Những phụ nữ nhiễm HIV được ‘hồi sinh’ vì sinh con khỏe mạnh

10/11/2022 17:47

(Chinhphu.vn) - Những năm 2011-2012, tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con trên địa bàn cả nước là khoảng 2%-3%. Tuy nhiên hiện tỉ lệ này gần như về 0. Các sản phụ nhiễm HIV khi có bầu đều được sử dụng thuốc ARV dự phòng và theo dõi chặt quá trình tuân thủ điều trị đến khi sinh.

Tuân thủ hướng dẫn, điều trị theo chương trình dự phòng

Gần 70 ngày sau khi con thứ 3 chào đời, N.T.T, 28 tuổi đến xét nghiệm HIV và lấy thuốc ARV định kỳ tại TTYT quận Nam Từ Liêm. Người phụ nữ này đang trong tâm trạng hồi hộp vì con cô đã có kết quả âm tính lần 1 với HIV. "Với em, giờ không có gì hạnh phúc hơn nếu cháu thật sự khỏe mạnh", chị T. tâm sự.

N.T.T. đã có 2 con với người chồng trước. Năm 2017, trong một lần xô xát với người bạn nhiễm HIV, cô đã bị phơi nhiễm từ vết cào trên cổ. Khi biết mình nhiễm HIV, cô vô cùng buồn bã, chán nản, rơi vào stress khi gia đình ly tán.

Những phụ nữ nhiễm HIV được ‘hồi sinh’ vì sinh con khỏe mạnh - Ảnh 1.

Chị N.T.T. đến lấy thuốc định kỳ tại TTYT quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Thùy Chi

Vài năm sau, trong những tháng đi xét nghiệm và lấy thuốc định kỳ tại TTYT quận Nam Từ Liêm, chị gặp chồng chị bây giờ. Nhìn cảnh ngộ của nhau, họ quyết định dọn về chung một nhà. "Lúc ấy chúng tôi cùng khao khát có thêm đứa con nhưng đều lo sợ con sinh ra sẽ nhiễm HIV", chị T. bộc bạch.

Tuy nhiên, khi bày tỏ nguyện vọng với các y, bác sĩ tại TTYT được các bác sĩ tại TTYT quận Nam Từ Liêm tư vấn rất kỹ lưỡng cho chị T. Suốt quá trình mang thai, chị T. được theo dõi, hỗ trợ rất nhiều. Từ khi mang thai, tháng nào chị T. cũng đến lấy thuốc. Khi em bé chào đời được các bác sĩ cho uống thuốc dự phòng ngay. Hiện tại, kết quả xét nghiệm HIV lần 1 của con chị T. âm tính. Chị T. đang chờ kết quả xét nghiệm lần 2 của bé.

Chị T. là 1 trong 12 bà mẹ sau sinh mắc HIV đang được theo dõi và nhận thuốc ARV trong năm 2022 tại TTYT quận Nam Từ Liêm. Trong những năm qua, cơ sở y tế này là một điểm sáng về điều trị ARV, điều trị dự phòng PrEP, giảm tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Một trường hợp khác là câu chuyện của chị N.T.H, 29 tuổi, ở TP. Vũng Tàu. Chị H. chia sẻ chị mang thai con đầu lòng chưa được bao lâu thì vào thời điểm thai 6 tháng, chị nhận kết quả thông báo nhiễm HIV khi làm xét nghiệm định kỳ. Đau đớn, bàng hoàng, chị chỉ còn biết chia sẻ với chồng. Đáng buồn hơn, người chồng đổ lỗi do chị mang mầm bệnh nên đã chửi bới, đuổi chị ra khỏi nhà. Chị H. đã rất đau lòng tới mức suy sụp, không ăn uống, thức trắng đêm, đồng thời lo lắng không biết con có bị nhiễm HIV không vì lúc này thai đã lớn.

Trong quá trình điều trị, chị H. được các bác sĩ tư vấn phương pháp giữ an toàn cho thai nhi trong bụng và uống thuốc phòng ngừa lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho đến khi sinh. Đến nay con chị H. đã được 6 tháng. Và rất may mắn khi bé an toàn, không bị lây nhiễm HIV. "Tôi như hồi sinh thêm một lần nữa. Những đau đớn, tủi hờn không còn mà thay vào đó là sự biết ơn đội ngũ y, bác sĩ đã đem lại sự sống cho con tôi", chị H. xúc động bày tỏ.

Hay một trường hợp khác của chị H.T.L ở Thanh Hóa, hai vợ chồng chị đều nhiễm HIV hơn 10 năm nay và đều đang điều trị thuốc kháng ARV. Khát vọng sinh con bao lâu nay nhưng do sợ con lây nhiễm HIV nên hai vợ chồng chị đầu chần chừ. Một lần đến thăm khám, chị mạnh dạn tâm sự với bác sĩ và được bác sĩ hướng dẫn tận tình. Thế rồi giờ chị đã có 2 con khỏe mạnh. Chị L. tâm sự, từ ngày có con trị thấy cuộc sống có giá trị hơn, như được hồi sinh để sống thêm lần nữa.

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ phụ nữ nhiễm HIV

Tại Thanh Hóa, các hoạt động dự phòng lây truyền mẹ con đã được lồng ghép với chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản hay khi chẩn đoán, điều trị các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.

Thực hiện can thiệp kế hoạch hóa gia đình khi phụ nữ nhiễm HIV không có nhu cầu sinh con, những phụ nữ nhiễm HIV được tư vấn các biện pháp can thiệp trước, trong và sau sinh để sinh con an toàn và được hướng dẫn về lợi ích cũng như những nguy cơ lây nhiễm HIV khi cho trẻ bú, khi vệ sinh, chăm sóc trẻ và tổ chức một hệ thống quản lý và chăm sóc thích hợp tại nhà. Nhờ vậy, tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã giảm một cách rõ rệt và mang tính bền vững.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, năm 2021, toàn tỉnh xét nghiệm HIV cho 30.962 phụ nữ mang thai, phát hiện mới 9 phụ nữ mang thai nhiễm HIV; có 36 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV, 36 trẻ đẻ sống từ mẹ nhiễm HIV và đều được dự phòng ARV.

Chỉ riêng trong quý I-2022, toàn tỉnh xét nghiệm HIV cho 4.942 phụ nữ mang thai, phát hiện mới 2 phụ nữ mang thai nhiễm HIV; có 9 phụ nữ mang thai được điều trị dự phòng lây truyền mẹ con (trong đó điều trị ARV trước khi có thai 7, bắt đầu điều trị ARV trong khi chuyển dạ, đẻ 2); 9 trẻ đẻ sống từ mẹ nhiễm HIV và 100% trẻ đều được điều trị dự phòng ARV. Số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được xét nghiệm PCR lần 1 trong vòng 2 tháng tuổi có 1 trẻ... Do tuân thủ đúng, đầy đủ quá trình điều trị bằng ARV, nên tất cả các trẻ sinh ra đều phát triển bình thường và không bị nhiễm bệnh.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết, hầu hết phụ nữ đang mang thai và trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn tỉnh đều được các bác sĩ tư vấn, sàng lọc và lấy máu xét nghiệm HIV sớm. Đây được đánh giá là biện pháp hữu ích, không chỉ phòng ngừa HIV, mà còn tạo điều kiện chăm sóc, hỗ trợ cho phụ nữ mang thai và các bé sinh ra có được sức khỏe phát triển bình thường.

Tại TTYT quận Nam Từ Liêm, BS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc TTYT quận Nam Từ Liêm cho biết, năm qua, đáng tiếc nhất là trong số các em bé được sinh ra thì có 1 trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV. Nguyên nhân là người mẹ được phát hiện mình mắc HIV ở thời điểm muộn, khi đến với Trung tâm và thai đã ở tuần thứ 28. Những bà mẹ còn lại được tư vấn uống đủ thuốc, đúng giờ, tuân thủ điều trị nên các con sinh ra đều khỏe mạnh.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, 6 tháng đầu năm 2022, 11 trong số 12 trẻ sinh ra xét nghiệm không nhiễm HIV do trước đó mẹ và bé đã được điều trị dự phòng. Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, nếu trước đây trong số 10 sản phụ nhiễm HIV mang thai thì sẽ sinh được 7 em bé khỏe mạnh, còn 3 trường hợp sẽ dương tính thì nay 100% sản phụ sinh con đều không nhiễm HIV. Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 3 con đường chính làm lây truyền HIV. Do đó, nếu không được điều trị sớm thì tỉ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con rất cao. Thuốc ARV có tác dụng ngăn sự nhân lên của virus HIV, từ đó làm giảm số lượng virus HIV trong cơ thể bệnh nhân và giảm khả năng lây truyền cho người khác.

ThS.BS. Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, những năm 2011-2012, tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con trên địa bàn cả nước là khoảng 2-3%. Hiện tỉ lệ này gần như về 0. Các sản phụ nhiễm HIV khi có bầu đều được sử dụng thuốc ARV dự phòng và theo dõi chặt quá trình tuân thủ điều trị đến khi sinh. Sinh con xong, trẻ sẽ được uống thuốc dự phòng trong 2 tháng, sau đó làm xét nghiệm PCR khẳng định. ThS.BS. Cao Kim Thoa khẳng định, đây là một thành tựu lớn của việc triển khai dự án hỗ trợ các cặp vợ chồng nhiễm HIV sinh con an toàn, giảm thiểu lây nhiễm trong cộng đồng.

Thùy Chi

Top