Nhiều nước đưa ra cam kết mạnh mẽ hướng tới chấm dứt bệnh AIDS

15/12/2023 14:48

(Chinhphu.vn) - Tại cuộc họp lần thứ 53 của ban điều phối do Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), nhiều quốc gia cam kết mạnh mẽ, tăng cường nỗ lực nhằm chấm dứt “căn bệnh thế kỷ” vào năm 2030.

Nhiều nước đưa ra cam kết mạnh mẽ hướng tới chấm dứt bệnh AIDS- Ảnh 1.

Các quốc gia đang chung tay hướng tới mục tiêu kết thúc bệnh AIDS vào năm 2030. Ảnh minh họa

Giám đốc Điều hành UNAIDS Winnie Byanyima nhấn mạnh sự cần thiết của công tác chuẩn bị trong thời điểm này hướng tới những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong trường hợp đại dịch trở lại.

Hiện UNAIDS đang tăng cường tập trung vào việc đạt được các mục tiêu năm 2025.

Nhằm giải quyết những thiếu hụt trong nguồn tài trợ toàn cầu cho việc đối phó với căn bệnh HIV/AIDS, bà Byanyima kêu gọi các nhà tài trợ dành trước các nguồn lực, hỗ trợ các nước đang phát triển tăng không gian tài chính và tài trợ đầy đủ cho UNAIDS trong nhiều năm.

Theo báo cáo của cơ quan này, vào năm 2022, chỉ có 20,8 tỉ USD được huy động ở quy mô toàn cầu cho hoạt động ứng phó HIV, thấp hơn rất nhiều so với mức 29,3 tỉ USD được dự tính là cần thiết vào năm 2025.

Trước thực trạng này, một số nước tài trợ gần đây đã tăng cường đóng góp cho UNAIDS, bao gồm Côte d'Ivoire, Hà Lan và Mỹ.

Trong cuộc họp trên, Pháp tuyên bố tăng 50% đóng góp tự nguyện cho UNAIDS, Đức công bố thêm 1 triệu euro và Luxembourg công bố thêm 100.000 euro cho UNAIDS.

Các quốc gia khác cũng tăng cường hỗ trợ, trong đó có Australia công bố khoản đầu tư lên tới 12 triệu đôla Australia cho mối quan hệ hợp tác mới với UNAIDS để giúp các cộng đồng chấm dứt bệnh AIDS ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

"Hãy để cộng đồng dẫn dắt" là chủ đề của báo cáo Ngày Thế giới Phòng Chống AIDS năm nay của UNAIDS, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng trong việc ứng phó với HIV, cũng như việc thiếu nguồn tài trợ và các rào cản có hại đang cản trở công việc cứu sống của họ và cản trở sự kết thúc của bệnh AIDS như thế nào.

Tính đến hết năm 2022, thế giới có khoảng 39 triệu người đang sống chung với HIV và 630.000 người nhiễm HIV đã tử vong. Trong năm 2022, thế giới có khoảng 1,3 triệu người nhiễm HIV mới được phát hiện, trong đó có 130.000 trẻ em dưới 15 tuổi. Châu Phi là khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch HIV với khoảng 25,8 triệu người nhiễm HIV.

Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tính đến hết năm 2022 có khoảng 6,5 triệu người đang sống chung với HIV và khoảng 150.000 người nhiễm HIV đã tử vong. Trong năm 2022, khu vực có 300.000 người nhiễm HIV mới được phát hiện, trong đó có 12.000 trẻ em dưới 15 tuổi.

Thùy Chi

}
Top