Những thành tựu quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS năm 2024
(Chinhphu.vn) - Một trong những thành tựu quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 là việc giám sát ca bệnh đã được triển khai đồng bộ tại 63/63 tỉnh, thành phố thông qua hệ thống HIV-INFO 4.0. Số liệu thống kê cho thấy, 100% người nhiễm HIV được quản lý trên hệ thống HIV-INFO 4.0.
Ngoài ra, công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng đã đạt được nhiều thành tựu khác, bao gồm:
Giám sát trọng điểm HIV triển khai tại 20/63 tỉnh thành phố theo Quyết định số 64/QĐ-AIDS ngày 24/4/2024 về việc ban hành Hướng dẫn địa bàn, đối tượng, phương pháp chọn mẫu và quy trình tổ chức triển khai giám sát trọng điểm.
Triển khai đa dạng các hoạt động và mô hình tư vấn, xét nghiệm HIV. Toàn quốc có hơn 1.300 phòng xét nghiệm sàng lọc và 251 phòng xét nghiệm khẳng định HIV: (Tuyến Trung ương 31 phòng (Trong đó có 05 phòng thuộc Công an bao gồm 2 trạm giam; 3 phòng thuộc Quận đội); tuyến tỉnh 80 phòng, tuyến huyện 136 phòng, tư nhân: 4 phòng).
Xét nghiệm nhiễm mới HIV được triển khai tại 50/63 tỉnh thành phố. Kết quả nhiễm mới HIV nhằm cung cấp các bằng chứng khoa học cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Kết quả này cung cấp dữ liệu cấp độ quần thể về nhiễm mới HIV để phân tích nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, xác định điểm nóng cần lập kế hoạch dự phòng và đáp ứng y tế công cộng. Đồng thời giúp nhân viên y tế xác định ưu tiên và tư vấn tăng cường, hiệu quả trong việc tìm ra các ca nhiễm HIV khác, kết hợp đồng bộ việc chăm sóc điều trị ngay, can thiệp dự phòng, chuyển gửi ưu tiên và giám sát chủ động.
Đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV triển khai tại 5 tỉnh: Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Cao Bằng. Việc triển khai đáp ứng y tế công cộng đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật như: tăng tỉ lệ chuyển gửi điều trị ARV thành công, tăng tỉ lệ điều trị ARV trong ngày và tăng số khách hàng tham gia điều trị PrEP mới.
Thường xuyên theo dõi số liệu để phát hiện sự gia tăng bất thường về dịch HIV ở các tỉnh/thành phố và họp giao ban với địa phương nhằm tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS để kiểm soát dịch. 9 tháng đầu năm đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với 4 tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Hà Tĩnh, Hậu Giang.
Triển khai đồng bộ báo cáo định kỳ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS qua hệ thống phần mềm báo cáo Thông tư số 05 xuống các tuyến tỉnh/huyện/xã. Số liệu báo cáo được cập nhật đầy đủ định kỳ theo quý, chất lượng số liệu được cải thiện và nâng cao, số liệu báo cáo được sử dụng thường xuyên trong việc lập kế hoạch triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoat động quản lý điều hành và quản lý chuyên môn trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS. Xây dựng kế hoạch xây dựng hệ thống thông tin y tế và chuyển đổi số hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2024 – 2030. Hoàn thiện hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn thông tin mạng của hệ thống thông tin HIV/AIDS hướng tới bảo đảm an toàn an ninh cấp độ 3, trong đó xây dựng phương án bảo vệ hệ thống thông tin và phương án ứng cứu xử lý sự cố tấn công mạng. Định kỳ đánh giá an toàn hệ thống thông tin và triển khai thực hiện quy chế bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng của theo quy định.
Truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS và truyền thông tạo cầu cho giới trẻ được đa dạng hóa và đạt hiệu quả cao thông qua nhiều sự kiện truyền thông trong khu công nghiệp, trường học và truyền thông đa phương tiện.
Tiếp tục triển khai các hoạt động can thiệp giảm hại: phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn cho các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt tập trung nhiều cho nhóm MSM.
Duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Tính đến 30/9/2024, chương trình Methadone đã được triển khai tại 347 cơ sở điều trị của 63 tỉnh/thành phố, điều trị cho khoảng 47.000 bệnh nhân.
Hoàn thành Đề án thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày: Đề án được triển khai thí điểm từ tháng 3/2021 đến nay với khoảng 5.000 bệnh nhân được triển khai tại 6 tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Bắc Giang, Nghệ An (chiếm khoảng 40% tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị Methadone tại các cơ sở này). Tại Điều 35 Nghị định 141/2024/NĐ-CP ngày 28/10/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) quy định về việc triển khai cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày. Đây là hành lang pháp lý cho việc triển khai mở rộng cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày ra toàn quốc trong thời gian tới.
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP): Sau thành công của giai đoạn thí điểm, với sự hỗ trợ từ các dự án PEPFAR và Quỹ Toàn cầu, Bộ Y tế đã mở rộng cung cấp dịch vụ PrEP tại 29 tỉnh, thành phố, với hơn 200 cơ sở cung cấp dịch vụ này. Việt Nam đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các mô hình PrEP khác nhau. Trong giai đoạn 2020-2024, cả nước đã có 111.159 người sử dụng PrEP ít nhất một lần, và tỉ lệ duy trì điều trị từ 3 tháng trở lên đạt hơn 70%. WHO đã đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc áp dụng các khuyến cáo mới vào chương trình HIV quốc gia.
Hiện tại, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang phối hợp với các đơn vị liên quan sửa đổi Hướng dẫn điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trong đó có hướng dẫn triển khai cấp phát thuốc nhiều ngày.
Thành tựu quan trọng trong điều trị HIV/AIDS: Tính đến tháng 6/2024, trên toàn quốc có 181.558 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV), trong đó có 2.466 trẻ em dưới 15 tuổi, tại hơn 500 cơ sở y tế ở 63 tỉnh, thành phố. Số người được cấp thuốc ARV thông qua bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 119.055 người, chiếm trên 66%. Chương trình điều trị ARV tại Việt Nam đã nhận được đánh giá cao từ cộng đồng quốc tế:
Trong đó, tỉ lệ người bệnh HIV có kết quả xét nghiệm tải lượng HIV (TLHIV) dưới ngưỡng ức chế (< 1000 cp/ml) đạt trên 97%.
Tỉ lệ người bệnh duy trì điều trị ARV đạt trên 95%.
Trên 95% bệnh nhân được điều trị dự phòng lao tiềm ẩn và đồng nhiễm HIV/Lao.
Gần đây, các cơ sở điều trị đã bắt đầu triển khai sàng lọc, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, đái tháo đường, sức khỏe tâm thần.
Công tác quản lý và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng được tăng cường, bao gồm xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai để phát hiện và điều trị ARV kịp thời, giúp trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng và tư vấn chăm sóc. Tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con hiện duy trì ở mức rất thấp, dưới 1,9%.
Cung cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị cho trẻ em và vị thành niên nhiễm HIV, bao gồm tư vấn công khai tình trạng nhiễm HIV và hướng dẫn sức khỏe sinh sản, an toàn tình dục tại các cơ sở điều trị.
Tự chủ tài chính trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS: Bên cạnh tiếp tục vận động, huy động các nguồn tài chính quốc tế, Bộ Y tế tiếp tục huy động các nguồn lực tài chính trong nước quan trọng bao gồm ngân sách địa phương, nguồn quỹ BHYT, ngân sách Trung ương, thu phí dịch vụ và huy động khu vực tư nhân và các nguồn xã hội hóa. Đến nay các nguồn tài chính trong nước đã đạt khoảng 42%.
Trong đó, đáng lưu ý, trong thời gian vừa qua Việt Nam đã rất thành công trong việc chuyển giao chương trình điều trị ARV sang nguồn quỹ BHYT đến nay Quỹ BHYT đã chi trả tới 90% thuốc đàm phán giá. Tỉ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT đạt tới 96% tuy nhiên đến nay vẫn còn 5-7% bệnh nhân đang điều trị từ khu vực tư nhân do không muốn lộ danh tính.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc tăng độ bao phủ BHYT và bảo đảm quỹ BHYT chi trả đầy đủ cho người nhiễm HIV theo quyền lợi của người có thẻ BHYT.
Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, ước tính có hơn 267.000 người nhiễm HIV trên cả nước. Trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 11.421 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.263 trường hợp tử vong. Năm 2023, cả nước ghi nhận 13.445 trường hợp dương tính HIV mới, 1.623 ca tử vong.
Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV đầu năm đến nay có 82,9% là nam giới, độ tuổi chủ yếu từ 15 - 29 (40%) và 30 - 39 (27,3%). Số người nhiễm từ 15 -29 tuổi tăng từ 32% năm 2016 lên 39,4% năm 2024. Bên cạnh đó đối tượng chiếm tỉ lệ cao nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới (42,2%).
Trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỉ lệ người nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47,5% năm 2010, xuống còn 6,5% tháng 9/2024. Tỉ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục trở thành đường lây chính khi tăng từ 47,5% năm 2010 lên 70,8% vào tháng 9/2024. Tỉ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm nam nghiện chích ma túy (khoảng 12%) và nhóm phụ nữ bán dâm (dưới 5%) có xu hướng ổn định qua các năm.
Tỉ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM có xu hướng tăng rất nhanh trong thời gian qua (tỉ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM trong giám sát trọng điểm HIV tăng từ 7,4% năm 2016 lên 12,5% năm 2022).
Thùy Chi