Nỗ lực tăng tỉ lệ bệnh nhân HIV có thẻ bảo hiểm y tế
Theo TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, hiện nay nhiều tỉnh, thành phố đạt 100% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân nhiễm HIV chưa điều trị ARV có thẻ BHYT vẫn chưa đạt kỳ vọng, do vậy Bộ Y tế đang nỗ lực hết sức để nâng cao tỷ lệ này bởi BHYT sẽ là nguồn chính chi trả thuốc ARV khi nguồn viện trợ cắt giảm và chấm dứt với mục tiêu tăng tỷ lệ người nhiễm có thẻ lên 100%.
Nhiều nơi đã đạt 100% bệnh nhân đang điều trị có thẻ BHYT
TS. Hoàng Đình Cảnh cho biết, với những người không nhiễm HIV tham gia BHYT để khi đi khám, chữa bệnh sẽ được BHYT chi trả. Nếu may mắn không bị bệnh thì số tiền đó có cơ hội giúp những người khác không may bị bệnh nhất là những người phải chi phí điều trị lớn, đó là tính nhân văn hay nhân đạo của BHYT.
Tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV. Ảnh: Trà My
Đối với người nhiễm HIV tham gia BHYT thì BHYT càng có ý nghĩa quan trọng hơn, bởi vì người nhiễm HIV phải điều trị bằng thuốc kháng virus liên tục, suốt đời. Bên cạnh đó, họ còn hay bị mắc các nhiễm trùng cơ hội hoặc mắc bệnh tật. Chi phí điều trị HIV/AIDS bao gồm thuốc ARV, các xét nghiệm CD4, tải lượng vi rút, các xét nghiệm chức năng gan, thận... Số tiền mua thẻ BHYT nhỏ hơn nhiều so với số tiền họ được hưởng khi điều trị HIV/AIDS. Như vậy, tham gia BHYT đem lại nhiều lợi ích cho người dân nói chung, đặc biệt có ý nghĩa giảm gánh nặng tài chính với người nhiễm HIV.
Người nhiễm HIV có đủ giấy tờ, đủ điều kiện kinh tế thì việc tham gia BHYT tương tự như người dân không nhiễm HIV. Mua BHYT theo hộ gia đình ở đại lý BHXH tuyến xã, phường.
Người nhiễm HIV chưa có thẻ BHYT hoặc hết hạn BHYT thuộc đối tượng được hỗ trợ chi phí đóng BHYT: Cơ sở điều trị HIV/AIDS hướng dẫn người nhiễm thực hiện các thủ tục đề nghị cấp thẻ BHYT và lập danh sách những người đó gửi đơn vị chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố mua tập trung. Như vậy, những khó khăn khi tiếp cận BHYT của người nhiễm HIV đã được giải quyết khi Thông tư 27/2018 hướng dẫn thực hiện BHYT liên quan đến HIV được ban hành.
Theo tổng hợp từ các tỉnh, thành phố, tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT tăng lên nhanh chóng từ 30% (2015) lên 90% hiện nay. Nhiều tỉnh, thành phố đạt 100% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT. Có được kết hết sức quả ngoạn mục trên là nhờ có sự chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương và hàng loạt các giải pháp.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2188/QĐ-TTg về thanh toán thuốc ARV và hỗ trợ người sử dụng thuốc ARV từ nguồn BHYT vào cuối năm 2016. Theo đó, quy định trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố bố trí kinh phí mua thẻ BHYT cho 100% người nhiễm HIV. Đây là văn bản quan trọng tác động đến việc tăng nhanh tỷ lệ người nhiễm có thẻ BHYT.
Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn, phổ biến và hỗ trợ các địa phương vận động nguồn ngân sách địa phương và các nguồn chương trình, dự án cho hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV. Đồng thời, các cơ sở điều trị đã rất tích cực tư vấn, truyền thông và hỗ trợ người nhiễm HIV tự nguyện tham gia BHYT. Cơ chế tham gia BHYT cho người nhiễm HIV không có giấy từ tùy thân đã được giải quyết trong Thông tư 27/2018/TT-BYT ngày 26/10/2018 của Bộ Y tế thông qua hình thức phát hành thẻ BHYT có ảnh.
Những giải pháp để người nhiễm tham gia BHYT toàn diện
Thời gian tới, để người nhiễm HIV tham gia BHYT toàn diện, cần thực hiện nhiều giải pháp. TS. Hoàng Đình Cảnh cho biết, hiện nay, Chính phủ đã xác định BHYT sẽ là nguồn chính chi trả thuốc ARV khi nguồn viện trợ cắt giảm và chấm dứt với mục tiêu tăng tỷ lệ người nhiễm có thẻ lên 100%. Do đó, để thực hiện được mục tiêu này với các nhóm đối tượng khác nhau có giải pháp khác nhau.
Cụ thể, với những người không thuộc diện hỗ trợ của nhà nước cần tuyên truyền cho người nhiễm HIV hiểu được lợi ích của BHYT. Khuyến khích người nhiễm HIV tham gia BHYT ngay vì như đã đề cập ở trên, BHYT không chỉ phục vụ khám điều trị HIV/AIDS hay cấp thuốc ARV mà còn để khám và chữa các bệnh khác.
Hiện nay đã có những chính sách khuyến khích người nhiễm HIV mua thẻ BHYT như nếu mua theo hộ gia đình sẽ được giảm trừ từ những người thứ hai trở đi hoặc người nhiễm HIV đã tham gia BHYT rồi mà chưa thể tham gia BHYT theo hộ gia đình thì vẫn tiếp tục được mua BHYT theo cá nhân, hay người nhiễm HIV có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS có đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến huyện và tuyến tỉnh.
Những đối tượng được nhà nước hỗ trợ như người nghèo, người cận nghèo, người sống ở vùng núi, dân tộc, vùng sâu, vùng xa thì sử dụng thẻ BHYT mà nhà nước đã hỗ trợ để khám và điều trị HIV/AIDS.
Một số đối tượng thật sự rất khó khăn không thể mua được thẻ BHYT mà lại chưa nằm trong nhóm đối tượng nghèo hay cận nghèo hoặc nhóm được chính phủ hỗ trợ thì các địa phương có thể sử dụng một phần kinh phí kết dư của quỹ BHYT để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho họ.
TS. Hoàng Đình Cảnh hy vọng, với những giải pháp trên trong thời gian tới độ bao phủ của BHYT trong nhóm người nhiễm HIV sẽ tăng nhanh và có thể đạt được mục tiêu như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.