Những vướng mắc và kiến nghị sửa đổi các quy định đến đưa người vào cơ sở cai nghiện

05/10/2018 09:47

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014. Đến nay nhìn chung việc áp dụng các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã dần đi vào ổn định.

Lập hồ sơ đưa người vào Cơ sở cai nghiện ma túy-Ảnh minh họa

Tuy nhiên, việc triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính, các quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong đó có biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc “thực tiễn hiện nay tại các địa phương còn nhiều khó khăn, phức tạp, còn tồn tại nhiều vấn đề mang tính đặc thù của từng địa phương cần được tháo gỡ” .

Theo Phó Chánh án TAND huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng Lê Anh Sơn, các khó khăn ,vướng mắc hiện nay nằm ở việc xác định về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; về lập hồ sơ đối với người nghiện có nơi cư trú ổn định; về xác định tình trạng nghiện ma túy; về xác định người nghiện không có nơi cư trú ổn định.

Cụ thể, về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo quy định tại khoản 1 Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì “Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định”.

Nghị định 136/2016/NĐ-CP ngày 30/10/2016 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định 136) bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cũng đã quy định chi tiết hơn về các đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, theo đó, 3 trường hợp bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gồm: Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn hai năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn một năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện; Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy; Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định.

Từ quy định nêu trên có thể thấy, điều kiện trước tiên đế áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc về độ tuổi của người nghiện ma túy phải từ đủ 18 tuổi. Nhưng thực tế hiện nay “Số người sử dụng ma tuý tổng hợp ngày càng tăng, đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên”. Vậy người nghiện ma túy chưa đủ 18 tuổi không thuộc đối tượng điều chỉnh của các quy định nêu trên thì sẽ được điều chỉnh bởi quy định nào?

Trong khi đó, theo Điều 29 Luật Phòng chống ma túy (văn bản hợp nhất) ngày 23/7/2013 thì: Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ. Và người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tự nguyện hoặc được gia đình làm đơn xin cai nghiện thì được nhận vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ.

Do đó, việc cai nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không coi là việc xử lý vi phạm hành chính.

Luật Phòng, chống ma túy cũng quy định thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với nhóm này là Chủ tịch UBND cấp huyện. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 96 của Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên và thẩm quyền quyết định là TAND cấp huyện. Do vậy, có áp dụng biện pháp đưa người dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy nữa hay không đến nay còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan, gây khó khăn cho các địa phương.

Trước đây, theo Nghị định số 221/2013/NĐ-CP, để áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì người nghiện phải đã được cai nghiện ma túy tại cộng đồng hoặc bị đưa ra khỏi chương trình điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, nhưng theo Nghị định 136 thì không quy định điều kiện này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là vậy khi nào thì áp các quy định của Nghị định 94? Hay cứ bị giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện thì cho đi cai nghiện bắt buộc ngay mà không cần thiết phải áp dụng hình thức cai nghiện tự nguyện hoặc cai nghiện bắt buộc tại gia đình, cộng đồng? Và như vậy sẽ nảy sinh tình trạng người có thẩm quyền lập hồ sơ có thể có nhiều hướng xử lý khác nhau: hoặc là đề nghị Chủ tịch UBND xã, phường áp dụng biện pháp cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc là đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.

Có ý kiến cho rằng điều này cũng gây khó khăn cho Tòa án trong việc có quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc hay không đối với trường hợp người nghiện ma túy chưa được áp dụng biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo Nghị định 94.

Khó khăn, vướng mắc thứ hai là về lập hồ sơ đối với người nghiện có nơi cư trú ổn định. Hiện Nghị định 136 đã “gỡ” được rất nhiều nút thắt cho cơ quan có trách nhiệm lập hồ sơ, như quy định các tài liệu phải có trong hồ sơ cụ thể, rõ ràng hơn, phù hợp với thực tế hơn. Nhưng đây chỉ là phần “ngọn”. Vì, muốn áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy thì trước đó họ đã phải được giáo dục tại xã.

Trong khi đó việc lập hồ sơ giáo dục tại xã được quy định tại Nghị định 111/2013/NĐ-CP, ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được coi là giai đoạn “tiền tố tụng”. Nhưng quá trình lập hồ sơ giáo dục tại xã còn rườm rà, qua nhiều khâu và công đoạn, không sát với thực tế, mất nhiều thời gian không đảm bảo được nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính là “Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh” và “Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng”.

Vướng mắc thứ ba là về xác định tình trạng nghiện ma túy. Việc xác định tình trạng nghiện ma túy của người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là điều kiện tiên quyết để xem xét có xử lý người sử dụng trái phép ma túy không. Trong giai đoạn lập hồ sơ giáo dục tại xã, cơ quan lập hồ sơ phải xác định tình trạng nghiện ma túy hiện tại của họ. Việc xác định tình trạng nghiện ma túy được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an về thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy.

Thông tư số 17/2015 ngày 09/7/2015 quy định thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy đã đưa ra các biểu mẫu và cụ thể hóa cũng như sửa đổi các văn bản về xác định tình trạng nghiện ma túy trước đây để người có thẩm quyền dễ thực hiện hơn. Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc, đó là: nhiều loại ma túy không thuộc nhóm ATS, đặc biệt là Methamphetamin (ma túy đá) và nhóm OPIATS đã được sử dụng ở nước ta song chưa có hướng dẫn chẩn đoán nghiện.

Bên cạnh đó, Quyết định số 5075/QĐ-BYT và Quyết định số 3556/QĐ-BYT của Bộ Y tế đều đưa ra tiêu chuẩn để xác định tình trạng nghiện của một người phải đủ cả hai điều kiện về lâm sàng và xét nghiệm. Về lâm sàng phải có ít nhất 3/6 triệu chứng trong 12 tháng vừa qua và xét nghiệm phải dương tính với chất ma túy. Tuy nhiên, 6 triệu chứng theo hướng dẫn trên thì có tới 5 triệu chứng phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người cần xác định nghiện, họ phải hợp tác, trả lời đúng vấn đề của mình khi được hỏi và chỉ có một triệu chứng “hội chứng cai” là phản ảnh khách quan. Song hầu hết các đối tượng thuộc diện bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính không hợp tác, họ không trả lời đúng tình trạng nghiện của mình, hơn nữa, để xác định hội chứng cai đòi hỏi phải giữ người cần xác định nghiện không cho họ sử dụng ma túy trong thời gian 48 giờ đối với người xác định nghiện OPIAT và 72 giờ đối với người xác định nghiện ATS. Tuy nhiên, luật pháp không quy định việc giữ người gây khó khăn cho công tác xác định tình trạng nghiện.

Mặt khác, việc xác định các triệu chứng của hội chứng cai, đặc biệt hội chứng cai ATS, các triệu chứng về tâm thần là chủ yếu đòi hỏi người có thẩm quyền xác định nghiện phải có kiến thức, chuyên môn sâu về tâm thần mới có thể xác định được. Thực tế tỷ lệ xác định nghiện ATS trong số người sử dụng ATS được đưa vào các cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội (cơ sở quản lý nghiện không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) rất khác nhau tại các cơ sở.

Vướng mắc cuối cùng là việc xác định người nghiện không có nơi cư trú ổn định. Trên thực tế có nhiều người nghiện ma túy sống lang thang lúc ở địa bàn xã/phường này, lúc sang địa bàn xã/phường khác (có thể trong cùng địa bàn huyện/quận hoặc khác huyện/quận) nên việc lập hồ sơ quản lý đối với những người nghiện này thường rất khó khăn. Các văn bản pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể như thế nào là không có nơi cư trú ổn định gây lúng túng trong việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Trước những khó khăn này, Phó Chánh án TAND huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng Lê Anh Sơn có một số kiến nghị giải quyết. Cụ thể, về quản lý thông tin người nghiện ma túy, để việc xử lý đối với các đối tượng nghiện kịp thời cần phải có thông tin về người nghiện ma túy.

Kinh nghiệm một số nước cho thấy một trong những yếu tố quan trọng nhất bảo đảm tính hiệu quả trong việc quản lý, xử lý đối tượng nghiện là việc cơ quan Công an phải có được hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin đầy đủ về người nghiện trên toàn quốc và áp dụng những thành tựu về công nghệ thông tin trong thu thập, quản lý và sử dụng các nguồn thông tin về người nghiện. Hệ thống thông tin người nghiện ma túy cần phải có đầy đủ các thông tin cơ bản như thông tin về thời điểm bắt đầu nghiện ma túy, loại ma túy sử dụng, hình thức sử dụng, các biện pháp cai nghiện đã được áp dụng, tái nghiện hay không.

Ngoài ra cần quy định trách nhiệm của cơ quan Công an và người công chức trong việc bảo mật thông tin người nghiện, chỉ rõ trường hợp nào cơ quan công an được cung cấp thông tin người nghiện ma túy cho các cơ quan khác khi có yêu cầu. Đồng thời, cũng cần quy định rõ các hình thức xử lý nếu cán bộ công chức để lộ thông tin người nghiện khi không được cho phép. Quy định này giúp cơ quan công an dễ dàng thu thập được nhiều thông tin về người nghiện ma túy, từ đó có được hệ thống thông tin đa chiều, đầy đủ nhằm phục vụ tốt công tác quản lý, xử lý các đối tượng nghiện ma túy.

Về xử lý đối với trường hợp người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thì pháp luật cần quy định cụ thể về thẩm quyền của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện trong độ tuổi này, cũng như cho phép các cơ sở cai nghiện bắt buộc được tiếp nhận và tổ chức cai nghiện cho người nghiện ma túy trong độ tuổi nêu trên với những đặc thù riêng. Vì chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và những cơ sở cai nghiện mới có đầy đủ chuyên môn cũng như các điều kiện cần thiết khác để tổ chức cai nghiện cho người nghiện nói chung cũng như người nghiện là người chưa thành niên nói riêng.

Về giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì phải coi giáo dục tại xã, phường, thị trấn là một trong các biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Do đó nhằm đảm bảo nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính phải được tiến hành nhanh chóng công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật vì thì Chính phủ nên sửa đổi Nghị định 111 theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, giảm thiểu các đầu mối, rút ngắn các quy trình thực hiện, tạo thuận lợi cho các cơ quan thực thi pháp luật.

Về xác định tình trạng nghiện ma túy, Bộ Y tế cần sớm ban hành hướng dẫn bổ sung để chẩn đoán và điều trị các chất ma tuý như: Ketamine, Cocaine, Cần sa và các chất hướng thần khác đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều ở nước ta; sửa đổi, bổ sung Quyết định số 5075/QĐ-BYT ngày 12/12/2007 về hướng dẫn chẩn đoán người nghiện ma túy nhóm OPIATS (chất dạng thuốc phiện) và Quyết định số 3556/QĐ-BYT ngày 10/9/2014 về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị rối loạn tâm thần thường gặp do sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (ATS) theo hướng đơn giản dễ thực hiện, phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương; xây dựng tài liệu và đào tạo tập huấn cho cán bộ y tế cấp xã về chẩn đoán nghiện ATS.

Tóm lại, việc thực thi pháp luật về đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc vẫn còn những khó khăn. Để thực hiện tốt quy định của pháp luật về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc Nhà nước cần sớm hoàn thiện pháp luật về xử lý đối với người nghiện ma túy. Đồng thời, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của cơ quan công an cấp xã, sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị sẽ thúc đẩy việc thực thi pháp luật về phòng chống ma túy nói chung, đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện nói riêng, nhằm giữ vững ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội.

}
Top