Nỗ lực đưa người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng
(Chinhphu.vn) - Trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, với 7 lần đổi tên gắn với chức năng, nhiệm vụ theo từng giai đoạn, đến nay, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai đã và đang thực hiện tốt công tác quản lý, điều trị cai nghiện, tư vấn tâm lý trị liệu, tổ chức các hoạt động lao động, học tập, học nghề cho người cai nghiện ma túy.
Sáng 29/3, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (29/3/1994-29/3/2024).
Cơ sở được thành lập ngày 29/3/1994 với tên gọi là Trung tâm Hướng nghiệp số 5 thuộc Sở LĐTB&XH tỉnh Gia Lai, có trụ sở tại đường Yết Kiêu (phường Thống Nhất, TP. Pleiku). Từ năm 2010, cơ sở chuyển về thôn 2, xã Biển Hồ, có tổng diện tích 50.000 m2, trong đó diện tích đất xây dựng 4.184 m2 bao gồm trụ sở làm việc và các khu của học viên.
Ông Lê Minh Lộc, Giám đốc Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh cho biết, trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, với 7 lần đổi tên gắn với chức năng, nhiệm vụ theo từng giai đoạn, đến nay, cơ sở đã và đang thực hiện tốt công tác quản lý, điều trị cai nghiện, tư vấn tâm lý trị liệu, tổ chức các hoạt động lao động, học tập, học nghề cho người cai nghiện ma túy.
Từ 18 biên chế được giao (thực tế chỉ có 11 người) những ngày mới thành lập, đến nay cơ sở được giao 35 biên chế (31 viên chức, 4 lao động hợp đồng). Số có mặt hiện nay là 33 người (23 viên chức, 10 hợp đồng lao động). Đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành, tâm huyết, nhiều kinh nghiệm, đoàn kết thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Đến nay, cơ sở đã tiếp nhận, quản lý, giáo dục, chữa bệnh và tái hòa nhập cộng động cho 2.850 lượt học viên. Trong đó có 448 học viên mại dâm và 2.402 học viên ma túy. Công tác tiếp nhận, quản lý học viên trong những năm qua tại cơ sở thực hiện đúng quy định.
Công tác dạy nghề cho học viên tại cơ sở được duy trì thường xuyên. Cơ sở đã tổ chức được 50 lớp học nghề may, đan ghế nhựa (giả mây), sửa chữa máy nông nghiệp, nghề lắp đặt sửa chữa điện sinh hoạt, trồng trọt và bảo vệ thực vật, kỹ thuật chế biến món ăn…cho 1.250 học viên.
Đồng thời cũng tổ chức lao động trị liệu (mỗi ngày 4 giờ) cho học viên với những việc làm phù hợp, giúp học viên vừa rèn luyện sức khỏe, nhận thức được giá trị của lao động và cải thiện thêm bữa ăn hàng ngày.
Ngoài nhiệm vụ giúp học viên cai nghiện, cán bộ cơ sở còn gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng từng học viên để tạo sự chuyển biến về tư tưởng, giúp họ sớm hoàn lương. Các học viên khi vào đây đều được học nội quy, quy chế, các văn bản quy phạm pháp luật; được đào tạo nghề, lao động trị liệu và làm công tác phục vụ tùy theo khả năng, năng lực từng người; được tự chọn học một nghề để sau này trở về địa phương có thể tự kiếm sống bằng chính bàn tay, khối óc của mình. Trong quá trình giảng dạy, cơ sở xây dựng những chuyên đề về tự cai nghiện, bổ sung kỹ năng sống để hòa nhập xã hội.
Học viên -từ những con người từng chìm đắm trong "làn khói trắng", tưởng không còn lối thoát - nay đã dần lấy lại ý thức, niềm tin và cố gắng gây dựng tương lai mới, sống có ích. Những giờ lên lớp học hỏi kiến thức cơ bản, rồi tiếp cận thực hành các kỹ năng về an toàn lao động, vận hành các máy móc, thiết bị đã giúp không ít học viên vực lại tinh thần.
Để công tác cai nghiện thành công, cơ sở xác định, công tác giáo dục phục hồi nhân cách và lao động, sản xuất rất quan trọng. Bởi, nếu không được lao động, học viên sẽ rất mệt mỏi, lúc nào cũng nghĩ đến việc trốn trại, đi tìm ma túy. Có việc làm đồng nghĩa với việc sẽ không còn thời gian để nghĩ đến chất gây nghiện. Bằng nhiều cách, vận động nhiều mối quan hệ, thời gian qua, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh đã tăng cường phối hợp với các đơn vị dạy nghề trên địa bàn tỉnh để dạy nghề cho học viên.
Đơn vị cũng thường xuyên phối kết hợp với Trung tâm phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS (nay là Trung tâm kiểm soát bệnh tật) tổ chức khám, xét nghiệm và điều trị bệnh cho học viên theo định kỳ 6 tháng/1 lần. Trong đó đã điều trị cho 102 người nghiện bị nhiễm HIV/AIDS.
Năm 2019, cơ sở đã có nghiên cứu ứng dụng dầu gấc DHA để điều trị nghiện ma túy đá Methamphetamin. Kết quả ứng dụng trên 10 học viên tham gia trong thời gian 3 đến 6 tháng cho thấy 100% hồi phục tri giác rõ rệt, ngủ ngon và không xuất hiện loạn thần. Hiện nay, phương pháp này vẫn đang được ứng dụng và đạt hiệu quả rõ rệt.
Vĩnh Hoàng