Nỗ lực trấn áp tội phạm ma túy, giữ yên biên giới
(Chinhphu.vn) - Những năm qua, trên địa bàn hai tuyến biên giới của tỉnh Thừa Thiên Huế, hoạt động của tội phạm ma túy và tội phạm khác có chiều hướng gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, với nỗ lực và trách nhiệm, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triệt phá nhiều đường dây ma túy lớn, giữ bình yên nơi biên giới.
Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 669-NQ/ĐU của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng về lãnh đạo, nâng cao, chất lượng hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và tội phạm ma túy; xây dựng lực lượng chuyên trách phòng, chống chống ma túy và tội phạm ma túvững mạnh toàn diện trong tình hình mới, Đại tá Phạm Tùng Lâm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Hoạt động của tội phạm ma túy chủ yếu là mua bán, tàng trữ với thủ đoạn hết sức tinh vi; sử dụng các mạng xã hội (zalo, facebook…) để giao dịch mua bán. Loại tội phạm này còn thường xuyên thay đổi về thời gian, địa điểm giao nhận, thay đổi phương thức hoạt động liên tục.
Tình hình hoạt động của các loại tội phạm khác nổi lên hoạt động vận chuyển hàng hóa, khai thác lâm, khoáng sản trái phép, hoạt động tàu giã cào sai tuyến, sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản…
Trong khi đó, nhân dân ở khu vực biên giới trình độ văn hóa, sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế, phong tục tập quán còn nặng nề, kinh tế còn nhiều khó khăn; đây là điều kiện để các đối tượng tội phạm lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, đặc biệt là tội phạm ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, mua bán người...
Ngay sau khi Nghị quyết số 669 được ban hành, Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động xây dựng Nghị quyết số 23-NQ/ĐU ngày 20/9/2018, để cụ thể hóa, đưa các nội dung trọng tâm vào các nghị quyết lãnh đạo thực hiện của Đảng ủy. "Trong 5 năm qua, bám sát nội dung tinh thần của nghị quyết; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đấu tranh, phòng, chống với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn khu vực biên giới tỉnh. Đồng thời, xây dựng lực lượng phòng, chống ma túy có năng lực công tác tốt, có bản lĩnh, tư tưởng chính trị vững vàng, nhiệt huyết, tận tâm… đáp ứng yêu cầu ngày càng cao hiện nay.
Trong 5 năm qua, các lực lượng Bộ đội Biên phòng và Công an trên hai tuyến biên giới đã phát hiện 1.031vụ/1.648 đối tượng; tang vật thu giữ: 12,6933 gam ma túy đá; 35 bánh heroin; 13.606 viên ma túy tổng hợp; 3,73 kg ma túy loại Ketamin; 1.934,04 gam ma túy loại Methamphetamine; 2.548 tấn than cám; 43,3348 m3 gỗ các loại; 4.388 lít dầu DO; 15 súng hơi tự chế; 140 viên đạn chì…
Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ trì khởi tố 13 vụ/23 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 400 vụ/539 đối tượng, phạt tiền sung quỹ Nhà nước gần 2,6 tỷ đồng; phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy miền Trung, Phòng PC04 Công an tỉnh; Công an huyện A Lưới và các đồn Biên phòng bắt giữ 15 vụ/29 đối tượng; tang vật thu giữ: 14 bánh heroin có khối lượng 4.907,356 gam; 3,19 kg ma túy tổng hợp; 3,7 kg Ketamine; 15.516 viên ma túy tổng hợp…
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và các loại tội phạm trên hai tuyến biên giới, lực lượng Bộ đội Biên phòng xác định việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy là một trong những nội dung cơ bản quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân, góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy ở cộng đồng dân cư.
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có hàng loạt chỉ đạo để tăng cường công tác phòng chống ma túy và cai nghiện. Trong đó, Kế hoạch số 48/KH-UBND phòng, chống ma tuý năm 2023 đặt một số chỉ tiêu cơ bản như: 100% xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, thôn, bản cơ quan, đơn vị, trường học đăng ký thi đua giữ vững, chuyển hóa, xây dựng đơn vị không có ma túy. 100% cơ quan, đơn vị, trường học không có ma túy. 100% người sử dụng ma túy trái phép được lập hồ sơ quản lý, theo dõi và được rà soát, cập nhật thường xuyên; thực hiện các biện pháp xét nghiệm, lập hồ sơ xác định tình trạng nghiện để lập hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc lập hồ sơ cai nghiện theo quy định. Không để tồn tại điểm, tụ điểm ma túy phức tạp kéo dài gây bức xúc trong quần chúng nhân dân…
Ngoài ra, tại Kế hoạch số 43/KH-UBND phòng, chống, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh năm 2023, tỉnh cũng phấn đấu đạt những chỉ tiêu như: 100% xã, phường, thị trấn, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được truyền thông, giáo dục về phòng, chống ma tuý. Tổ chức tư vấn, cai nghiện, điều trị nghiện 80-85% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý với các hình thức phù hợp. 100% người đã hoàn thành cai nghiện được hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng với các hình thức giáo dục, tư vấn, giám sát phù hợp...
Giang Oanh