thăm hỏi, gặp gỡ những người trong diện tái hòa nhập cộng đồng vào ngày chủ nhật cuối tháng; tiếp xúc thăm hỏi, trợ giúp tâm lý, nắm tình hình tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh, giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Trong năm 2016 - 2020, Công an phường tiếp nhận số người trong diện giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù về địa phương là 19 trường hợp.
Có thể thấy, hoạt động của mô hình "Giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng" đã giúp cho nhiều người từng có quá khứ lầm lỗi có cuộc sống ổn định, hạn chế đến mức tối đa tình trạng tái phạm tội và vi phạm pháp luật.
Giang Oanh